Xóa đói, giảm nghèo năm 2009: Hơn 1 triệu hộ nghèo được vay vốn
- Cập nhật: Thứ ba, 2/2/2010 | 1:59:12 PM
Chương trình giảm nghèo được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hiệu quả, từ đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề đến hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt...
Nông dân làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng NN&PTNT, Chi nhánh Hoài Đức để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
|
Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 12,1% (năm 2008) xuống còn 11% (năm 2009), hoàn thành kế hoạch trước một năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra.
(HNM) - Chương trình giảm nghèo được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hiệu quả, từ đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề đến hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt... Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 12,1% (năm 2008) xuống còn 11% (năm 2009), hoàn thành kế hoạch trước một năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH về tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, định hướng chuẩn nghèo mới và kết quả một năm thực hiện Nghị quyết 30A/2008/NĐ-CP thì trong năm 2009, hàng loạt chính sách, mô hình giảm nghèo được duy trì và mở rộng. Công tác hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ người nghèo được đẩy mạnh. Hơn 1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với mức bình quân từ 7-8 triệu đồng/lượt/hộ; hơn 700 công trình phục vụ cho công tác giảm nghèo được xây dựng; 700.000 lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số được hướng dẫn cách làm ăn, phát triển kinh tế; 53.703 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở; 12,5 triệu người nghèo được cấp thẻ BHYT; 2,5 triệu học sinh nghèo được miễn giảm học phí, 700.000 học sinh nghèo được hỗ trợ vở viết, sách giáo khoa...
Phong trào xóa đói giảm nghèo đã phát triển sâu rộng, ngày càng được xã hội hóa, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Bộ mặt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn có sự thay đổi đáng kể, nhất là về hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển sản xuất hàng hóa.
Chất lượng cuộc sống của người dân ở các xã nghèo được nâng cao, nhất là nhóm hộ nghèo, đồng bào dân tộc miền núi và phụ nữ. 62 huyện nghèo của cả nước đã có chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Có 41 doanh nghiệp nhận giúp đỡ 62 huyện nghèo, trong đó chủ yếu tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; xây dựng trường học, nhà bán trú dân nuôi; trao tặng học bổng cho học sinh, sinh viên; đào tạo, đầu tư cơ sở y tế... Tỷ lệ hộ nghèo của 62 huyện nghèo đã giảm từ 47% (năm 2008) xuống còn 43% (năm 2009).
Bên cạnh những kết quả đạt được, năm qua chương trình xóa đói giảm nghèo có những hạn chế, bất cập như một bộ phận không nhỏ người nghèo, xã nghèo vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Một số địa phương đã khống chế tỷ lệ đói nghèo thấp hơn so với thực tế dẫn đến một bộ phận người nghèo chưa được tiếp cận các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, thành tựu xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, tính dễ bị tổn thương rất lớn, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn còn cao. Nguồn lực huy động cho chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Đội ngũ xóa đói, giảm nghèo thiếu và yếu về năng lực...
Để hạn chế tình trạng này, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra giải pháp trong năm 2010 sẽ tiến hành đồng bộ, có hiệu quả tất cả các chính sách giảm nghèo hiện hành để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2006-2010; nâng cao nhận thức, quyết tâm vượt nghèo, vươn lên làm giàu của người dân; đa dạng hóa các nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp và vận động quốc tế.
Sau đó là xây dựng và ban hành chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011-2015; tổ chức rà soát, xác định đối tượng hộ nghèo theo chuẩn mới để thực hiện các chính sách giảm nghèo vào đầu năm 2011; gắn các mục tiêu giảm nghèo với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, với các chính sách an sinh xã hội và chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; củng cố, kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành chương trình giảm nghèo ở các cấp; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, khắc phục tình trạng chồng chéo, bao cấp, làm thay như thời gian qua; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát để hạn chế tối đa những sai phạm và lệch lạc trong tổ chức thực hiện...
Xóa đói, giảm nghèo là công việc gian nan, vất vả, rất cần có sự chung tay, chung sức của toàn xã hội. Ngành LĐ-TB&XH cần tập trung xây dựng chuẩn nghèo mới, bám sát thực tế hơn nữa cũng như tiếp tục duy trì bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 9,5% năm 2010.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Ngày 1/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu có chỉ thị về phục vụ y tế trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010.
YBĐT - Ngày 2/2, Hội Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Yên Bái tổ chức lễ ra mắt Trung tâm tư vấn, dịch vụ sức khoẻ sinh sản.
Thủ tướng vừa ký phê duyệt dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010 - 2020” với mục tiêu cụ thể là gắn phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn chiến lược.
YBĐT - Trong năm 2009, toàn tỉnh Yên Bái có thêm 19 xã đủ điều kiện cộng nhận chuẩn, nâng số xã duy trì thực hiện Chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2007- 2009 là 110 xã. Đến nay, số xã đạt chuẩn về y tế trong toàn tỉnh là 129/180 xã, phường, đạt 71,66% kế hoạch.