Từ ngày 1-1-2010: Buộc thôi việc công chức 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/12/2009 | 2:18:14 PM

Bắt đầu từ ngày 1-1-2010, Luật Cán bộ, công chức (CBCC) có hiệu lực thi hành. Luật này sẽ thay thế cho Pháp lệnh CBCC ngày 26-12-1998 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung của Pháp lệnh CBCC năm 2000 và 2003. Phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Công Luận, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, về một số nội dung chính của bộ luật này.

- PV: Xin ông cho biết những nét thay đổi lớn của Luật CBCC so với Pháp lệnh CBCC được áp dụng hơn 10 năm qua?

- Ông Đặng Công Luận: Luật CBCC ban hành lần này so với Pháp lệnh CBCC được áp dụng những năm qua có nhiều thay đổi lớn. Trong đó, các chính sách về quy hoạch, tuyển chọn, bố trí, sử dụng và đãi ngộ CBCC được quy định rõ hơn.

Ví dụ, về đãi ngộ, luật nói rõ quyền của CBCC về tiền lương được Nhà nước bảo đảm tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Người nào có tài năng sẽ được trọng dụng và trả lương xứng đáng. Điều này sẽ hạn chế tính cào bằng trong trả lương và đãi ngộ CBCC như trước kia. Hay về chính sách tuyển dụng CBCC, luật lần này đề cao nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật và đúng người, đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ và vị trí làm việc.

Công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ xây dựng tại Sở Xây dựng TPHCM.

- Để hạn chế tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy hiện nay, Luật CBCC quy định trách nhiệm của người đứng đầu ra sao?

- Vấn đề này trước đó Nghị định 157/2007/NĐ-CP ngày 27-10-2007 đã nói rất rõ. Luật lần này được cụ thể hóa với các nội dung như: người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở và xử lý kịp thời, nghiêm minh CBCC có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà dân.

- CBCC bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không được nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời gian 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

- CBCC bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.

(Điều 82 Luật CBCC)

- Về đánh giá và xử lý cán bộ được thực hiện ra sao?

- Việc đánh giá cán bộ sẽ được thực hiện hàng năm, trước khi bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc nhiệm kỳ, thời gian luân chuyển. Tất cả đều có tiêu chuẩn cụ thể và được công khai.

Kết quả phân loại đánh giá cán bộ được lưu vào hồ sơ cán bộ và thông báo đến cán bộ được đánh giá. Những cán bộ mà 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc hoàn thành nhưng còn hạn chế về năng lực thì sẽ bố trí công tác khác hoặc bị miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ. Quy định này sẽ hạn chế được tình trạng có nhiều cán bộ đã lên chức rồi là giữ luôn cho đến khi về hưu như trước kia.

- Trong thực tế có tình trạng hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì “đi xuống”, nhưng cán bộ vẫn giữ nguyên chức vụ?

- Việc đánh giá cán bộ còn có nội dung đánh giá kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cán bộ đó được giao lãnh đạo, quản lý. Nếu để xảy ra tình trạng cơ quan, tổ chức, đơn vị yếu kém thì cán bộ được giao lãnh đạo, quản lý cơ quan, tổ chức, đơn vị đó phải bị xem xét, xử lý qua hình thức miễn nhiệm hoặc cho thôi chức.

- Về đánh giá công chức thì sao?

- Việc đánh giá công chức cũng được quy định rất cụ thể, công khai mọi tiêu chuẩn đánh giá và được thực hiện hàng năm, trước khi bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái. Kết quả đánh giá được làm cơ sở để phân loại công chức. Nếu công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc. Trường hợp 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xem xét bố trí công việc khác.

- Về phạm vi thanh tra công vụ đối với CBCC được luật quy định ra sao?

- Luật lần này quy định rất rõ phạm vi và thẩm quyền thanh tra công vụ đối với CBCC, trong đó có nội dung thanh tra việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, đánh giá, thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, xử lý kỷ luật công chức, đạo đức, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động công vụ. Quy định này có tác dụng ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền, vi phạm các quy định trong tuyển dụng, bố trí, sử dụng CBCC.

- Về quy định xử lý kỷ luật CBCC, Luật CBCC có gì khác so với Pháp lệnh CBCC?

- Luật CBCC cũng quy định 6 hình thức kỷ luật như Pháp lệnh CBCC. Luật có khác ở chỗ là có hình thức giáng chức (thay cho hình thức hạ ngạch như trước kia). Đây là quy định mới được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. 

(Theo SGGP)

Các tin khác

YBĐT - Mô hình "Thư viện xanh" của Trường tiểu học Ngô Gia Tự, huyện Lục Yên (Yên Bái) là một điển hình trong việc thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" đồng thời Trường còn làm tốt phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" của ngành giáo dục Yên Bái.

YBĐT - Công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở Lục Yên những năm gần đây gặp không ít khó khăn: số lượng đoàn viên luôn biến động; số thanh niên đi làm ăn xa đông, nhiều thanh niên không có việc làm và thu nhập không ổn định; một số lại có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.

Cấm hút thuốc lá nơi công cộng, bỏ án tử hình cho tám tội danh, tăng lương tối thiểu, thu thuế thu nhập đối với các nhà đầu tư chứng khoán, cấp, phát thẻ bảo hiểm y tế mới... là những nội dung sẽ được triển khai kể từ ngày 1 - 1 - 2010.

Bộ GD&ĐT vừa có văn bản công bố hướng dẫn tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT năm 2010. Kỳ thi này sẽ được diễn ra vào ngày 11/3/2010.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục