Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ trong hoạt động phát thanh - truyền hình Yên Bái
- Cập nhật: Thứ hai, 20/6/2011 | 9:11:34 AM
YBĐT - Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) là hoạt động mang tính đặc thù. Ngoài tính tập thể cao, sản phẩm báo chí PT-TH đến với người nghe, người xem không thể thiếu sự hỗ trợ của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật công nghệ chuyên ngành.
Phóng viên Đài truyền thanh - Truyền hình Trấn Yên tác nghiệp tại hiện trường.
|
Trong những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin trong lĩnh vực truyền thông đã tác động trực tiếp đến việc sản xuất, truyền dẫn phát sóng các chương trình PT-TH.
Trước yêu cầu, đòi hỏi hòa nhập xu thế chung để tồn tại và phát triển, Đài PT-TH Yên Bái đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào quy trình hoạt động báo nói, báo hình và thông tin điện tử.
Tranh thủ sự quan tâm đầu tư của tỉnh và thực hiện các chương trình mục tiêu về phát triển hệ thống PT-TH cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đài đã từng bước đổi mới thiết bị để tăng thời lượng, nâng cao chất lượng chương trình và mở rộng diện phủ sóng PT-TH địa phương.
Từ năm 2007 trở lại đây là quãng thời gian chuyển biến căn bản về cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Đài PT-TH Yên Bái. Đặc biệt là Dự án ODA (Tây Ban Nha), Đài được trang bị hệ thống camera kỹ thuật số và xe truyền hình lưu động.
Việc sản xuất chương trình đã thay thế thiết bị dựng hình ANALOG bằng hệ thống phi tuyến tính, sử dụng nhiều phần mềm chuyên ngành đáp ứng được yêu cầu làm PT-TH theo quy trình hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển kỹ thuật hiện nay.
Cuối năm 2010, bằng nguồn vốn phát triển sự nghiệp, Đài PT-TH Yên Bái đã đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng lắp đặt hệ thống phát sóng tự động. Tất cả tin, bài của phóng viên, cộng tác viên sau khi dựng được chuyển vào “kho” của hệ thống, biên tập viên và kỹ thuật viên chỉ việc sắp xếp chỉnh sửa đưa vào phần mềm PT-TH và lập lịch chương trình.
Người có trách nhiệm duyệt lần cuối có thể sửa chữa, thay đổi thứ tự một cách dễ dàng, đơn giản kể cả khi đang phát sóng. Đến giờ lên sóng, kỹ thuật viên trực ca chỉ cần vào lệnh là chương trình sẽ chạy tuần tự theo lịch lập trước.
Với hệ thống này không chỉ đơn giản được chi phí vật tư, băng, đĩa, nhân công chuyển băng mà còn tăng được thời gian hữu ích giành cho sản xuất chương trình và an toàn trong việc truyền dẫn phát sóng.
Đối với các tỉnh đồng bằng, mỗi nơi chỉ cần một máy phát sóng truyền hình, một máy phát sóng phát thanh công suất vừa phải cũng đủ phủ sóng toàn tỉnh, thậm chí vượt sang các địa phương khác.
Nhưng đối với các tỉnh miền núi, địa hình chia cắt như Yên Bái, dù máy phát công suất có lớn đến bao nhiêu cũng không thể đưa sóng đến được tất cả các vùng miền.
Khắc phục trở ngại này, trong những năm qua, bằng nhiều nguồn lực trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 36 trạm phát lại truyền hình và phát thanh, trong đó Đài tỉnh có 4 máy phát hình công suất từ 2 đến 5 KW, một máy phát thanh FM công suất 5 KW; 5 trạm truyền hình thuộc Dự án ODA ở thị xã Nghĩa Lộ và các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên. Với mạng lưới này trên 95% địa bàn dân cư trong tỉnh được phủ sóng PT-TH quốc gia.
Tuy nhiên, việc đưa chương trình Đài tỉnh đến các huyện, thị vùng cao, vùng xa là hết sức khó khăn.
Từ năm 1995 đến năm 2008, các chương trình phát tại Đài tỉnh được in vào băng, đĩa gửi qua đường bưu điện chuyển phát chậm hơn một ngày tại các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ.
Đến đầu năm 2009. Đài PT-TH Yên Bái thử nghiệm và áp dụng giải pháp kỹ thuật chuyển chương trình của Đài tỉnh tới các đài huyện, thị qua mạng Internet thay thế việc chuyển băng qua đường thư báo.
Mặc dù đã nhanh hơn, chương trình được phát lại trong ngày, song các đài huyện, thị phải qua công đoạn in lại rồi bố trí phát vào buổi tối theo khung giờ khác nhau.
Tiếp tục tìm tòi giải pháp đưa sóng Đài tỉnh đến cơ sở, từ tháng 4 năm 2010, Đài phối hợp với Viễn thông Yên Bái thử nghiệm thành công việc truyền dẫn tín hiệu PT-TH địa phương qua đường cáp quang đến 3 trạm khu vực phía Tây tỉnh với chất lượng ổn định, hình ảnh đẹp, âm thanh trong, rõ.
Qua kết quả thử nghiệm, từ tháng 6 năm 2010 đến nay, Đài tỉnh và VNPT Yên Bái phối hợp đưa chương trình đến 12 trạm phát sóng truyền hình trên địa bàn tỉnh, trong đó có các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Nhờ đó, nhân dân ở các vùng này được xem chương trình Đài tỉnh đồng thời với giờ phát sóng của trung tâm, kể cả các cuộc truyền hình trực tiếp do Đài PT-TH Yên Bái thực hiện - điều trước đây chỉ được tiếp nhận sau ít nhất một ngày.
Thành công của giải pháp này không chỉ tiết kiệm được nhân lực, vật tư kỹ thuật, đưa thông tin qua sóng PT-TH kịp thời đến các địa bàn xa xôi ngay cùng thời điểm mà còn tạo được niềm phấn khởi, tự tin của cán bộ, viên chức Đài PT-TH Yên Bái trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào hoạt động chuyên môn.
Cùng với việc ứng dụng và khai thác có hiệu quả các trang thiết bị phục vụ sản xuất chương trình, truyền dẫn phát sóng, từ năm 2007 đến nay, trang thông tin điện tử yenbaitv.org.vn được duy trì, nâng cấp, đáp ứng được các đặc trưng của thể loại PT-TH, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người Yên Bái qua mạng thông tin toàn cầu.
Từ Website này, các đài cấp huyện đã tải chương trình phát thanh của Đài tỉnh phát đồng thời trên hệ thống truyền thanh huyện, thị và cơ sở thay cho việc phát lại băng như trước đây.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, từ tháng 3 năm 2009, Đài tỉnh phối hợp Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện và Điện lực Yên Bái đưa truyền hình cáp Yên Bái vào hoạt động.
Qua hơn 2 năm phát triển mạng lưới, đến nay đã có gần chục nghìn thuê bao ở thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và đang mở rộng ra một huyện lân cận trong vùng.
Nền móng kỹ thuật ngày càng hoàn thiện đã góp phần quan trọng để Đài PT-TH Yên Bái từng bước tăng thời lượng, nâng cao chất lượng chương trình báo nói, báo hình và trang thông tin điện tử.
Từ chỗ mỗi ngày sản xuất một chương trình truyền hình, 2 chương trình phát thanh tiếng phổ thông, 3 chương trình phát thanh tiếng dân tộc, đến nay hàng ngày có 3 chương trình truyền hình, 3 chương trình phát thanh, 1 chương trình ca nhạc văn nghệ. Riêng kênh truyền hình Yên Bái (YTV) được tách riêng từ năm 2008 đã phát sóng liên tục 16 giờ 1 ngày, riêng thứ bảy và chủ nhật phát sóng từ 6 giờ đến 24 giờ.
Nhờ đó Đài có điều kiện làm tốt công tác thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, đặc biệt là các sự kiện lớn diễn ra tại địa phương như cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016…
Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những mặt còn hạn chế, Đài PT-TH Yên Bái tiếp tục coi trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo để xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức, nhất là những người làm công tác chuyên môn, kỹ thuật đủ phẩm chất, trình độ, năng lực trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao vào các công đoạn của quy trình tạo ra sản phẩm báo chí PT-TH có chất lượng, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tin tưởng giao phó.
Hà Minh Ất - Giám đốc Đài PT-TH tỉnh
Các tin khác
YBĐT - Toàn huyện Trấn Yên đã xây dựng 267 chi hội khuyến học thôn, bản, khu phố, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và 34 Ban khuyến học dòng họ, Hội đồng hương khuyến học với trên 8.000 hội viên.
Hy sinh 7 người con trai cho Tổ quốc, mẹ Trần Thị Viết thầm lặng chịu đựng, khóc con không bằng nước mắt, mà chính từ trái tim vĩ đại.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, chiều qua 19.6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) cách đảo Luzong (Philippines) khoảng 100 km về phía đông.
YBĐT - Ngày 18/6, Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức Sơ kết công tác đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011. Tới dự có đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức tỉnh uỷ.