Cuộc đời là những chuyến đi

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/4/2010 | 2:18:08 PM

YBĐT - 5h ngày 27/2/2010, hồi chuông điện thoại rung lên. Đầu dây đằng kia giọng nói nghẹn ngào của người phụ nữ gọi cho tôi: “Chú Bộ à, anh Thu nhà tôi mất rồi. Anh đi lúc 2h sáng. Ngày mai tổ chức an táng anh, chú cố về viếng anh nhé!”. Tôi lặng người đi vì quá bất ngờ phải chia tay một người anh đã bao năm gắn bó với ngành giao thông vận tải (GTVT), với sự nghiệp thanh tra giao thông Yên Bái.

Anh Vũ Xuân Thu (trái) những năm tháng làm việc tại thanh tra Sở giao thông vận tải.
Anh Vũ Xuân Thu (trái) những năm tháng làm việc tại thanh tra Sở giao thông vận tải.

Anh Vũ Xuân Thu sinh năm 1943. Do hạn chế về sức khỏe, anh không thể tham gia quân đội, song năm 1960 anh gia nhập đội ngũ thanh niên xung phong lúc tròn 17 tuổi. Tổng đội Thanh niên xung phong của anh lúc bấy giờ làm nhiệm vụ khai hoang lấn biển thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Những vùng đất đắp đê thuở ấy nay trở thành Nông trường Rạng Đông sầm uất của tỉnh.

Năm 1968, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tổng đội Thanh niên xung phong của anh lên đường vào tuyến lửa Vĩnh Linh để mở đường phục vụ xe ra tiền tuyến. Những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ không làm nao núng tinh thần người con vùng biển Nam Định. Bao đêm thức trắng bám đường “xe chưa qua, nhà chưa yên” và Thu... chưa ngủ. Xét thành tích cống hiến, đơn vị đã cử anh đi học lớp trung cấp giao thông vận tải. Từ năm 1974 đến năm 1976 anh miệt mài chăm chỉ học tập như người thanh niên xung phong cần mẫn bám đường. Năm 1976 anh ra trường và được điều về Ty Giao thông Nghĩa Lộ. Sau bao năm vật lộn ở tuyến lửa, về trường học nghiệp vụ, cùng thời gian anh lấy vợ, sinh cháu đầu lòng. Ra trường lại ba lô lên vùng Tây Bắc công tác. Ở Ty Giao thông Nghĩa Lộ được thời gian ngắn khi tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập, anh trở về Văn phòng Sở Giao thông vận tải tại phường Yên Ninh, thị xã Yên Bái cũ.

Với nghề vận tải đã học, hàng ngày anh kiểm tra biểu đồ vận tải, tổng hợp các nguồn hàng và số lượt hành khách để hàng tuần giao ban vận tải. Năm 1984 khi 2 tuyến đường Hoàng Liên Sơn 1, 2 đang vào giai đoạn nước rút, những chuyến ra chở gạo dưới xuôi tiếp tế cho công trường vô cùng quan trọng quyết định đến tiến độ thông xe của con đường. Chắt chiu từng chuyến xe, anh vẫn tham mưu điều hành đúng biểu đồ kế hoạch góp phần cùng ngành GTVT thông tuyến trước tiến độ kế hoạch 7 ngày.

Ngoài nghề chuyên môn anh còn rất khéo tay, cắt chữ rất đẹp và thích làm thơ. Mọi khẩu hiệu, tiêu đề hội nghị của cơ quan anh đều làm hết không ngần ngại. Do vậy, anh luôn được mọi người quí trọng và tin yêu, anh trở thành Chủ tịch công đoàn Văn phòng Sở từ năm 1985-1990. Năm 1990 Pháp lệnh Thanh tra ra đời, anh lại được điều về Thanh tra Sở. Lúc đó, Thanh tra Sở chỉ có 3 người, mọi sự khởi đầu nan còn rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ từ trang phục, công cụ làm việc đến chế độ đãi ngộ, anh vẫn hồn nhiên động viên anh em: “Khó thì khó thật nhưng không khó bằng giữ đường nơi tuyến lửa. “Sông có khúc, người có lúc”, công việc cơ quan cũng thế thôi, không thể biết thế nào mà chọn được. Vấn đề tổ chức phân công ta phải cố gắng”. Chính anh là động lực động viên thế hệ chúng tôi vững bước trong nghề nghiệp. Anh thường nói, kiến thức thì trường dạy, còn định hình nghề nghiệp trưởng thành trong quá trình công tác.

Nghề thanh tra là đòi hỏi lượng kiến thức tổng hợp kết hợp với nắm bắt văn bản pháp luật phải rành rẽ, nắm bắt tâm lý thực tế của từng đối tượng để có phương án xử lý, nếu không sẽ gặp sự chống đối quyết liệt mà không thành công. Anh đã cùng chúng tôi đi qua từng chặng đường, từng lĩnh vực chuyên môn kiểm tra về vận tải đường bộ, đường thủy. Cách giải thích của anh có lý có tình khiến người bị xử phạt cũng cảm thấy thoải mái. Với sự cố gắng không mệt mỏi, năm 1994 anh được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 2003, anh hoàn thành nhiệm vụ và được nghỉ chế độ với nguyện vọng về quê hương để sinh sống với bố mẹ và anh em tại Nghĩa Hưng - Nam Định.

Buổi chia tay đồng nghiệp thật cảm động. Khi rời quê hương ra đi một ba lô màu cỏ úa, nay trở về vẫn một ba lô của thời thanh niên xung phong năm xưa. Về quê, đến năm 2009, anh phát bệnh phổi, phải thở ô xi vậy mà 27 Tết vẫn bắt vợ bỏ ống thở để gọi điện cho Thanh tra Sở chúc mừng năm mới. Tình nghĩa keo sơn, trong tim anh luôn có khoảng trời Tây Bắc. Lúc sắp ra đi anh còn kịp nhét vào tay vợ một mẩu giấy nhỏ ghi số điện thoại của tôi, người đồng đội của anh, rồi đi vào cõi vĩnh hằng ở tuổi 68. Đắp nắm đất cuối cùng lên mộ anh mà chúng tôi không thể nào quên được vần thơ anh viết tặng nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc:

Đầu năm Canh Dần chúc phòng ta
Mừng xuân tỏa sắc đẹp muôn hoa
Tâm đức tài năng cùng trí tuệ
An khang thịnh vượng phúc lộc đa.
Với anh, cuộc đời mãi mãi là những chuyến đi.

Mai Văn Bộ

Các tin khác

YBĐT - Qui Mông – một trong những xã vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện Trấn Yên (Yên Bái), là nơi chung sống của 4 dân tộc anh em: Kinh, Tày, Mường, Dao. Thực hiện chuẩn quốc gia y tế xã (CQGYTX) giai đoạn 2007 - 2009 đã tạo những bước chuyển quan trọng trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan quá trình thực hiện cũng bộc lộ những tồn tại cần khắc phục.

Đó là một trong nhiều nội dung của Chỉ thị 494/CT-TTg mà Thủ tướng vừa ban hành về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Thông tin từ Bộ Y tế ngày 20-4, liên bộ Y tế, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp đang xây dựng dự thảo nghị định về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính (trong đó có tiền lương và giá dịch vụ y tế) đối với các cơ sở y tế công lập.

Trung tâm dự báo KTTVTW cho biết, hiện bộ phận không khí lạnh vẫn đang di chuyển xuống phía nam, dự báo khoảng chiều và đêm 22/4, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh phía đông Bắc Bộ và bắc Trung Bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục