Chăm lo “trồng người” vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- Cập nhật: Thứ năm, 14/1/2010 | 3:24:29 PM
YBĐT - Đến nay, hệ thống mạng lưới giáo dục của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã được phủ khắp 31/31 xã, thị trấn và đến tận thôn bản của các xã đặc biệt khó khăn. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Giờ chơi của học sinh Trường mầm non Sơn A, xã Sơn A, (Văn Chấn).
|
Ở một huyện có tỷ lệ học sinh dân tộc chiếm phần đáng kể như Văn Chấn (tất cả các cấp học: mầm non, tiểu học, trung học, tỷ lệ học sinh dân tộc hiện đều chiếm trên dưới 70%) thì việc quan tâm, chăm lo phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục huyện.
Đến nay, hệ thống mạng lưới giáo dục của huyện đã được phủ khắp 31/31 xã, thị trấn và đến tận thôn bản của các xã đặc biệt khó khăn. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Hầu hết các phòng học được đầu tư bàn, ghế, bảng đúng quy cách, không có phòng học 3 ca. Tất cả các lớp đều được trang bị đồ dùng dạy học phục vụ cho đổi mới phương pháp giảng dạy. Các đơn vị vùng cao, vùng dân tộc đã được xây dựng nhà bán trú cho học sinh như Sùng Đô, An Lương, Suối Giàng, Suối Quyền, Nậm Lành, Nậm Mười...
Đồng thời, để tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm công tác, các xã này cũng được đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Toàn huyện đã có 13 trường tiểu học và trung học cơ sở có mô hình học sinh, bán trú tạo điều kiện cho gần 870 học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở theo học. Mặt khác, ngành giáo dục huyện còn tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với học sinh diện hộ nghèo, hộ gia đình chính sách theo quy định hiện hành. Việc hỗ trợ các cháu học sinh mẫu giáo, học sinh bán trú là con hộ nghèo theo qui định của huyện cũng được thực hiện đầy đủ.
Chất lượng công tác giáo dục cho người dân tộc thiểu số ở Văn Chấn thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, như việc tổ chức dạy tiếng Mông, Dao... và dạy phát âm chuẩn tiếng Việt cho học sinh tiểu học các dân tộc Thái, Mông, Dao, giúp học sinh được học chữ phổ thông song song với tiếng dân tộc ở vùng cao vừa đảm bảo mục tiêu đào tạo, chất lượng dạy học, vừa góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Công tác chỉ đạo rà soát, đánh giá chất lượng học sinh ngay từ đầu năm học và việc tổ chức nghiệm thu, bàn giao chất lượng học sinh nghiêm túc hàng năm có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hàng năm, học sinh vùng cao, học sinh người dân tộc thiểu số được hỗ trợ từ nguồn trợ cước, trợ giá để mua vở viết, vở bài tập và được cấp không hàng chục ngàn bản sách giáo khoa, sách bài tập cho trên 20.000 học sinh vùng cao trên toàn huyện với tổng trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Huyện cũng đã trích từ nguồn ngân sách hàng trăm triệu đồng làm nhà bán trú cho học sinh. Phòng Giáo dục - Đào tạo phát động quyên góp hàng ngàn bộ quần áo, sách, vở, bút, mực giúp đỡ các em học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc. Từ sự quan tâm này, ngành giáo dục và đào huyện tạo đã huy động tối đã trẻ em là người dân tộc thiểu số ra lớp ở tất cả các ngành học, cấp học.
Ưu tiên giáo dục vùng đồng bào dân tộc, giáo dục vùng khó khăn còn được thể hiện bằng việc quan tâm tới đội ngũ cán bộ giáo viên là người dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn ngành có trên hai ngàn cán bộ giáo viên (kể cả hợp đồng) trong đó số cán bộ giáo viên người dân tộc chiếm 28%; tỷ lệ đảng viên là người dân tộc cũng chiếm tới 27,5%.
Thực hiện công bằng trong giáo dục, ngành đã tích cực tham mưu cho huyện thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, giáo viên cho vùng cao: những cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực được luân chuyển đến làm quản lý và giảng dạy tại các trường vùng khó khăn để rút ngắn sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trong toàn huyện. Đặc biệt, từ năm học 2007 - 2008 đến nay, ngành đã tham mưu cho huyện tiến hành khảo sát đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên, góp phần tích cực nâng cao chất lượng dạy và học; nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Huyền My
Các tin khác
YBĐT - Chợ Mường Lò là trung tâm thương mại không chỉ của thị xã Nghĩa Lộ mà còn là trung tâm giao lưu thương mại – văn hóa, đầu mối buôn bán hàng hóa của cả khu vực bốn huyện, thị phía Tây tỉnh Yên Bái.
48 nghiên cứu sinh và cán bộ quản lý xuất sắc của Việt Nam đã được lựa chọn nhận Học bổng Endeavour niên khoá 2010 của Chính phủ Australia để học tập, nghiên cứu và nâng cao trình độ chuyên môn tại Australia. Tổng trị giá các suất học bổng lên tới 6.7 triệu đô la Australia (tương đương với 114 tỷ đồng).
YBĐT - An ninh trật tự được giữ vững chính là điều kiện để đồng bào sống trên địa bàn yên tâm lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, quần chúng nhân dân hưởng ứng tích cực các phong trào do cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể tổ chức phát động.
YBĐT - Năm 2009, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy huyện Trạm Tấu (Yên Bái) và Đảng ủy, chính quyền các xã trong huyện đã tổ chức tổng kiểm tra rà soát số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách Dân số/Kế hoạch hóa gia đình (sinh con thứ 3 trở lên) từ năm 2003 đến 31 tháng 10 năm 2009.