Cô giáo Hà nhiệt huyết với vùng cao
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cô giáo Nguyễn Thị Hà - giáo viên Trường Tiểu học Vừ A Dính, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vốn sinh ra và lớn lên ở xã Minh Quán (huyện Trấn Yên). Hồi nhỏ, khi xem truyền hình, nghe đài nói về cái khổ của những đứa trẻ ở vùng cao không được cắp sách tới trường học chữ, chị thấy thương và mơ ước trở thành người giáo viên để có thể đem cái chữ đến với các em.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà đang nghiên cứu tài liệu để tìm phương pháp giảng dạy phù hợp với học sinh vùng cao.
|
Học xong THPT, chị đã thi vào Trường Trung học Sư phạm Nghĩa Lộ. Đến năm 1999, tốt nghiệp, chị Hà trở về dạy tại quê nhà. Sau đó, chị xác định phải tiếp tục đi học, nâng cao trình độ chuyên môn để mình có những kiến thức đáp ứng yêu cầu xã hội và làm việc hiệu quả cao hơn. Với những suy nghĩ đó, năm 2000 chị tiếp tục thi vào học tại Trường đại học Sư phạm I - Hà Nội. Sau 4 năm miệt mài với sách vở, đến năm 2004, chị thi đỗ tốt nghiệp và quyết tâm thực hiện ước mơ của mình lên vùng cao dạy học.
Chị đã tình nguyện công tác ở huyện vùng cao Mù Cang Chải. Sau khi được Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện tiếp nhận, chị được phân công công tác tại Trường THCS Vừ A Dính, xã Nậm Có, cách trung tâm huyện lỵ khoảng trên 50 km. Đơn vị làm việc nằm trên địa bàn xã nghèo, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của nhân dân còn nhiều thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, chị gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là khi mới lên, chị chưa biết tiếng địa phương nên rất khó khăn trong việc giảng dạy, truyền đạt bài cho học sinh. Nhà ở thì tạm bợ, cảnh vật, con người đều lạ. Đêm tối điện chưa có dùng, chỉ thắp sáng bằng ngọn đèn dầu hoặc nến.
Nhiều đêm nằm ngủ không yên giấc, chị vừa nhớ về quê vừa thấy mệt mỏi và chán nản công việc. Đôi khi chị có ý định từ bỏ ý nguyện của mình, nhưng cứ mỗi khi nhìn vào những đứa trẻ không được học phải theo cha mẹ lên nương là lòng chị lại thấy xót xa và thôi thúc quyết tâm ở lại. Bên cạnh đó, chị được các đồng nghiệp động viên, giúp đỡ, được bà con và các em học sinh người dân tộc sẻ chia tình cảm với chị bằng những bát gạo, mớ rau cùng với những lời động viên mộc mạc chân tình: “Cô giáo lên đây phải cố gắng dạy cái chữ cho con cháu chúng tôi nhé! Cô không được bỏ về đâu nhé...!”. Sự động viên ấy khiến chị dần dần càng gần gũi, yêu mến con người và mảnh đất này. Đem hết năng lực, tâm huyết của mình phục vụ cho việc dạy học, vừa là thầy lại vừa là trò, chị dạy chữ cho các em người Mông, người Thái, ngược lại chị còn học được tiếng địa phương từ chính các em và ở các đồng nghiệp đi trước.
Khi công việc và cuộc sống gần như ổn định thì nỗi đau bất ngờ lại ập đến với chị, chồng chị không may bị tai nạn qua đời, để một mình chị nuôi đứa con thơ. Tuy nhiên, chị xác định “Phải tiếp tục gượng dậy mà sống, sống vì còn đứa con gái mới 6 tuổi và cả các em học sinh vùng cao nữa” - chị tâm sự.
Ngoài việc dạy học, chị Hà còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào khác trong nhà trường như: công tác Đoàn, Đội và Hội Chữ thập đỏ… 5 năm nhiệt huyết phấn đấu, năm nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chị đã có hai năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở và hai năm liên tục được công nhận là nữ công “hai giỏi” và thời gian qua chị đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam.
Chia tay cô giáo Hà, chúng tôi thầm nghĩ, nếu như ở vùng cao và các vùng quê nghèo luôn có những tấm lòng nhiệt huyết với nghề, biết chia sẻ và cảm thông như cô giáo Nguyễn Thị Hà thì chắc chắn sự nghiệp giáo dục ở những vùng này sẽ còn tiến bộ và phát triển hơn.
Đức Hồng
Các tin khác
YBĐT - Phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” lồng ghép với phong trào thi đua “Hai tốt” thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái tham gia. Năm năm qua, đã có 487 chị được công nhận danh hiệu “Hai giỏi”. Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 năm nay, chúng tôi có dịp gặp những gương mặt tiêu biểu trong phong trào này và hiểu thêm những nỗ lực của các chị.
YBĐT - Ngày 19/11, đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đã đến thăm, tặng quà các thầy cô giáo tại thị xã Nghĩa Lộ.
Bộ LĐTB-XH vừa ban hành Thông tư 35 hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với trường hợp có thuê mướn lao động. Theo đó, mức lương tối thiểu phải trả cho người lao động thuộc vùng 1 (bao gồm các quận thuộc Hà Nội và TPHCM) là 980.000 đồng, vùng 2 là 880.000 đồng, vùng 3 là 810.000 đồng và vùng 4 là 730.000 đồng.
Đợt không khí lạnh tăng cường lần thứ 3 tiếp tục tràn xuống các tỉnh miền Bắc, khiến đợt rét đậm thêm kéo dài. Ban đêm ở một số vùng núi nhiệt độ xuống đến O độ C, gây ra sương muối, băng tuyết.