Chìa khóa cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
- Cập nhật: Thứ năm, 7/1/2010 | 9:48:52 AM
YBĐT - Mới đây, kỳ họp thứ 16 - HĐND tỉnh Yên Bái khoá XVI đã thông qua Nghị quyết về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TT PBGDPL) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 – 2015. Đây là cơ sở quan trọng để Yên Bái nâng cao chất lượng công tác TT PBGDPL trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trên thực tế, hệ thống tổ chức, bộ máy các cơ quan thực hiện nhiệm vụ TT PBGDPL của tỉnh trong thời gian qua đã từng bước được củng cố, kiện toàn từ Hội đồng phối hợp TT PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện và Ban tuyên truyền PBGDPL cấp xã, các cơ quan tư pháp các cấp... Toàn tỉnh hiện có 2.259 tổ hoà giải cơ sở, 4 câu lạc bộ pháp luật điểm và 123 CLB trợ giúp pháp lý.
Đội ngũ cán bộ làm công tác TT PBGDPL được củng cố, phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng với 56 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 202 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.600 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, 10.782 hoà giải viên ở cơ sở, 108 cộng tác viên trợ giúp pháp lý... Hoạt động hoà giải ở cơ sở dần phát huy hiệu quả, tỷ lệ hoà giải thành hàng năm đạt trên 82%, góp phần ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Duy trì và phát huy 180 tủ sách pháp luật ở tất cả các xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, hoạt động TT PBGDPL ở một số đơn vị, địa phương chưa được thường xuyên; nội dung, hình thức tuyên truyền chậm đổi mới, cải tiến; tuyên truyền còn dàn trải, đối tượng cần tuyên truyền là nông dân, đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số chưa được chú trọng đẩy mạnh; số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác TT PBGDPL vẫn thiếu và yếu, nhất là ở vùng cao, phần lớn không được đào tạo chuyên ngành; cấp ủy chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa thực sự coi trọng công tác TT PBGDPL.
Thêm vào đó là kinh phí, phương tiện phục vụ hoạt động TT PBGDPL còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chung; chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với đội ngũ làm công tác này chưa huy động, khuyến khích được mọi người tham gia. Trong khi đó, tình trạng vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết vẫn còn xảy ra, nhất là đối với địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hơn thế, trong giai đoạn hiện nay hàng năm Nhà nước ban hành một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật đã đặt ra yêu cầu bức thiết cho công tác TT PBGDPL phải được thực hiện thường xuyên, sâu rộng với nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp, khai thác mọi phương tiện, cũng như huy động mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, quán triệt sâu sắc trong cán bộ, nhân dân đầy đủ, kịp thời chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trước thực trạng đó việc xây dựng Đề án Tăng cường TT PBGDPL giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn tỉnh trình HĐND Nghị quyết thông qua là rất cần thiết. Theo đó, mục tiêu chung của Đề án là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; đổi mới phương thức tổ chức thực hiện PBGDPL; tuyên truyền kịp thời, thường xuyên nội dung pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn...
Cùng với đó là việc củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước. Đồng thời huy động mọi nguồn lực tham gia vào công tác TT PBGDPL. Đề án đã xây dựng các giải pháp để tổ chức thực hiện. Từ việc đa dạng hoá nội dung, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức, biện pháp TT PBGDPL.
Đặc biệt chú trọng tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, biên dịch tài liệu tuyên truyền sang các tiếng dân tộc thiểu số; lựa chọn nội dung pháp luật liên quan trực tiếp tới từng nhóm đối tượng cụ thể để tuyên truyền bảo đảm thiết thực, thiết thân và hiệu quả với người dân; phát triển các loại hình tư vấn, trợ giúp pháp lý, cung cấp văn bản pháp luật, sử dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL; xây dựng các điểm sáng về chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư... kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác TT PBGDPL; tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý, tổ chức công tác tuyên truyền PBGDPL...
Với nguồn kinh phí chi hỗ trợ cho thực hiện Đề án là trên 15 tỷ đồng cùng với các giải pháp cụ thể, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân là điều kiện thuận lợi, là cơ sở để công tác TT PBGDPL trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - Đến hết năm 2009, tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn (2006 - 2010) của huyện Yên Bình (Yên Bái) mới đạt 50% kế hoạch. Thời gian còn lại của năm 2010, huyện Yên Bình khó có thể hoàn thành kế hoạch của Đề án là công nhận thêm 7 trường chuẩn quốc gia, nếu các trường trong Đề án vẫn không được quan đầu tư kịp thời về cơ sở vật chất.
Ngày 6-1, Ban Chỉ đạo Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm và Ban Chỉ đạo Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em đã tổ chức triển khai nhiệm vụ năm 2010.
Theo tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan này đã hoàn thành việc cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới cho 100% các nhóm: người có công với cách mạng, người nghỉ hưu, học sinh sinh viên.
Thông tin được ông Trần Ngọc Tăng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết tại Hội nghị triển khai công tác vận động hiến máu tình nguyện năm 2010, ngày 6/1 Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện sẽ vận động ít nhất 192.000 người tham gia hiến máu với số lượng 136.600 đơn vị máu phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 để góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu trong cấp cứu và điều trị vào dịp Tết.