Mù Cang Chải: Quan tâm mục tiêu dân có việc làm

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/2/2010 | 9:54:36 AM

YBĐT - Huyện Mù Cang Chải là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, cộng với thiên nhiên khắc nghiệt (mùa mưa lũ kéo dài tới 5 tháng trong một năm và mùa đông nhiệt độ rất thấp). Do đó, đời sống mọi mặt đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Doanh nghiệp tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Yên Bái, luôn chú trọng công tác giới thiệu ngành nghề cho người đến tìm kiếm việc làm. (Ảnh: Văn Thông)
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Yên Bái, luôn chú trọng công tác giới thiệu ngành nghề cho người đến tìm kiếm việc làm. (Ảnh: Văn Thông)

Huyện có 14 xã, thị trấn, trong đó 13 xã thuộc vùng 135 (đặc biệt khó khăn) với trên 48 ngàn nhân khẩu, 11 dân tộc chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 90%, chủ yếu là sống ở các sườn núi cao. Huyện Mù Cang Chải có tỷ lệ đói nghèo còn rất cao (tới gần 55%), vì vậy, công tác lao động việc làm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của địa phương.

Thực trạng

Hiện nay, toàn huyện có trên 22 ngàn người trong độ tuổi lao động, trong đó lao động tham gia vào các hoạt động nông – lâm nghiệp chiếm 95%; công nghiệp chiếm 3% và thương mại dịch vụ 2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 9,3% (trong đó đào tạo nghề mới có 2,7%) và số lao động chưa qua đào tạo còn rất lớn, chiếm tới 91%. Do đó, vấn đề tạo việc làm cho người lao động, nhất là lao động chưa qua đào tạo rất khó khăn.

Một khó khăn nữa đối với huyện là địa bàn rộng, dân cư sống phân tán, giao thông đi lại khó khăn, lao động chủ yếu là thủ công và trình độ cũng như nhận thức còn hạn chế. Trên 64% số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 50%), gồm các xã: Nậm Có, Cao Phạ, Nậm Khắt, Púng Luông, La Tán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Mồ Dề, Chế Tạo.

Nguyên nhân là do trong quá trình tiếp cận các hoạt động giảm nghèo chưa rõ ràng, đặc biệt là việc tự tạo việc làm trong mỗi cá nhân, trong đó có công tác xuất khẩu lao động. Cùng với đó, người dân chưa chủ động đến với các chương trình, hoạt động phát triển kinh tế. Số lao động có việc làm mang tính chất thời vụ còn nhiều, trình độ chuyên môn, ý thức kỷ luật của người lao động chưa được cao.

Bên cạnh đó, trình độ văn hóa của người lao động chủ yếu ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, thậm chí nhiều người không biết chữ; điều kiện tiếp cận với sự phát triển của xã hội còn hạn chế; kinh tế chủ yếu là phát triển nông nghiệp và còn nặng về tập quán canh tác lạc hậu; chưa mạnh dạn phát triển, tiếp cận với các hình thức tạo việc làm, tăng thêm thu nhập; lao động thủ công là chủ yếu chưa có tay nghề...

Mặc dù có nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của Nhà nước như cho vay vốn tạo việc làm từ chương trình hỗ trợ cho người nghèo, quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đã tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Huyện cũng đã sớm triển khai các chế độ, chính sách đến với nhân dân, đến các tổ chức hoạt động kinh tế, trong đó chú trọng đến việc triển khai thực hiện Quyết định 30 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế; Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; Quyết định 71 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức kinh tế trên địa bàn đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, mỗi năm tạo việc làm cho trên 700 lao động. Công tác xuất khẩu lao động được xác định là một trong những mục tiêu, giải pháp quan trọng nhằm giảm nghèo bền vững.

Do trình độ dân trí còn hạn chế nên huyện đã tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm làm chuyển biến nhận thức của nhân dân về công tác xuất khẩu lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận với các đơn vị xuất khẩu lao động. Vì vậy, từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 114 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Giải pháp

Để công tác lao động, việc làm và xuất khẩu lao động trên địa bàn những năm tới đạt kết quả cao hơn, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo ở địa phương, trước hết, huyện sẽ khẩn trương xây dựng kế hoạch, quy trình thực hiện, triển khai các cơ chế, chính sách đến với nhân dân và áp dụng các chính sách đó phù hợp bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ tới từng hộ dân; huy động lồng ghép các chương trình, đảm bảo Nhà nước có công trình nhân dân có việc làm và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia.

Đồng thời, quản lý tốt nguồn lực lao động, phân loại nguồn lực lao động để có định hướng phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù của địa phương. Huyện cũng sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo lên 15%, trong đó đào tạo nghề 4% (tức là trung bình mỗi năm đào tạo nghề cho trên 1.000 người) và ưu tiên đầu tư cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; cai nghiện tập trung cho 250 đến 300 đối tượng để họ trở lại hoà nhập cộng đồng và giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Đối với công tác xuất khẩu lao động, huyện đã giao nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động phối hợp với các xã, thị trấn mở hội nghị tư vấn trực tiếp đến người lao động và gia đình để tham gia xuất khẩu lao động...

Thanh Xuân

Các tin khác

YBĐT - Hồi 18 giờ 40 ngày 14/2/2010 (tức mồng 1 tết) khi mọi người đang vui vẻ đón xuân thì Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Hà Văn Trọng, 21 tuổi trú tại xã Tân Phong, thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu trong tình trạng mạch không bắt được, huyết áp không đo được, người bệnh bị sốc do mất máu nặng.

Ngày 23/2, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì kiểm tra việc triển khai thực hiện hỗ trợ gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần và giáp hạt năm 2010 tại các địa phương.

Nhân dịp này, Hội Đông ty đã trao tặng giấy khen cho 10 tập thể và 48 cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2009.

YBĐT - Đến nay, Hội Đông y tỉnh Yên Bái đã có tổ chức mạng lưới rộng khắp 9/9 huyện, thị với 957 hội viên.

Ngày 22-2, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, trong đợt cao điểm dịp Tết Canh Dần vừa qua các đoàn thanh tra của cục và các địa phương đã kiểm tra được 46.741 cơ sở kinh doanh thực phẩm, phát hiện 12.948 cơ sở vi phạm (chiếm 27,7%). Số vi phạm bị xử lý là 2.353 cơ sở (chiếm 5,03%), tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục