Lương thấp, doanh nghiệp thiếu lao động

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/6/2011 | 2:19:56 PM

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các khu công nghiệp hiện vẫn "khát" lao động phổ thông, trong khi đó, nghịch lý là tình trạng công nhân bỏ việc vẫn diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân là do lương của người lao động quá thấp, trong khi các chi phí sinh hoạt đều tăng lên từng ngày.

Tình trạng thiếu lao động do mức lương quá thấp vẫn xảy ra ở ngành dệt may.
Tình trạng thiếu lao động do mức lương quá thấp vẫn xảy ra ở ngành dệt may.

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tình trạng không tuyển được lao động phổ thông vẫn xảy ra ở một số ngành nghề như: Dệt may, giày da, nhựa, bao bì, chế biến thực phẩm. Đáng chú ý ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng công nhân bỏ việc hàng loạt do mức lương quá thấp, không đủ bảo đảm cuộc sống tối thiểu của công nhân, lao động.

Tính toán trên thực tế cho thấy, tiền lương của người làm công hưởng lương đã được điều chỉnh theo lộ trình tăng lương của Chính phủ (tăng khoảng 13% từ ngày 1-5 theo Nghị định 22/2011/NĐ-CP của Chính phủ).

Để giữ chân người lao động và thu hút thêm nhân công, một số doanh nghiệp đã cố gắng tiết kiệm chi phí sản xuất để trợ giúp thêm cho người lao động từ 100.000 đến 200.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, do giá cả các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng cao khiến đời sống của người lao động, nhất là những người phải thuê trọ ở các khu công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tổ chức công đoàn ở nhiều địa phương đã vào cuộc, với những việc làm cụ thể như vận động chủ nhà trọ quanh các khu công nghiệp không tăng tiền thuê nhà cho công nhân đến hết năm 2011, thu tiền nước, tiền điện theo đúng giá của Nhà nước… Đối với các doanh nghiệp, công đoàn đã vận động đơn vị cải thiện bữa ăn giữa ca, tăng lương và các khoản trợ cấp cho công nhân; chủ động thương lượng với một số doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể có lợi cho người lao động; mở các gian hàng bình ổn giá dành cho công nhân ở các khu công nghiệp và phối hợp với các DN bán lẻ đưa hàng đến tận tay người lao động… Ngoài ra, công đoàn các cấp cũng đã vận động 1.832 trường mầm non, nhóm trẻ gia đình không tăng giá giữ trẻ, trong đó có 261.674 trẻ là con công nhân nghèo. Kết quả có 1.086 cơ sở cam kết không tăng tiền ăn nhưng vẫn bảo đảm khẩu phần và dinh dưỡng cho trẻ.

Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp từ phía doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng, song tình trạng nghỉ việc vẫn xảy ra khá phổ biến. Chỉ tính trong ngành đường sắt, theo thống kê, so với năm 2008 thì số lượng lao động toàn ngành đến thời điểm hiện tại đã giảm gần 2.000 người, còn 42.000 người. Đa số các trường hợp xin chấm dứt hợp đồng lao động đều từ phía người lao động với lý do giá cả tăng cao, thu nhập công nhân quá thấp, không thể bảo đảm được cuộc sống. Tình trạng xin nghỉ việc của người lao động ngày càng nhiều khiến một hội nghị cán bộ công đoàn chủ chốt của ngành đường sắt Việt Nam vừa tổ chức cũng chỉ tập trung bàn các giải pháp cho vấn đề công nhân trong ngành đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở một ngành, một đơn vị mà có xu hướng lan rộng trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn nỗ lực tuyển thêm nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh.

Theo dự báo, từ nay đến năm 2015, ngành dệt may, nuôi trồng và chế biến thủy sản có thể cần đến gần 6 triệu lao động. Và để chuẩn bị nguồn nhân lực, hai ngành đã có những dự án đào tạo, tuyển dụng khá quy mô. Tuy nhiên, trên thực tế, mục tiêu về nhân lực của hai ngành này xem ra cũng rất khó khăn để thực hiện. Theo các chuyên gia về lao động, để thu hút được đủ nguồn nhân lực cho phát triển sản xuất, các doanh nghiệp cần phải có phương án đầu tư tại từng địa phương căn cứ trên nguồn nhân lực sẵn có. Có như vậy, người lao động mới có thể tham gia làm việc theo phương án "ly nông bất ly hương", tiết kiệm tối đa các khoản chi phí sinh hoạt do giá cả tăng cao.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp trong vụ dịch tả năm 2010.

Vi khuẩn E.coli mới có độc lực mạnh và nguy hiểm ở châu Âu đang khiến cả thế giới lo ngại. Ngành Y tế Việt Nam nhận định không loại trừ khả năng vi khuẩn này lây sang Việt Nam.

Ngày 15-6, Ga Hà Nội cho biết, nhằm giúp thí sinh đi lại thuận lợi trong dịp tuyển sinh ĐH,CĐ 2011, ngoài tăng tuyến trong thời gian này ngành đường sắt sẽ giảm 10% giá vé cho thí sinh và người nhà thí sinh.

Từ năm 2010 đến nay, cả nước phát hiện gần 150.000 ca sốt xuất huyết, trong đó khoảng 120 trường hợp tử vong.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân (mặc áo xanh) nộp bài tại tòa soạn báo Yên Bái.

YBĐT - Cộng tác viên đã góp phần làm phong phú nội dung tờ báo, tạo ra món ăn tinh thần phong phú, hấp dẫn và bổ ích, thực sự là cánh tay nối dài của tờ báo Đảng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như: kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng, văn hoá xã hội...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục