Trấn Yên: Chăm lo phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- Cập nhật: Thứ năm, 24/12/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhiều năm trước, đời sống đồng bào dân tộc ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) bấp bênh, khó khăn, thiếu thốn do còn nặng tập quán du canh du cư, phát rừng làm nương rẫy, nhất là đồng bào Mông... Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền Hồng Ca đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con xoá bỏ tập tục lạc hậu, định canh, định cư.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà thăm hỏi đồng bào dân tộc thiếu số huyện Trấn Yên.
|
Qua tuyên truyền, vận động, từ hạn chế, dần dần đồng bào đã tự giác chấm dứt việc phát rừng làm nương rẫy, xuống núi, định cư trồng lúa nước. Bà con đã được tiếp nhận nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất của các cấp, các ngành, nhất là những năm gần đây, nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế thí điểm được xây dựng để bà con học tập như mô hình chăn nuôi lợn, trâu, bò, mô hình thâm canh lúa, trồng ngô trên đất dốc... qua đó đã làm thay đổi tư duy sản xuất tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hoá, đời sống, kinh tế, ngày một cải thiện. Đến nay xã không còn tình trạng thiếu đói lương thực, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34% năm 2000 xuống còn 24% năm 2009.
Cuộc sống nghèo khó cũng là tình trạng của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông, Mường... ở xã Kiên Thành những năm 2000 trở về trước, với hơn 80% số hộ đói nghèo. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp, bà con dần đổi mới cách nghĩ cách làm, thay đổi tập quán canh tác. Nhiều công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được Nhà nước đầu tư xây dựng cho địa phương; máy nông cụ, cây, con giống hỗ trợ đã đến với đồng bào. Bà con dân tộc còn được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Nhờ vậy, ngoài việc đẩy mạnh thâm canh cây lúa, Kiên Thành còn hình thành các vùng sản xuất cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Năm 2003, xã mới có 60 ha tre măng Bát Độ, đến năm 2009, diện tích cây trồng này đã lên tới 400 ha, với sản lượng khai thác trong năm nay đạt gần 600 tấn, mang về tổng thu nhập gần 2 tỷ đồng cho nhân dân trong xã. Kiên Thành hiện còn có 2.000 ha quế đã cho thu hoạch luân kỳ, bình quân mỗi năm khai thác gần 1.000 tấn quế vỏ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân... Đời sống của nhân dân trong xã ngày một khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 800.000đ/người/năm, năm 2000 đến nay đã đạt 7.000.000đ/người/năm.
Không chỉ ở Hồng Ca hay Kiên Thành, Đảng bộ và chính quyền các xã và huyện Trấn Yên đều xác định chăm lo phát triển kinh tế là một nội dung quan trọng hàng đầu trong việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội nói chung đối với vùng đồng bào dân tộc. Vì thế, trong những năm qua, chính quyền các cấp ở Trấn Yên một mặt tích cực tranh thủ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước để hỗ trợ đồng bào. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh phát triển nông, lâm, nghiệp; đưa các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tích cực thâm canh, xen canh, gối vụ trên diện tích canh tác lúa; mở rộng sản xuất vụ đông, lấy cây ngô làm chủ lực; phát triển kinh tế rừng...
Nhờ đó, một bộ phận nhân dân ở vùng cao, vùng sâu đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần đưa kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, từng bước hình thành những vùng kinh tế hàng hoá như: vùng quế với diện tích gần 10.000 ha, tập trung ở các xã Kiên Thành, Y Can, Quy Mông, Lương Thịnh, Hưng Khánh...; vùng nguyên liệu giấy trên 20.000 ha; vùng măng tre Bát Độ trên 10.000 ha; vùng trồng dâu nuôi tằm, vùng chè... Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều gia đình người Mông, Dao, Tày... kinh tế đi lên trông thấy. Hộ gia đình ông Hà Văn Chỉ dân tộc Tày ở xã Hưng Khánh là một ví dụ.
Với diện tích trên 55.000m2 đất canh tác bao gồm đất cấy lúa nước, ao, đất rừng của gia đình, ông đẩy mạnh phát triển kinh tế VACR. 5 năm qua, lợi nhuận của gia đình luôn ở mức 50 - 60 triệu đồng mỗi năm. “Đấy là thành quả của mồ hồi, công sức của gia đình, song cũng là nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho chúng tôi được hưởng lợi từ các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là sự hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao...” - ông Hà Văn Chỉ chia sẻ.
Kinh tế vùng đồng bào dân tộc ngày một phát triển, góp phần không nhỏ vào công cuộc giảm nghèo trên địa bàn, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 21,85% hiện nay, đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển mọi mặt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trấn Yên.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Từ khi Đảng ta ra đời, ngay ở những giai đoạn đầu của cuộc cách mạng, công tác dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng. Các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết, gắn bó, kề vai sát cánh bên nhau, tương trợ giúp đỡ nhau tạo thành sức mạnh tổng hợp, đấu tranh chiến thắng mọi kẻ thù, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
YBĐT - Vừa qua, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng các lãnh đạo MTTQ tỉnh, Sở Nội vụ đã tới thăm, tặng quà và động viên các chức sắc, giáo dân ở Toà Giám mục giáo phận Hưng Hoá, thành phố Sơn Tây, Hà Nội.
Chiều 23.12, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã có buổi làm việc về công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, trên địa bàn cả nước đang có 3 tỉnh đang xảy ra dịch cúm gia cầm (CGC) chưa qua 21 ngày, gồm: Cà Mau, Thái Nguyên và Cao Bằng.