Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2011: Nhiều điều chỉnh có lợi cho thí sinh
- Cập nhật: Thứ tư, 16/2/2011 | 8:15:57 AM
Ngày 18-2, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị tuyển sinh ĐH-CĐ và Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) năm 2011.
Thí sinh dự thi ĐH năm 2010 nhận phiếu báo thi tại Văn phòng 2 Bộ GD-ĐT.
|
Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, trong kỳ tuyển sinh năm nay Quy chế tuyển sinh 2011 sẽ có một số thay đổi theo hướng có lợi cho thí sinh. Trước thềm hội nghị tuyển sinh, Báo SGGP xin đăng tải một số ý kiến của các trường xung quanh những thông tin mới nhất của kỳ tuyển sinh năm nay.
-
GS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Nhiều thay đổi hợp lý
Trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 vẫn giữ phương thức “3 chung” và không có gì thay đổi. Tuy nhiên, Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 dự kiến có một số điều chỉnh theo hướng có lợi cho thí sinh như: Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ quy trách nhiệm nghiêm khắc đối với việc gửi giấy báo trúng tuyển cho cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường.
Về diện trúng tuyển, Bộ GD-ĐT dự kiến bổ sung đối tượng thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường ĐH-CĐ Việt Nam không phải dự tuyển mà hiệu trưởng các trường chỉ căn cứ kết quả học tập THPT của thí sinh (bảng điểm). Khi đạt yêu cầu kiểm tra kiến thức và tiếng Việt theo quy định của trường, xem xét quyết định cho vào học.
Nhằm tăng trách nhiệm của thí sinh trong kỳ thi, Bộ GD-ĐT dự kiến bổ sung quy định trước khi làm bài thi phải ghi đầy đủ số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào giấy thi, giấy nháp và phải yêu cầu cả hai cán bộ coi thi ký và ghi rõ họ tên vào giấy thi, giấy nháp.
Cũng để đơn giản hóa trong vấn đề làm hồ sơ nhập học của thí sinh, Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ quy định hồ sơ trúng tuyển khi gọi thí sinh trúng tuyển nhập học…
-
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: Nên xem xét lại yếu tố “chung điểm thi”
Là trường luôn có lượng thí sinh dự thi cao trong cả nước, tôi cho rằng tuyển sinh “3 chung” ngoài cái được của chung đợt, chung đề thi thì vấn đề “chung điểm thi” Bộ GD-ĐT cần phải xem xét lại cho hợp lý. Thực tế cho thấy, trong 10 năm qua, không chỉ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM mà rất nhiều trường tổ chức thi tuyển rất đau đầu với tình trạng thí sinh ảo (ảo tất cả ở cả 3 nguyện vọng) nhưng không thể nào giải quyết được. Cái ảo trong “3 chung” được xem là nhược điểm lớn nhất không chỉ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường mà dẫn đến tốn kém rất lớn về mặt kinh tế của toàn xã hội.
Trong thời gian tới, để thực hiện cải tiến tuyển sinh hướng tới một kỳ thi hiệu quả, gọn nhẹ, Bộ GD-ĐT cần phải tập trung mổ xẻ những hạn chế của “3 chung”. Nếu nhìn rõ và khắc phục được hạn chế về yếu tố “chung điểm thi”, chắc chắn nhược điểm “3 chung” sẽ được khắc phục và những cái tốt, ổn định sẽ kế thừa trong việc xây dựng một phương án tuyển sinh mới đúng như kỳ vọng của toàn xã hội.
-
Th.S Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM: Ủng hộ việc đơn giản hóa hồ sơ trúng tuyển
Thực tế, hồ sơ trúng tuyển như một sơ yếu lý lịch có nhiều thông tin để nhà trường thuận tiện quản lý sinh viên trong suốt quá trình học. Trong đó có nhiều nội dung cần thiết cho nhà trường để quản lý như: lý lịch thân nhân, hộ khẩu thường trú, hoạt động Đoàn - Đảng, quá trình học tập… mà trong hồ sơ dự thi không khai rõ.
Từ năm học 2010 trở về trước, vấn đề hồ sơ trúng tuyển trong khi làm thủ tục nhập học là cần thiết vì liên quan đến nhiều vấn đề như xét miễn giảm học phí cho các đối tượng học sinh - sinh viên diện chính sách.
Tuy nhiên, từ năm 2011, các đối tượng chính sách được miễn giảm học phí sẽ do địa phương giải quyết theo thông tư 29. Do đó, việc Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ hồ sơ trúng tuyển khi nhập học cho thí sinh trúng tuyển, tôi hoàn toàn ủng hộ.
Tuy nhiên, để thuận tiện cho các trường khi thực hiện công tác này, Bộ GD-ĐT cần thông báo rõ cho thí sinh trong khi làm hồ sơ đăng ký dự thi.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc đề nghị của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo...
YBĐT - Thực hiện nhiệm vụ tuyển quân hàng năm, ngay từ tháng 9/2010, Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các cơ sở tổ chức tuyển chọn và sơ tuyển thanh niên; rà soát lập danh sách 1.080 công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ.
Tính đến ngày 11-2, theo Cục Thú y, cả nước có 14 tỉnh xuất hiện dịch lở mồm long móng là: Sơn La, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Kon Tum, Nghệ An, Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Ngãi và Yên Bái.
Tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, cuối tuần này (khoảng ngày 19-20), một đợt không khí lạnh có khả năng lại tăng cường khiến miền Bắc tiếp tục chịu rét đậm ít nhất đến hết ngày 21/2…