Giải quyết giáo viên dôi dư: Khó khăn đôi đường

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/4/2010 | 1:47:19 PM

YBĐT - Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2011, cơ bản giải quyết đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, từng bước nâng cao chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái đang tiếp tục rà soát, đánh giá, sắp xếp đội ngũ, giải quyết dôi dư theo cơ cấu, sức khỏe yếu, chuyên môn yếu, chưa đạt trình độ chuẩn...

Trường mầm non Thực hành tỉnh - đơn vị được đánh giá có chất lượng giáo dục cao, hàng năm đều không đáp ứng đủ nhu cầu theo học của trẻ mầm non trên địa bàn.
Trường mầm non Thực hành tỉnh - đơn vị được đánh giá có chất lượng giáo dục cao, hàng năm đều không đáp ứng đủ nhu cầu theo học của trẻ mầm non trên địa bàn.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2008/NQ-HĐND ngày 12/12/2008 của HĐND tỉnh Yên Bái về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học mầm non và phổ thông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 - 2011”, trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết, nhiều trường học gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết giáo viên dôi dư.

Ông Đào Anh Tuấn - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết: “Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 39, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 39 đến lãnh đạo các sở, ngành có liên quan của tỉnh; lãnh đạo UBND, phòng nội vụ, phòng giáo dục - đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; hiệu trưởng các trường THPT và một số trường mầm non, phổ thông. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết 39 và mở hội nghị triển khai tới các phòng, ban chức năng hữu quan và hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn các trường mầm non, phổ thông.

Các trường mầm non, phổ thông đã họp cấp ủy, triển khai, quán triệt nội dung Nghị quyết tới từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, tạo đồng thuận quyết tâm thực hiện tốt Đề án”. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu Nghị quyết, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản hướng dẫn rà soát mạng lưới, quy mô trường, lớp, học sinh/lớp; đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên; đôn đốc việc sắp xếp, sử dụng giáo viên… Đồng thời, Sở tham mưu cho UBND tỉnh kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị quyết tại các huyện, thị xã, thành phố; kịp thời nhắc nhở các đơn vị rà soát, sắp xếp lại quy mô trường, lớp cũng như đánh giá chất lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên dôi dư, chưa đạt chuẩn, sức khỏe yếu, chuyên môn yếu… để có phương án giải quyết cho nghỉ theo Nghị định 132 hoặc cho đi bồi dưỡng theo từng chương trình cụ thể.

Kết quả rà soát, sắp xếp mạng lưới, quy mô trường, lớp, học sinh thực hiện đến thời điểm tháng 1 năm 2010: toàn tỉnh có 554 trường mầm non, phổ thông, trong đó 543 trường công lập, 11 trường ngoài công lập. Tổng số có 6.254 nhóm, lớp mầm non, phổ thông, trong đó mầm non 173 trường, 1.392 nhóm lớp với 35.578 cháu nhà trẻ và mẫu giáo, tăng 2 nhóm lớp, 477 học sinh so với kế hoạch giao; tiểu học 170 trường, 2.805 lớp, 64.709 học sinh, giảm 5 lớp, tăng 46 học sinh so với kế hoạch; bậc trung học cơ sở 186 trường, 1.538 lớp, 47.981 học sinh, giảm 14 lớp, 707 học sinh so với kế hoạch; bậc THPT có 25 trường, 519 lớp, 20.021 học sinh, giảm 3 lớp, 550 học sinh so với kế hoạch giao. Kết quả rà soát đội ngũ, tổng biên chế hiện có của toàn ngành tính đến thời điểm tháng 1 năm 2010 là 11.975 cán bộ, viên chức (không tính các đơn vị cộng quản và trường ngoài công lập); tổng số hợp đồng 2.221 lao động, trong đó có 1.656 giáo viên, 565 nhân viên. 

Qua đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường, năm 2009, toàn ngành đã giải quyết 428 biên chế dôi dư, không đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ (ngành học mầm non 68 người, tiểu học 124 người, THCS 171 người, THPT 60 người và cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp 3 người, nhân viên văn phòng 2 người). Trước khi thực hiện Nghị quyết 39, toàn ngành đã giải quyết cho 314 giáo viên nghỉ theo Nghị định 132 của Chính phủ. Như vậy, tính đến tháng 1 năm 2010, toàn ngành đã giải quyết được 742 giáo viên, nhân viên dôi dư. Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 39 trong vấn đề này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Thầy Hà Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhật Duật (Yên Bình) cho biết: “Năm học 2008 - 2009, nhà trường có 29 lớp, 1.069 học sinh và 80 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm học 2009 - 2010, có 24 lớp với 996 học sinh, giảm 73 học sinh so với năm học trước. Tuy số học sinh giảm không nhiều nhưng khi thực hiện Nghị quyết số 39, nhà trường sắp xếp lại quy mô lớp học là 42 học sinh/lớp nên giảm 5 lớp, giáo viên dôi dư là 12 người. Theo kế hoạch tuyển sinh năm học 2010 - 2011, nhà trường được tuyển sinh tăng thêm 2 lớp so với năm học trước và như vậy, giáo viên dôi dư trong năm học tới là 10 người. Nhà trường đã lập danh sách 5 giáo viên, nhân viên dôi dư, trong đó có 1 giáo viên Tiếng Anh, 2 giáo viên Tin học (yếu, kém chuyên môn), 1 giáo viên Vật lý dôi dư về cơ cấu và 1 nhân viên bảo vệ gửi Sở Giáo dục và Đào tạo để có phương án giải quyết. Còn 4 giáo viên nữa đã đủ tuổi nghỉ theo Nghị định 132 nhưng lại chưa muốn nghỉ vì không thuộc diện yếu về chuyên môn hay sức khỏe. Do vậy, khi triển khai thực hiện Nghị quyết 39, chúng tôi chịu rất nhiều áp lực từ phía ngành, từ phía giáo viên vì họ nghĩ rằng, chúng tôi muốn đuổi giáo viên”.

Không chỉ riêng Trường THPT Trần Nhật Duật mà còn rất nhiều trường khác. Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT Miền Tây Yên Bái dôi dư 18 giáo viên, Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Trấn Yên) 14 giáo viên; Trường THPT Lê Quý Đôn (Trấn Yên) 11 giáo viên; Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ 6 giáo viên; Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên đều dôi dư 10 giáo viên... Đã có chuyện, khi nhà trường lập danh sách giáo viên dôi dư, một số giáo viên chuyên môn không yếu, tự nguyện xin nghỉ đã ký danh sách nhưng gia đình và người thân cho rằng, nghỉ sớm là mất danh dự nên nửa đêm, giáo viên đó lại gọi điện xin hiệu trưởng rút tên khỏi danh sách dôi dư. Còn có trường hợp, hiệu trưởng đang trên đường mang danh sách ra nộp cho Sở Giáo dục, Sở Nội vụ thì giáo viên còn điện theo khóc lóc, xin rút tên khỏi danh sách dôi dư... khiến hiệu trưởng rất khó xử.

Nói về khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết giáo viên dôi dư, ông Đào Anh Tuấn cho biết thêm: “Thực tế, nếu trường nào làm tốt việc đánh giá, xếp loại giáo viên thì giải quyết giáo viên dôi dư tốt hơn. Ngược lại, trường nào chưa kiên quyết, còn nể nang khi đánh giá, xếp loại giáo viên sẽ dẫn đến giải quyết rất khó”. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 ở khối trường học do các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị xã cũng gặp nhiều khó khăn do trước đây, nhiều giáo viên đào tạo “chắp vá”. Do vậy, đánh giá, xếp loại giáo viên phải thực hiện nghiêm túc thì mới có phương án tinh giảm biên chế.

Hiện nay, giáo viên thừa, thiếu về cơ cấu trên địa bàn tỉnh vẫn chưa giải quyết được song lại thiếu giáo viên theo định mức. Thành phố Yên Bái thừa 8 giáo viên tiểu học, 52 giáo viên THCS, thiếu 84 giáo viên mầm non; các huyện, thị xã khác đang thiếu giáo viên mầm non, tiểu học và THCS như: huyện Văn Chấn 757 giáo viên, Trấn Yên 233 giáo viên, Văn Yên 249 giáo viên, Yên Bình 295 giáo viên, Lục Yên 509 giáo viên, Trạm Tấu 190, Mù Cang Chải 137 và thị xã Nghĩa Lộ 76 giáo viên.

Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 39 của HĐND tỉnh, phấn đấu đến năm 2011, cơ bản giải quyết đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, từng bước nâng cao chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái đang tiếp tục rà soát, đánh giá, sắp xếp đội ngũ, giải quyết dôi dư theo cơ cấu, sức khỏe yếu, chuyên môn yếu, chưa đạt trình độ chuẩn...

Giải quyết mất cân đối về cơ cấu, vùng miền, trong những năm học tới, các ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường biên chế cho các huyện vùng cao, tránh tình trạng vùng thấp thừa biên chế trong khi vùng cao thiếu. Mặt khác, ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái cần có phương án khảo sát giáo viên đang dạy tất cả các môn trong năm học tới (thực tế đã tiến hành ở một số môn như Tiếng Anh, Tin học) để có cơ sở cùng các trường đánh giá, xếp loại giáo viên chính xác thì mới có phương án giải quyết giáo viên dôi dư do trình độ chuyên môn yếu, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 39 là nâng cao chất lượng đội ngũ. 

Minh Hằng   

Các tin khác

Chiều ngày 14/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức công bố kết quả rà soát thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi, chức năng, quản lý nhà nước của Bộ này.

Cán bộ Trạm Y tế phường Yên Ninh thăm khám sức khoẻ cho bệnh nhân.

YBĐT - Thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, phòng chống và phát hiện sớm các loại dịch bệnh trên địa bàn, những năm qua, Trạm Y tế phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) luôn nỗ lực thực hiện hiệu quả các chương trình y tế, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) cho người dân.

YBĐT - Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT năm học 2009-2010, Yên Bái tham gia ở các môn thi: Văn, Sử, Địa, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và Tiếng Anh. Kết quả giành 29 giải gồm: 15 giải ba và 14 giải khuyến khích.

Mùa mưa năm 2009, toàn tỉnh xảy ra 3 đợt mưa lớn và 2 đợt lốc tố ước thiệt hại về kinh tế khoảng 30 tỷ đồng. (Ảnh: Thanh Chi)

YBĐT - Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão  và tìm kiếm cứu nạn với các ngành, địa phương tại Hội nghị tổng kết công tác PCLB – TKCN năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010 được tổ chức ngày 14/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục