Sức mạnh từ cơ sở
- Cập nhật: Thứ tư, 6/1/2010 | 2:38:06 PM
YBĐT - Chúng tôi đến Nghĩa An - một xã mà gần như tất cả các dự án, chương trình phát triển kinh tế - văn hóa điểm của tỉnh Yên Bái đầu tư triển khai ở thị xã Nghĩa Lộ đều đưa về đây. Lý do đơn giản là xã luôn thực hiện thành công.
Thị xã Nghĩa Lộ phát triển mạnh diện tích vụ đông nhờ những chủ trương, chính sách đúng từ cơ sở. (Ảnh: Nguyễn Đức Phương)
|
Nghĩa An rộng 1.100 ha, bằng 1/2 tổng diện tích của thị xã với 95% dân số là dân tộc Thái. Đảng bộ xã có 11 chi bộ trực thuộc, 92 đảng viên, trong đó có 8 chi bộ thôn, bản. Xã có chủ trương, cán bộ, đảng viên phụ trách thôn, bản nào phải bám sát cơ sở, vận động nhân dân chăm sóc cây vụ đông đồng thời chuẩn bị giống, phân bón cho vụ xuân. Các gia đình cán bộ, đảng viên phải đưa 100% diện tích đất nông nghiệp vào trồng cây vụ đông.
Đồng chí Lường Lãng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: “Đảng ủy xã vừa phát động phong trào mỗi gia đình cán bộ, đảng viên tự mua một cờ Tổ quốc hoặc cờ Đảng để treo trong các ngày lễ lớn, tết cổ truyền”. Đảng ủy xã xác định, đây sẽ là việc làm tích cực để quần chúng noi theo, tạo nét văn hóa đẹp và cùng nhau xây dựng gia đình, bản làng văn hóa. Xã cũng đề ra quy định về vệ sinh nhà ở, đường làng ngõ xóm sạch, đẹp và treo cờ. Các đoàn kiểm tra của thôn bản, của xã sẽ trực tiếp đi kiểm tra và đánh giá vào chất lượng đảng viên hàng năm đồng thời là căn cứ bình xét thi đua của các thôn, bản.
Chúng tôi cùng Bí thư Đảng ủy xã đến thôn Bản Vệ. Con đường bê tông chạy từ UBND xã đến thôn là con đường dài nhất, đẹp nhất của Nghĩa Lộ. Đồng chí Lường Lãng tự hào nói, theo chủ trương của thị xã, tới năm 2012, toàn bộ đường giao thông nông thôn trên địa bàn sẽ được bê tông hóa nhưng đến nay, Nghĩa An đã cứng hóa 100% tuyến đường. Đặc biệt hơn, khi chưa xã nào của tỉnh Yên Bái có đường cho xe cơ giới đến tất cả các thửa ruộng thì Nghĩa An đã làm được việc này từ hai năm trước.
Bản Vệ - một thôn thuần nông với 70 hộ đều là người Thái. Phó bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Vệ - Đồng Văn Đức cho biết: “Khi chưa làm đường, việc đi lại của nhân dân rất cực. Mỗi khi lên xã, tôi đều phải đi vòng qua một phường khác cho đỡ bụi bẩn. Con đường này đã làm thay đổi bộ mặt của thôn, muốn ra xã hay ra chợ thị xã dễ lắm, gần lắm!”. Là niềm tự hào của thôn nên cứ cuối tuần, Chi đoàn thanh niên tổ chức vệ sinh đường một lần, Chi hội Phụ nữ vào cuối tháng và ngày lễ, tết huy động tất cả đoàn thể, nhân dân tham gia. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường đã đến với từng hộ dân.
Gia đình bà Vì Thị Ngơi đã quyết định vay 5 triệu đồng từ chương trình vệ sinh môi trường của thị xã để xây dựng chuồng trại và công trình vệ sinh. Bà cho biết: “Trước đây, gia đình thả gia súc, gia cầm dưới gầm sàn đã ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người. Nay được tuyên truyền, dù còn khó khăn nhưng tôi vẫn sẵn sàng vay vốn cùng số tiền sẵn có để làm chuồng trại, công trình vệ sinh”. Hiện nay, Bản Vệ có trên 70% gia đình có chuồng trại kiên cố xa nhà, có công trình vệ sinh hợp lý và các nhà đều có hố rác. Điều này góp phần giúp bản nhiều năm qua không có dịch bệnh xảy ra, các bệnh như: tiêu chảy, đau mắt hột, suy dinh dưỡng... ở trẻ em giảm hẳn.
Đồng chí Đồng Văn Đức đánh giá, vai trò của các đảng viên hết sức quan trọng. Ở thôn, người dân tin tưởng hoàn toàn vào đảng viên. Vì vậy, mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, gia đình các đảng viên phải thực hiện tốt nhất, nhất là với phong trào phát triển kinh tế thì đảng viên luôn tiên phong. Tất cả 100% gia đình đảng viên đều có kinh tế khá, các con được chăm lo việc học tập và không mắc tệ nạn xã hội. Đặc biệt, từ năm 2006 đạt danh hiệu làng văn hóa cấp thị thì đến nay, Bản Vệ luôn giữ vững danh hiệu.
Rời xã Nghĩa An, chúng tôi đến Nghĩa Lợi. Những năm trước, xã này “có tiếng” bởi gần chợ Mường Lò nhất, nhiều diện tích giáp với quốc lộ nhất nhưng lại có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất thị xã là 87%. Đồng chí Lò Văn Ành - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết, cùng với những chương trình đầu tư của tỉnh và thị xã, Nghĩa Lợi đã nâng cao vai trò lãnh đạo của các chi bộ và mọi đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện những chương trình phát triển kinh tế.
Bản Xà Rèn của xã Nghĩa Lợi có 12 ha đất sản xuất nông nghiệp và 1,1 ha bãi màu. Chi bộ đã vận động nhân dân gieo cấy hết diện tích hai vụ trong năm, trồng các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao và gieo trồng cây vụ đông, cải tạo vườn tạp... Nay số hộ khá tăng lên 60/82 hộ, còn 22 hộ nghèo và không có hộ đảng viên nghèo. Xà Rèn có bình quân 1 con trâu/hộ, 3 - 4 đầu lợn/hộ với 100% hộ có chuồng trại nuôi nhốt, tiêm phòng đầy đủ, không để dịch bệnh xảy ra.
Nhờ kết quả phát triển kinh tế, bản vận động các cháu ra lớp đúng độ tuổi đạt 100%, học sinh thi hết cấp đạt 100%, không có trường học học sinh bỏ học; công tác y tế, kế hoạch hóa gia đình thực hiện tốt và không có người sinh con thứ ba trở lên. Cũng theo đồng chí Lò Văn Ành, cách làm của Chi bộ bản Xà Rèn sẽ được Đảng bộ xã nhân rộng.
Đi qua cánh đồng ngô bạt ngàn, ít ai biết rằng, những năm trước, vận động trồng cây vụ ba đối với người dân ở đây cực kỳ khó khăn. Nhưng hai năm trở lại đây, với chủ trương đưa vụ đông thành vụ chính, nâng cao thu nhập trên 1 ha canh tác, thị xã đã triển khai nhiều chương trình đưa cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng; hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, đặc biệt chỉ đạo các chi bộ thôn, bản đưa vào nghị quyết và các đảng viên gương mẫu đi đầu. Đến nay, vụ đông nào ở Nghĩa Lộ, diện tích đưa vào sản xuất cũng đạt trên 75%. Các chỉ tiêu làm đường giao thông nông thôn, trồng rừng, cải tạo vườn tạp... đã được xây dựng trong nghị quyết chi bộ thôn, bản và đến nay cũng sớm hoàn thành.
Chúng tôi tin rằng, xây dựng thành công đề án Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa - một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ cũng phải bắt đầu từ những nghị quyết, từ mỗi đảng viên của các chi bộ cơ sở.
Nguyễn Nhật Thanh
Các tin khác
YBĐT - Ngày 4/1/2010, Công an tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai công tác năm 2010.
YBĐT - Nậm Có là xã vùng sâu của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Hạ tỷ lệ tăng dân số đang là vấn đề nan giải đối với Đảng bộ, chính quyền nơi đây.
YBĐT - Hưởng ứng cuộc vận động “Học sinh, sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ” trong toàn ngành giáo dục, những năm gần đây, Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái) đã đẩy mạnh việc lồng ghép giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TT ATGT) trong các tiết học cũng như các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động tập thể, các giờ sinh hoạt cuối tuần… và chào cờ.
YBDDT - Năm 2009, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã triển khai các chương trình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS đến 31 xã, thị trấn và triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại tại 11 xã trọng điểm về HIV/AIDS.