Gặp lại những du kích năm xưa
- Cập nhật: Thứ tư, 17/8/2011 | 3:04:28 PM
YBĐT - Khi mới thành lập, lực lượng của đội du kích chiến khu Vần - Dọc, chỉ có hơn chục người chủ yếu ở hai làng Vần và Dọc thuộc xã Việt Hồng (Trấn Yên) ngày nay. Nhưng càng gần đến ngày Tổng khởi nghĩa thì người trong toàn tổng Lương Ca, người ở ngoài thị xã Yên Bái... kéo về đông lên tới cả trung đội.
Cụ Phạm Văn Bính kể chuyện truyền thống cho các cháu học sinh trong xã Việt Hồng.
|
Trong số hơn chục người thuộc làng Vần, Dọc tham gia du kích, sau này có người đi vào bộ đội, thoát ly công tác, còn lại tiếp tục về quê gắn bó với ruộng vườn.
Giờ thì hầu hết trong số ấy đã trở thành người thiên cổ, chỉ còn duy nhất hai du kích vẫn "kiên cường bám trụ", ấy là cụ Phạm Văn Bính 88 tuổi và cụ Nguyễn Khắc Xương 85 tuổi. Thật mừng là sau nhiều năm gặp lại, hai cụ vẫn khỏe mạnh và rất minh mẫn.
Các cụ đều chung tâm sự rằng, thời gian trôi đi nhanh quá! Những gì diễn ra trong những ngày Tổng khởi nghĩa chẳng mấy năm nữa là tròn bảy chục năm rồi. Cụ Xương nhớ lại: "Ngày ấy chúng tôi vào du kích cũng bất ngờ lắm! Đi bừa về đang ăn dở bát cơm, bỗng nghe trống báo động nổi lên, thế là vội vàng buông bát, thắt vỏ dao ngang hông đi thẳng ra sân đình. Lúc sau, thấy có người đến nói rằng lực lượng Việt Minh đang phát triển khắp nơi trong cả nước.
Trong làng, ngoài tổng Lương Ca hiện giờ cũng đang xây dựng lực lượng đánh đuổi đế quốc thực dân nên các tráng đinh trong làng hãy tập trung đến nhà ông tổng Khánh (chánh tổng Lương Ca) để nghe Việt Minh phổ biến nhiệm vụ”. Cụ Bính thì bảo rằng: "Lúc ấy đang độ tuổi đôi mươi, nghe nói đứng vào hàng ngũ Việt Minh là phải xông pha trước hòn tên mũi đạn, là phải chấp nhận hy sinh xương máu, nhưng trai tráng trong làng chẳng ai coi cái chết là gì cả. Bởi vậy, sau khi được nghe phổ biến của cán bộ cách mạng, chúng tôi tích cực vận động thêm được rất nhiều người cùng tham gia".
Hoàn cảnh lúc bấy giờ khó khăn, thiếu thốn đủ đường cả về vật chất và vũ khí nhưng các du kích luôn hăng say luyện tập dưới sự hướng dẫn của cán bộ quân sự Việt Minh. Được tuyên truyền vì sao phải đứng lên đánh đuổi thực dân và phong kiến, du kích chiến khu ai cũng hừng hực một lòng chờ ngày lên đường làm nhiệm vụ. Ngày phát lệnh Tổng khởi nghĩa đã đến, du kích chiến khu Vần - Dọc đã trở thành lực lượng nòng cốt đi giành chính quyền ở phủ Trấn Yên, châu Văn Chấn, châu Văn Bàn, Than Uyên.
Là những chứng nhân lịch sử ở địa phương từ khi giành được chính quyền cách mạng tháng 8-1945, cụ Bính, cụ Xương phấn khởi bày tỏ: Sau khi giành được chính quyền, dù vẫn phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập dân tộc rồi đánh Mĩ để thống nhất đất nước, dù phải kinh qua muôn vàn gian khổ nhưng nước ta vẫn luôn trên đà phát triển. Đặc biệt, khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, cuộc sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa thay đổi trông thấy từng ngày.
Riêng với người dân xã Việt Hồng từ chỗ còn nghèo đói thì nay cái ăn, cái mặc, nhà ở không còn phải lo thiếu thốn nữa mà chỉ tập trung vào nghĩ cách để làm giàu. Phương tiện đi lại, đường sá, điện sinh hoạt, việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, việc học hành của con em tuy vẫn còn những khó khăn nhất định nhưng được như vậy cũng đã là một sự nỗ lực rất lớn của Nhà nước và nhân dân. Mừng hơn nữa khi đời sống đi lên thì truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng được giữ gìn và phát huy đúng với giá trị và tầm vóc của nó.
"Nhìn thấy nhà nước đầu tư cả chục tỷ đồng để tôn tạo nhà ông Trần Đình Khánh, đình làng Dọc, đặt bia tại khu đình Trung đều là những di tích gắn liền với chiến khu Vần - Dọc lịch sử khiến chúng tôi vui mừng lắm!"- cụ Xương tâm sự.
Vui mừng trước những đổi thay ở quê hương mình, song các cụ cũng mong thế hệ kế cận trên đất chiến khu bằng những hành động, việc làm cụ thể để đưa mọi mặt đời sống xã hội người dân phát triển hơn nữa, xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh. Đó thực sự là những mong muốn rất đáng trân trọng của hai nhân chứng lịch sử cuối cùng nơi miền quê cách mạng và cũng là trọng trách nặng nề của cấp ủy, chính quyền địa phương hôm nay để vùng chiến khu tiếp tục tỏa sáng như truyền thống vốn có.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã không ngừng đẩy mạnh và duy trì các hoạt động khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
YBĐT - Tiếp tục thực hiện làm nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2011, huyện Văn Chấn (Yên Bái) được giao chỉ tiêu làm 500 nhà.
Chính phủ và cơ quan thuộc Quốc hội thông qua đề án tăng lương tối thiểu tại doanh nghiệp từ 1/10, theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh Xã hội.
Ngày 16-8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đã tổ chức họp bàn về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng và bệnh tai xanh.