50 năm - Ánh sáng văn hóa của Đảng tỏa sáng vùng cao
- Cập nhật: Thứ tư, 18/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - 50 năm - một chặng đường đầy khó khăn đối với sự nghiệp phát triển giáo dục ở vùng cao Mù Cang Chải. Nhìn bản thành tích 50 năm của ngành giáo dục huyện nhà, chúng ta không khỏi tự hào, bởi nhiều cá nhân, tập thể được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý như Nhà giáo ưu tú, Huân chương lao động, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và của các cấp, các ngành.
Học sinh Trường Phổ thông DTNT Mù Cang Chải trong giờ học vi tính.
|
Tháng 10 năm 1957, khi Mù Cang Chải là một huyện có tên trên bản đồ thì nơi đây còn rất hoang sơ, bốn mùa núi rừng trắng mờ mây phủ. Đường lên xứ này qua đèo Khau Phạ như dải lụa vàng vắt ngang lưng núi, một bên núi cao đá dựng như thành, một bên vực sâu thăm thẳm nhìn xuống chỉ thấy một vệt đen mờ không đáy. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, nhiều đoàn cán bộ xung phong lên Tây Bắc xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá, giáo dục, góp phần đưa miền núi tiến kịp miền xuôi. Đoàn cán bộ giáo dục đầu tiên đến Mù Cang Chải làm công tác xoá nạn mù chữ cho cán bộ và nhân dân địa phương gồm 3 đồng chí: Lê Tiên, Hà Đình Luật, Hoàng Văn Ngân.
Hủ tục ngàn đời của người dân vùng cao dưới chế độ thực dân phong kiến đã gây trở ngại không nhỏ khi dạy chữ cho đồng bào. Các chiến sĩ - thầy giáo đã kiên trì, bền bỉ bám dân, bám bản, ngày đêm xây dựng phong Trào Bổ túc văn hoá. Năm 1959, 14 thầy giáo qua lớp đào tạo đặc biệt tại trường bổ túc công nông Trung ương được bổ sung cho Mù Cang Chải. Niềm vui được tăng thêm, đồng đội như được tiếp thêm sức mạnh. Những cái tên như Nguyễn Văn Nghi, Đoàn Lãng, Nguyễn Anh Tài, Nguyễn Hữu Thăng, Đinh Xuân Thái, Phạm Văn Đại, Nguyên Hữu Thịnh, Nguyễn Xuân Cư, Nguyễn Văn Sáng, Nguyễn Văn Thúc, Nguyễn Văn Đại còn in đậm trên trang sử phát triển giáo dục vùng cao Mù Cang Chải. Cũng năm 1959, Phòng Giáo dục và Đào tạo Mù Cang Chải được thành lập.
Những cán bộ lãnh đạo của Phòng không quản ngại khó khăn gian khổ, trèo đèo lội suối cùng với giáo viên đến các thôn bản vùng cao như: Chế Tạo, Khao Mang, Dế Xu Phình, Nậm Có, Chế Cu Nha, Kim Nọi… xây dựng trường lớp, vận động con em đồng bào dân tộc ít người đi học. Công lao của cán bộ, giáo viên, nghe theo lời Bác Hồ dạy đem ánh sáng văn hoá của Đảng đến với đồng bào vùng cao bước đầu được đền đáp. Huyện Mù Cang Chải có phong trào bổ túc văn hoá, có trường lớp phổ thông. Phương châm giáo dục "Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tế, nhà trường gắn liền với xã hội" được thực hiện có hiệu quả.
Thời kỳ chiến tranh, ngành giáo dục Mù Cang Chải đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Các thầy, cô giáo ngày đêm bám dân, bám bản, vận động nhân dân sơ tán trường lớp, đào hầm hào đảm bảo an toàn cho việc học tập của học sinh. Phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" lan rộng đến các trường lớp sơ tán ở vùng sâu, vùng cao Mù Cang Chải. Phong trào thi đua dạy tốt của thầy, học tốt của trò được duy trì, củng cố. Năm 1973, Trường La Pán Tẩn được công nhận là lá cờ đầu của ngành giáo dục; năm 1978 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Đất nước thống nhất, cùng với giáo dục cả nước, ngành giáo dục Mù Cang Chải đã không ngừng vươn lên tạo ra bước chuyển mình năng động. Ở trường, lớp nào cũng thấy khẩu hiệu "Tất cả vì học sinh thân yêu" và "Kỷ cương - tình thương - trách nhiệm". Mạng lưới giáo dục Mù Cang Chải không ngừng phát triển. Trường Thiếu nhi vùng cao (nay là Trường phổ thông Dân tộc nội trú); Trường liên cấp II + III (nay là Trường THPT); Trường Bồi dưỡng giáo dục (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề) được thành lập đã góp phần đa dạng hoá các loại hình đào tạo, bảo đảm đầy đủ các ngành học, cấp học ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào các dân tộc ít người được học lên ở cao hơn. Cũng nhờ có sự đa dạng về loại hình đào tạo mà nhiều cán bộ, giáo viên đã chứng tỏ được năng lực của mình. Nhiều cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.
Ngành giáo dục Mù Cang Chải đã có giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Tập thể giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú là một tập thể vững mạnh. Năm học 1997- 1998, 4 tổ chuyên môn của trường được công nhận là tổ lao động xã hội chủ nghĩa, 3 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 24,1% số học sinh được xếp loại văn hoá khá, giỏi. Nhà trường giữ vững danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh nhiều năm liền.
Do biết nhân rộng gương điển hình tiên tiến, thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động như "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"; phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", cộng với sự cố gắng của cán bộ, giáo viên, công nhân viên, ngành giáo dục Mù Cang Chải đã có những bước đi lên vững vàng cả về số lượng và chất lượng. Năm học 2008 - 2009, huyện Mù Cang Chải có 32 trường từ mầm non đến trung học với 714 nhóm lớp, 15.902 học sinh, học viên. Ngành học mầm non các chuyên đề nâng cao chất lượng giáo dục và dinh dưỡng được đẩy mạnh, công tác vệ sinh môi trường, nhóm lớp, đồ chơi được thực hiện thường xuyên; 100% số trẻ ra lớp được tiêm chủng phòng bệnh. ở bậc tiểu học, học sinh xếp loại thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đạt tỷ lệ 92,7%; Ở bậc trung học cơ sở chỉ còn 0,3% số học sinh xếp loại đạo đức yếu, 9,2% số học sinh xếp loại yếu kém về văn hoá.
50 năm - một chặng đường đầy khó khăn đối với sự nghiệp phát triển giáo dục ở vùng cao Mù Cang Chải. Nhìn bản thành tích 50 năm của ngành giáo dục huyện nhà, chúng ta không khỏi tự hào, bởi nhiều cá nhân, tập thể được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý như Nhà giáo ưu tú, Huân chương lao động, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và của các cấp, các ngành. Tự hào bởi có nhiều cán bộ, giáo viên toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp như các thầy giáo: Lê Tiên, Đinh Xuân Thái, Nguyễn Huy Đồng, Đồng Văn Định, Vũ Duy Quán, Đoàn Minh, Vũ Hải Cường, Phạm Minh Lãng...Nhiều học sinh của Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện trở thành cán bộ lãnh đạo cấp huyện, tỉnh, Trung ương như: Sùng A Vàng, Giàng A Chu, Giàng A Dao, Vàng A Sàng, Vừ Thị Pàng, Lý A Sáng...
Với sự nhiệt huyết và tinh thần vượt khó đi lên cùng bề dầy thành tích 50 năm xây dựng và phát triển, sự nghiệp giáo dục Mù Cang Chải sẽ tiếp tục đón chào những thành tích mới trong giai đoạn tiếp theo.
Hoàng Văn Đồng - Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Mù Cang Chải
Các tin khác
Chiều 17-11, ông Lưu Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn Lào Cai, cho biết, do không khí lạnh tăng cường muộn nên ở Sa Pa (Lào Cai), nhiệt độ đã xuống tới mức thấp nhất trong mùa đông năm 2009 là 4,9 độ C, xảy ra rét đậm, rét hại.
YBĐT - Ngày 16/11, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh, Sở Y tế Yên Bái phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 1816 về việc “Cử cán bộ luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao khám, chữa bệnh”. Dự có các đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thạc sỹ Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; PGS.TS Trần An - Phó Viện trưởng viện Mắt trung ương.
YBĐT - Thực hiện chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong năm học 2009 – 2010, Hội đồng Đội huyện Lục Yên phối hợp với ngành giáo dục & đào tạo Lục Yên phát động phong trào thi đua xây dựng sổ “ Nhật ký đội viên làm theo lời Bác ” năm học 2009 – 2010 và giai đoạn 2010 - 2015 đối với các Liên đội trên địa bàn toàn huyện, nhằm tạo ra phong trào hành động thiết thực, thi đua thực hiện tốt cuộc vận động "Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy ”.
YBĐT - Thông thường khi cơ quan Công an tổ chức điều tra một vụ án luôn có sự phối hợp nhịp nhàng của các phòng nghiệp vu, nhưng với rất nhiều vụ án, sự phối hợp đó chưa đủ. Và điều làm nên khác biệt chính là sự xuất hiện của các chú chó nghiệp vụ.