“Bệnh viện” vùng cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/2/2010 | 10:27:28 AM

YBĐT - Không nói ra thì nhiều người cũng có thể hiểu phần nào về vai trò quan trọng của những “trung tâm y tế” đặt tại các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong việc chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc.

Bởi lẽ, ngoài việc khắc phục khó khăn về giao thông, phương tiện đi lại thì còn tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho đồng bào  khi họ có nhu cầu khám chữa bệnh (KCB). Trạm Y tế xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu là một trong những cơ sở KCB như thế.

Chúng tôi đến với Phình Hồ vào một buổi chiều trời mưa tầm tã, con đường lên xã đang được san gạt trở nên lầy lội, khó đi vô cùng. Gần 2 giờ đồng hồ đánh vật với con đường trơn trượt, chúng tôi mới đặt chân đến được trung tâm xã. Trạm Y tế Phình Hồ nằm ngay trong khuôn viên của UBND xã với cơ sở hạ tầng tương đối khiêm tốn, được xây dựng từ kinh phí của Chương trình 135.

Hai phòng khám, chữa bệnh tuy phải kiêm luôn vai trò là nhà ở của cán bộ, nhân viên y tế nhưng vẫn gọn gàng, sạch sẽ. Biên chế của Trạm hiện có 4 người, trong đó có 1 nữ hộ sinh trung học, 2 điều dưỡng viên và 1 y sỹ.

Công việc thường nhật của họ KCB trực tiếp cho người dân, tổ chức các đợt xuống tận thôn, bản để thực hiện tuyên truyền, phát tài liệu, tờ rơi về các vấn đề: đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ; tổ chức các chiến dịch phòng bệnh từng mùa, phòng bệnh cho từng lứa tuổi.

Hàng tháng, kết hợp với việc tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm chủng, cán bộ Trạm Y tế xã đều tiến hành khám ngoại trạm cho bà con ở những thôn, bản xa, đường đi lại khó khăn.

Trung bình mỗi tháng, Trạm Y tế xã Phình Hồ KCB cho trên 100 lượt người, chủ yếu là các bệnh về sản khoa, viêm phần phụ, viêm phế quản, cảm cúm, suy nhược cơ thể và làm các loại tiểu phẫu. Những bệnh tưởng chừng như đơn giản với những vùng thấp, gần bệnh viện ấy lại trở nên rất nguy hiểm đối với đồng bào vùng cao vốn còn hạn chế về hiểu biết xã hội, đời sống  khó khăn.

Đơn giản như chỉ là một ca băng huyết thông thường của sản phụ, nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng phương pháp sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và và trẻ. Hay như một ca viêm phổi của trẻ em, nếu không có thuốc chữa sẽ rất dễ phát triển thành bệnh mãn tính...

Với gần 50 danh mục thuốc chữa bệnh từ Dự án 139 của Chính phủ (Dự án hỗ trợ KCB cho người nghèo), một người dân ở Phình Hồ mỗi năm được cấp trung bình 10 nghìn đồng tiền thuốc, được khám bệnh miễn phí, được phòng dịch và được nhận những tài liệu tuyên truyền rất bổ ích về các loại bệnh dịch, các phương pháp phòng chống bệnh tật cũng như giữ gìn sức khoẻ.

Chị Nguyễn Hồng Hạnh – nữ hộ sinh của Trạm cho biết: "Chúng tôi thường xuyên đảm bảo trực ca 24/24 giờ để kịp thời KCB cho bà con. Ngoài những trường hợp trong khả năng cho phép về trình độ và điều kiện kỹ thuật, đối với những trường hợp bệnh nặng phải chuyển lên bệnh viện huyện, chúng tôi luôn có cán bộ y tế đi theo, phòng biến cố dọc đường và để bà con yên tâm và tin tưởng hơn".

Mức thu nhập của một cán bộ y tế cấp xã còn rất khiêm tốn, cộng với việc đi lại ở vùng cao nhiều khó khăn nhưng họ - những người “chiến sỹ áo trắng” vẫn tận tâm cùng người dân chống lại bệnh tật, gắn bó hết mình với vùng cao.

Đưa tiến bộ của y học vào cuộc sống giúp đồng bào nâng cao nhận thức dần dần loại bỏ những hủ tục lạc hậu như cúng ma, trừ tà, xây dựng cuộc sống ngày một văn minh, tiến bộ.

P.V

Các tin khác

YBĐT - Con đường đất đỏ, dốc cao dẫn chúng tôi đến với bản người Dao Động Ính, xã Tân Lĩnh (huyện Lục Yên). Động Ính có 23 hộ với 112 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Dao đỏ.

YBĐT - 100 triệu đồng ăn tết Đồng chí Hà Hữu Tứ - Giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Chi nhánh Yên Bái (phải) trao quà cho lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh & Xã hội.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa đôi vợ chồng trẻ Hoài Thu - Vĩnh Nam.

YBĐT - Hạnh phúc của người phụ nữ là được làm vợ, làm mẹ, đó cũng là lẽ dĩ nhiên, thường tình. Còn gì hạnh phúc bằng người mẹ khi nhìn thấy đứa con mình dứt ruột đẻ ra được khoẻ mạnh và lớn khôn trong vòng tay yêu thương của họ hàng anh em nội, ngoại.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái siêu âm tìm nguyên nhân bệnh lý.

YBĐT - Khi nghe tôi nhắc tới chuyện nghỉ tết, bác sĩ Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái như có chỗ để chia sẻ, anh cười: “Ở Bệnh viện này, tết cũng như ngày thường ấy mà!”. Chỉ một câu ngắn gọn, mộc mạc thế cũng đủ nói lên sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ, y bác sĩ vì sức khỏe và cái tết an vui của người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục