BHXH tự nguyện: Người lao động chưa mặn mà

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/11/2010 | 9:55:32 AM

YBĐT - Nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp. Đó là: người dân chỉ thấy cái lợi trước mắt, chưa thấy được lợi ích lâu dài. Nếu tham gia BHXH tự nguyện thì người lao động tự lo cho mình khi về già, sức khỏe đã kém họ sẽ có lương hưu và được tham gia bảo hiểm y tế ...

Tham gia BHYT tự nguyện người lao động không được hưởng trợ cấp ốm đau. (Trong ảnh: Chờ khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh).
Tham gia BHYT tự nguyện người lao động không được hưởng trợ cấp ốm đau. (Trong ảnh: Chờ khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

BHXH (bảo hiểm xã hội) tự nguyện là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện công bằng và bảo đảm an sinh xã hội. BHXH tự nguyện được triển khai mở ra cơ hội được thụ hưởng tới đông đảo nhân dân, nhất là bộ phận lao động tự do... Tuy nhiên, sau gần ba năm triển khai, đến nay trên toàn tỉnh Yên Bái mới có 591 người tham gia. Qua điều tra cho thấy, có nhiều lý do khiến người lao động chưa mặn mà với chế độ bảo hiểm này.

BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập hàng tháng của mình. Mức đóng thấp nhất bằng 16% thu nhập hàng tháng của người lao động; kể từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm đối tượng tham gia phải đóng thêm 2% cho đến khi đạt mức đóng là 22%. Về quyền lợi, người lao động đóng BHXH tự nguyện chỉ được hưởng lương hưu khi có 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên và thời điểm bắt đầu hưởng lương là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH tự nguyện thì được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa là 75%.

Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam về việc triển khai chính sách BHXH tự  nguyện, BHXH tỉnh Yên Bái đã có văn bản chỉ đạo tới BHXH các huyện, thị, thành phố triển khai công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện tới người dân. Đồng thời tổ chức các hội nghị triển khai tại các huyện, mời lãnh đạo UBND huyện, UBND các xã thị trấn cùng toàn thể các ban ngành, đoàn thể tham gia... Thế nhưng, sau gần 3 năm triển khai Luật BHXH về BHXH tự nguyện, số người tham gia còn quá thấp so với số lao động tự do trên địa bàn. Năm 2008 không có đối tượng nào tham gia, đến hết tháng 10 năm 2010 có 591 người tham gia, với số tiền trên 1 tỷ đồng. Trong đó, thành phố Yên Bái 99 người, huyện Yên Bình 179 người, Trấn Yên 100 người, huyện Văn Yên 119 người, huyện Văn Chấn 31 người, huyện Lục Yên 35 người, Nghĩa Lộ 18 người, Trạm Tấu 5 người, Mù Cang Chải 5 người...

Đối tượng tham gia chủ yếu là những người đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ 20 năm tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí.  Mặc dù đã nhiều lần được tuyên truyền nhưng anh Nguyễn Văn Vinh, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái vẫn không mặn mà với BHXH tự nguyện vì theo anh với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/tháng từ việc chạy xe ôm thì mỗi tháng anh đóng bình quân 22% tương đương 440.000 đồng, tổng số tiền mỗi năm đóng là 5.280.000 và sau 20 năm anh sẽ phải đóng 105,6 triệu đồng. Đến khi đó anh sẽ được hưởng lương hưu, mỗi tháng bằng 45% thu nhập hàng tháng đã đóng, tức khoảng 900.000 đồng.

"Sau 20 năm theo đuổi với số tiền không nhỏ mà đồng lương hưu chỉ có 900 nghìn đồng. Số tiền ấy vào thời điểm hiện tại đã là quá nhỏ, 20 năm nữa với tình hình trượt giá thế này thì chắc hẳn nó sẽ còn nhỏ hơn" - Anh Vinh cho biết. Ngoài ra, đa phần người muốn tham gia BHXH tự nguyện là những người có thu nhập thấp và không ổn định nên việc tham gia BHXH tự nguyện bằng cách chắt bóp thu nhập vốn ít ỏi hàng tháng của mình là rất khó khăn. Hiện nay, đa phần người lao động trên địa bàn tỉnh có thu nhập chỉ khoảng 1-2 triệu đồng/tháng thì số tiền đó dành cho chi tiêu hàng ngày đã là một bài toán khó nếu trích 22% ra đóng BHXH tự nguyện thì quả là không dễ dàng.

Trong khi đó thì quyền lợi dành cho người tham gia BHXH tự nguyện so với BHXH bắt buộc thì còn hạn chế. Chị Trần Thị Thu, phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) tâm sự: "Tôi cũng đã tìm hiểu về BHXH tự nguyện nhưng thấy quyền lợi rất ít. Ví dụ như người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng tới 5 chế độ (thai sản, ốm đau, tử tuất, hưu trí, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp) và được người sử dụng lao động hỗ trợ phí đóng, trong khi đó người tham gia BHXH tự nguyện phải lo đóng phí hoàn toàn mà chỉ được hưởng 2 chế độ là (hưu trí và tử tuất). Thêm nữa nếu tham gia bảo hiểm tự nguyện thì chỉ được hưởng chế độ hưu mới được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Chính sách như vậy, hỏi rằng 20 năm trước mắt, lỡ ốm đau bệnh tật, tôi biết nhờ cậy vào đâu?".

Trao đổi với chúng tôi về việc triển khai BHXH tự nguyện, ông Lò Xuân Thịnh - Trưởng phòng Thu thuộc BHXH tỉnh cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp. Đó là: người dân chỉ thấy cái lợi trước mắt, chưa thấy được lợi ích lâu dài. Nếu tham gia BHXH tự nguyện thì người lao động tự lo cho mình khi về già, sức khỏe đã kém họ sẽ có lương hưu và được tham gia bảo hiểm y tế. Song, cái chính là hiện nay thu nhập của họ thấp và bấp bênh nên nhiều người không đủ sức theo. Bên cạnh đó, một số cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp cũng chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Công tác tuyên truyền, vận động về loại hình BHXH này chưa sâu rộng, thiếu hình thức phù hợp nhằm tác động trực tiếp đến đối tượng đặc biệt là khu vực nông thôn, cơ sở dịch vụ...

Để BHXH tự nguyện thực sự thu hút được người dân tham gia thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có sự điều chỉnh các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tế để nhiều đối tượng ở mọi điều kiện, hoàn cảnh có thể tham gia. Ngành chức năng nên tổ chức các hội nghị chuyên sâu, chuyên đề để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về Luật BHXH, các chế độ, chính sách, giúp mọi người thấy được lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm... hướng tới mục tiêu "Bảo hiểm toàn dân" như mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

 Hồng Duyên

Các tin khác
Xã Tân Thịnh chỉ có một trạm biến áp cung cấp điện cho toàn xã.

YBĐT - Nhiều năm qua, mấy trăm hộ dân xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) có một nỗi khổ thường trực, đó là điện. Điện ở đây vừa thiếu, vừa yếu lại vừa mất an toàn.

Đồng chí Nguyễn Thanh Xuân chia quà cho các cháu nhỏ ở xã Túc Đán (Trạm Tấu) trong mùa hè tình nguyện 2009.

YBĐT - Trong nhiều năm qua, phong trào thanh niên tình nguyện (TNTN) đã trở thành một nhu cầu thiết yếu, một nét văn hóa tiến bộ của đông đảo thanh niên Yên Bái nói riêng, thanh niên toàn quốc nói chung. Kết thúc mùa tình nguyện sôi nổi năm 2010, phóng viên YBĐT có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Thanh Xuân - Phó bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn về vấn đề này.

YBĐT - Mới đây, đại diện Ban điều phối viện trợ nhân dân tại Việt Nam (PACCOM) và Cục A63, Bộ Công an phối hợp với Ban Kinh tế đối ngoại và Xúc tiến đầu tư tỉnh Yên Bái, Công an tỉnh tổ chức trao 60 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho học sinh là con em cán bộ, chiến sĩ công an, học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong và Trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ, thị xã Nghĩa Lộ. Đây là các cháu có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã nỗ lực vươn lên trong học tập.

Học sinh tiểu học ở xã Chế Cu Nha (Ảnh minh họa)

YBĐT - Nhằm tạo sân chơi bổ ích giúp các em học sinh có điều kiện rèn luyện để trở thành những học sinh giỏi toàn diện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải vừa tổ chức "Giao lưu học sinh giỏi cấp tiểu học huyện lần thứ nhất" năm 2010.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục