Thực hiện pháp luật về lao động: Cần chấn chỉnh bằng những biện pháp mạnh
- Cập nhật: Thứ năm, 28/10/2010 | 3:14:59 PM
YBĐT - Thời gian qua, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) đã tiến hành một số cuộc thanh tra về thực hiện Bộ Luật Lao động tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện những sai phạm, hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện pháp luật về lao động tại các đơn vị, DN.
Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra hiện trường vụ tai nạn lao động tại Công ty Liên doanh Canxi cabonat Yên Bái - BanPu.
|
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Lương - Chánh thanh tra Sở LĐ -TB&XH cho biết: "Thực hiện pháp luật về lao động là một nội dung quan trọng trong hoạt động của các đơn vị, DN, nhất là đối với việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như người sử dụng lao động. 9 tháng năm 2010, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và tiến hành thanh tra liên ngành tại 20 đơn vị về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về quản lý, sử dụng vật liệu nổ tại 30 DN; phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh thanh tra 15 đơn vị đóng trên địa bàn huyện Yên Bình, Văn Yên và thành phố Yên Bái. Qua thanh tra 67 đơn vị, DN, chúng tôi phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật về lao động, có trên 420 kiến nghị yêu cầu cần khắc phục, sửa chữa, quyết định cảnh cáo 4 đơn vị là: hộ kinh doanh cá thể Vinh Hoa, Công ty TNHH Hối Thành, Công ty TNHH Hùng Linh; xử phạt bằng tiền 18 triệu đồng đối với Công ty TNHH Đại Thành, Công ty cổ phần Đại Phát...”. Qua thanh tra, nhiều đơn vị vẫn tồn tại thiếu sót, hạn chế, sai phạm. Tuy nhiên cũng ghi nhận về ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật cũng như những nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị, DN.
Xây dựng và đăng ký thang bảng lương đúng theo qui định còn nhiều hạn chế
Điều 59, Bộ Luật Lao động quy định: khi DN chính thức đi vào hoạt động, người sử dụng lao động phải xây dựng và đăng ký thang, bảng lương, định mức lao động về cơ quan quản lý lao động địa phương nơi DN đang hoạt động. Thế nhưng khi kiểm tra tại nhiều DN thì câu nhận xét đầu tiên trong các biên bản kiểm tra là: “DN chưa thực hiện việc xây dựng, đăng ký thang, bảng lương, đề nghị DN phải tiến hành làm ngay để đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng cho cả DN và người lao động”. Cá biệt có nhiều DN dù đã được kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần nhưng xem ra ý kiến của các đoàn kiểm tra trước đó đều được đóng lại, cất gọn vào tủ. Qua thanh tra (tính đến hết tháng 9 năm 2010), mới chỉ có 3/14 DN đã xây dựng thang bảng lương, định mức lao động và đăng ký với Sở LĐ -TB&XH là: Công ty TNHH Đại Lợi, Công ty TNHH Nam Thanh, Công ty TNHH Đại Vượng. Việc không xây dựng hệ thống thang bảng lương hoặc đã xây dựng nhưng không áp dụng dẫn đến khi tính toán và thực hiện các chế độ về BHXH, tiền lương, các khoản phụ cấp cho người lao động chưa được đầy đủ, hoặc không được thanh toán.
Ngoài vi phạm chưa đăng ký thang, bảng lương, việc giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa người sử dụng lao động và người lao động cũng là điều đáng bàn. Khi kiểm tra các bản HĐLĐ, hầu hết DN đều không thể hiện rõ nội dung công việc mà người lao động phải làm ngoài hai từ “công nhân” hoặc “trực tiếp sản xuất”. Hiện nay, tổng số lao động và người sử dụng lao động tại 14/15 DN được thanh tra là 806 người. Trong đó, số lao động thuộc diện phải ký HĐLĐ là 776 người, chiếm 96,3%, số lao động chưa được ký kết HĐLĐ là 81 người. Hơn thế, các phương tiện trang bị bảo vệ cá nhân cũng chỉ ghi chung chung “tuỳ theo tính chất công việc”, hoặc áp dụng thời gian thử việc đối với lao động phổ thông không đúng quy định. Điều này là trái với quy định tại điều 74 Bộ Luật Lao động và còn rất nhiều điểm vi phạm khác.
Nợ đọng tiền BHXH
Các hoạt động thanh kiểm tra đã tiến hành thường xuyên, song các đơn vị, DN vẫn tiếp tục vi phạm. Phải chăng là do chế tài chưa đủ mạnh? Còn nếu nói DN không hiểu biết chính sách là điều không tưởng vì không DN nào trước khi quyết định đầu tư lại không tìm hiểu rõ về luật pháp. Vì thế việc lách luật, cố tình vi phạm luật đang diễn ra khá phổ biến cần được chấn chỉnh kịp thời bằng những biện pháp mạnh.
Đây là vấn đề nổi cộm và xảy ra ở phần lớn các DN và cần được tháo gỡ. Trong tình hình khó khăn chung, các đơn vị không tránh khỏi ảnh hưởng, một số dây truyền sản xuất, kinh doanh tạm dừng hoạt động. Vì vậy, ngoài vấn đề thu nhập của người lao động thấp, nhiều lao động bị ngừng việc, thì quyền lợi về chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), tiền lương ngừng việc, trợ cấp thôi việc cho người lao động chưa được thực hiện đầy đủ. Tính đến hết tháng 9/2010, có 422 lao động phải tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có 133 người chưa được tham gia bảo hiểm. Nổi lên là Công ty cổ phần Khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng huyện Văn Yên có 35 lao động. Tính đến thời điểm thanh tra, có 2 công ty còn nợ tiền BHXH với tổng số tiền gần 60 triệu đồng là: Công ty TNHH Đạt Thành, Công ty TNHH Hùng Linh. Các đơn vị không có khả năng thanh toán nợ vay, đó là nguyên nhân căn bản dẫn đến việc nợ tiền đóng BHXH. Mặt khác, các đơn vị thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động đã bố trí cho một số lao động nghỉ tự túc đóng BHXH, BHYT mức 23%. Do các đơn vị nợ tiền BHXH nên cơ quan BHXH tạm dừng cấp thẻ BHYT, vì thế, các chế độ ốm đau, thai sản của một số lao động tại các DN chưa được thực hiện đúng theo quy định.
Và các sai phạm khác
Tuy không xảy ra tình trạng nợ đóng tiền BHXH, nhưng tại 14 đơn vị được tiến hành thanh tra vẫn tồn tại một số thiếu sót, sai phạm khác liên quan đến các nội dung như: thỏa ước lao động tập thể, nội qui lao động, HĐLĐ, an toàn vệ sinh lao động...
Qua thanh tra, riêng Công ty cổ phần In và Quảng cáo Đông Đô ghi nội dung trong hợp đồng tương đối đầy đủ, còn lại 13 đơn vị chưa xây dựng được thỏa ước lao động, nội qui lao động, hoặc có xây dựng nhưng lại chưa đăng ký với cơ quan lao động theo qui định. Công tác báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng lao động, tai nạn lao động của nhiều doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm, dẫn đến việc thống kê, tổng hợp số liệu về lao động hàng năm chưa đạt yêu cầu đề ra. Do vậy, những trường hợp người lao động bị chủ sử dụng sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ không được đảm bảo các quyền và chế độ theo quy định của Nhà nước.
Kết quả thanh tra cũng cho thấy các bản HĐLĐ được ký kết giữa chủ sử dụng lao động và người lao động lại chưa đúng theo quy định. Nguyên nhân là do cán bộ làm công tác lao động - tiền lương của DN nhận thức còn hạn chế, hoặc do không thực hiện theo quy định nên công tác tham mưu cho chủ sử dụng lao động chưa đúng. Đồng thời, người sử dụng lao động chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cấp sổ lao động với mục đích theo dõi quá trình công tác và là cơ sở để giải quyết các chế độ liên quan đến quan hệ lao động, dẫn đến các DN hầu hết không thực hiện đăng ký cấp sổ lao động với Sở LĐ -TBXH Yên Bái.
Bên cạnh đó, một số DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, chế biến nông - lâm sản, lực lượng lao động phần lớn là người địa phương, trình độ văn hóa thấp. Vì thế, nhiều chế độ, chính sách theo quy định có lợi cho người lao động nhưng người lao động lại không muốn thực hiện như BHXH bắt buộc, BHYT, thời giờ làm việc nghỉ ngơi, bảo hộ lao động... Tỉ lệ lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc tại các đơn vị, DN được thanh tra chiếm phần lớn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động chưa được DN quan tâm, hoạt động tập huấn, huấn luyện về công tác an toàn cho người lao động chưa thường xuyên, đầy đủ. DN chỉ tổ chức huấn luyện an toàn cho người lao động làm việc lâu dài tại đơn vị, còn những lao động được tuyển dụng dưới 1 năm hoặc làm việc theo thời vụ thường không huấn luyện...
Trước những tồn tại, hạn chế, sai phạm của các đơn vị, kết thúc các đợt thanh tra, đoàn thanh tra đã đưa ra nhiều kiến nghị mà các DN chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ và yêu cầu thực hiện đúng thời hạn.
Đồng thời Thanh tra Sở cũng đưa ra các kiến nghị đối với các cơ quan, tổ chức liên quan nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về lao động tại các đơn vị, DN. Trong đó, đối với những đơn vị còn nợ đọng tiền BHXH thì kiến nghị giải quyết theo hướng những đơn vị nào có khả năng thanh toán, đề nghị BHXH tỉnh đôn đốc, nhắc nhở thực hiện, đề nghị BHXH tỉnh vận dụng giải quyết các chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản cho người lao động đã tham gia BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Việc phát hiện, nhắc nhở, xử lý kịp thời những tồn tại, hạn chế, sai phạm trong thực hiện pháp luật lao động tại các đơn vị qua các đợt thanh tra đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nghiêm chỉnh nội dung này, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hòa, ổn định, góp phần để Luật Lao động nói riêng, các chính sách, pháp luật về lao động nói chung đi vào thực tế.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Hội LHPN huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã mở heo đất tại 22 cơ sở xã, thị trấn với trên 5.000 con heo đất. Tổng số tiền tiết kiệm được là 209.435.000 đồng và 135 kg gạo.
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, đến hết tháng 6-2010 tất cả 63 tỉnh thành trong cả nước đều đạt chuẩn giáo dục THCS. Đây là một tin vui nhưng chúng ta cũng phải xem lại thành tích đó đã thực chất và đã đạt mục tiêu của cấp THCS chưa?
YBĐT - Gắn bó với đồng ruộng, tần tảo sớm hôm trên mảnh ruộng của gia đình để có thêm thu nhập từ ngoài hai vụ lúa, hội viên phụ nữ phường Tân An luôn dẫn đầu trong sản xuất vụ đông cả về diện tích và năng suất.
YBĐT - Hiện nay, những thôn có số trường hợp sinh con thứ 3 nhiều là thôn Bản Công 10 trường hợp, thôn Tà Xùa 11 trường hợp và một trường hợp là đảng viên ở thôn Sán Trá nhưng mới chỉ bị khiển trách và cũng chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý.