Giải bài toán bạo lực học đường
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/2/2011 | 2:30:24 PM
YBĐT - Cũng như ở nhiều nơi khác, hiện nay tình trạng bạo lực học đường ở Trấn Yên tiếp tục diễn biến phức tạp.
Điển hình là các vụ việc học sinh ở các trường THPT đánh nhau trong và ngoài trường học đã gây hậu quả nghiêm trọng và bức xúc trong dư luận xã hội.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 trường THPT, trong đó, thị trấn Cổ Phúc có Trường THPT Lê Quý Đôn và Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề (TTGDTX & HNDN)Trấn Yên. Đây là những ngôi trường tập trung phần lớn con em trong huyện. Do đó, việc các em có mâu thuẫn dẫn đến xô xát, đánh nhau là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên trong thời gian gần đây, tình trạng này xảy ra khá phổ biến và ngày càng có xu hướng gia tăng đã gây tâm lý hoang mang cho các bậc phụ huynh.
Nhiều hộ dân sống gần khu vực trường THPT Lê Quý Đôn cho biết : “Cảnh một số học sinh nam dùng gậy gộc, gạch đá, ô dù làm vũ khí tấn công bạn, rồi một toán học sinh nữ chia phe cánh cãi lộn, văng tục, đánh nhau, xé quần áo, thậm chí dùng vũ khí nguy hiểm như dao, kiếm để đánh nhau như trên phim ảnh hay trong game online không còn là mới mẻ”.
Tình trạng học sinh đánh nhau đang diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ nguy hiểm. Tuy nhiên để giải quyết được hiện trạng này thì trách nhiệm không chỉ thuộc về một đoàn thể hay một ngành chức năng nào. Giải bài toán bạo lực trong học sinh là việc còn nhiều nan giải và dường như không thể trong ngày một ngày hai.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bắc - Trưởng công an thị trấn Cổ Phúc cho biết: “Trung bình vài năm trở lại đây, mỗi năm Ban công an thị trấn giải quyết từ 4 - 5 vụ việc học sinh đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, có những vụ các em dùng dao gây thương tích nặng cho bạn. Và chỉ khi những vụ việc này gây ra hậu quả thì mới thấy người dân hoặc phụ huynh đến trình báo với cơ quan công an”.
Chúng tôi đã tìm hiểu một số vụ điển hình mà công an thị trấn Cổ Phúc đã giải quyết trong năm 2010. Khoảng cuối tháng 9, tại Trường THPT Lê Quý Đôn đã xảy ra vụ em Đỗ Duy K (học sinh lớp 10) dùng dao chém bị thương em Lương Văn H (học sinh lớp 12). Nguyên nhân chỉ đơn giản là do hiểu nhầm trong khi trêu đùa, H đã gọi một số bạn cùng lớp đến đánh K. Khi bị H tấn công bằng ô thì K đã dùng dao đã chuẩn bị từ trước đáp trả. Ngay sau đó, nhà trường đã báo với cơ quan chức năng và đưa em H đi bệnh viện cấp cứu.
Một vụ việc khác xảy ra giữa các em học sinh nữ: em Nguyễn Thị Minh T do hiểu nhầm Đỗ Ngọc A nói xấu mình liền nhờ bạn là Đinh Thị U (học sinh lớp 10 Trung tâm GDTX&HNDN Trấn Yên) đến cổng trường chặn đánh A. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an thị trấn đã phối hợp với các nhà trường giải quyết. Đây mới chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ việc bạo lực học đường đã xảy ra trên địa bàn mà Công an thị trấn Cổ Phúc đã giải quyết. Còn nhiều vụ khác mà gia đình của những em có xô xát, va chạm tự hòa giải. Bên cạnh đó, nhiều vụ có em phải đi bệnh viện mà không dám trình báo vì lo sợ bị trả thù, có những em không dám đến lớp do sợ bị đánh.
Có thể thấy, tính chất nguy hiểm ngày càng gia tăng trong những vụ bạo lực học đường. Phần lớn các học sinh đã sử dụng vũ khí nguy hiểm như dao, kiếm, gậy gộc, gạch đá hay một số dồ dùng khác như ô, dây thắt lưng để hành hung chính những người bạn của mình khi có mâu thuẫn. Tình trạng này không chỉ dừng lại trong phạm vi nhà trường, nhiều em còn tạo ra bè cánh để đánh nhau, hoặc nhờ những học sinh và thanh niên ở trường khác, địa phương khác cùng "góp sức"…
Tình trạng bạo lực học đường đã và đang trở thành nỗi nhức nhối của toàn xã hội, là điều trăn trở của những người làm công tác giáo dục. Đó còn là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh khi cho con em mình đến trường và sự ám ảnh của những học sinh khi cắp sách đi học. Đa phần các vụ đánh nhau của học sinh khi tường trình đều khai rằng: “Do bị bạn chọc tức, nói xấu, khích bác, hiểu lầm”.
Thứ hai là do máu hiếu thắng, nông nổi nên khi có va chạm là muốn giải quyết vấn đề bằng "nắm đấm".
Thứ ba, một bộ phận học sinh không xác định được mục đích chính khi đến trường là học lấy kiến thức và rèn luyện đạo đức nên đã dẫn đến đánh nhau bởi các nguyên nhân vụn vặt. Và thêm nữa là do xử lý chưa nghiêm nên không tạo được sự răn đe đối với học sinh.
Chính vì thế để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường rất cần sự vào cuộc của cả xã hội. Trước tiên cần tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh trong việc “nói không với hành vi bạo lực”.
Các cơ quan, các hội đoàn thể như công an, hội cha mẹ học sinh, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, hội khuyến học ở địa phương xây dựng kế hoạch phối hợp cùng nhà trường triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau mang tính bạo lực, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Và có thể không, nếu trong các văn bản luật liên quan, Nhà nước cũng nên nghiên cứu đưa vào luật nội dung phòng chống bạo lực học đường cũng như đã đưa các nội dung phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại trẻ em? Chỉ khi áp dụng đồng bộ các giải pháp trên và tạo được sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể trong xã hội thì vấn nạn bạo lực học đường mới có hy vọng giảm.
Thanh Tiến - Kim Oanh
Các tin khác
YBĐT - Hội thi Sáng tạo kỹ thuật là một sân chơi trí tuệ, bổ ích thu hút được mọi thành phần tham gia, góp phần tích cực vào phát triển sản xuất, kinh doanh.
YBĐT - Trong những năm qua, chương trình an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo của Đảng, Nhà nước ở huyện Văn Yên được triển khai sâu rộng và có hiệu quả.
Bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số được dạy và học trong nhà trường phải là bộ chữ cổ truyền đã xuất hiện lâu đời, được cộng đồng dân tộc thiểu số thừa nhận, được cơ quan chuyên môn xác nhận, được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, chẳng hạn như chữ Chăm AkhaThrah, Khmer, Hoa, Thái, Lào…
Trước tình hình dịch cúm A/H1N1 diễn biến phức tạp và gia tăng số người mắc tại một số quốc gia trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo, có ít nhất 12 quốc gia báo cáo các trường hợp mắc chứng ngủ rũ trong số những trẻ được tiêm vaccine Pandemrix phòng cúm đại dịch A/H1N1.