Tiểu đội trưởng du kích Cổ Văn ngày ấy

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/8/2011 | 3:03:16 PM

YBĐT - Hiền lành, chân chất trong bộ quần áo chàm Tày, ai nghĩ rằng con người ấy đã từng tay không cướp đồn giặc, giải phóng Lục Yên năm 1945. Ông là Hoàng Triều Cống - Tiểu đội trưởng đội du kích Cổ Văn ngày nào.

Mường Lai - quê hương của Hoàng Triều Cống ngày ấy là hai xã Cổ Văn và Từ Hiếu, toàn là rừng già hiểm trở lại được bao bọc bởi các dãy núi đá thuận lợi cho hoạt động cách mạng bí mật. Nhận thấy đây là điểm mấu chốt để phát triển cao trào cách mạng, đồng chí Phạm Văn Đồng được giao trọng trách thành lập một đội quân tây tiến về xã Cổ Văn và Từ Hiếu. Hoàng Triều Cống trong một lần đi tham dự cuộc hát, ngẫu nhiên được tiếp xúc với đội công tác của Việt Minh. Gặp được lý tưởng, ngay tối hôm đó Hoàng Triều Cống đã tập hợp, vận động thanh niên trong làng cùng đi theo cách mạng Việt Minh, đồng lòng phá kho thóc Nhật chia cho dân, không đi phu đi lính cho giặc Pháp, giặc Nhật, chống không trồng đay, không trồng thầu dầu cho Nhật và Pháp.

Đêm mùng 9/5/1945, trên đồi sim Cổ Văn, Đội du kích Cổ Văn được thành lập, gồm 7 người, trong đó có Hoàng Triều Cống. Nhân dân phấn khởi ủng hộ Đội du kích. Khí thế cách mạng dâng cao, Đội du kích tăng lên 17 rồi 24 người, được biên chế thành 2 tiểu đội. Hoàng Triều Cống làm tiểu đội trưởng Tiểu đội 1. Đội du kích vừa luyện tập xây dựng lực lượng vừa vận động quần chúng nhân dân ủng hộ cách mạng Việt Minh, lập dân phòng, lập các điếm canh kiểm soát người ra vào căn cứ, tổ chức mai phục đánh tan các đội quân của Quản Ván, Quản Lộc và Vàng Xập. Thanh thế Đội du kích Cổ Văn lan rộng khắp vùng.

Ngày 4/7/1945, sau khi nắm tình hình địch, Đội du kích được lệnh lên đường giải phóng châu Lục Yên. Ngày 5/ 7/1945, Đội du kích xuất phát từ Cổ Văn xuống Làng Giàng, xã Xuân Long rồi ngược theo sông Chảy tiến lên Lục Yên. Khi tiến đến gần Tân Lập thì trời tối, Đội du kích tìm chỗ nghỉ ngơi bên bờ sông thì phát hiện quan châu Lục Yên Trần Lê Nghiêm đang cùng vợ con đi mảng xuôi về Yên Bái để chạy trốn trước khí thế cách mạng hừng hực dâng cao của nhân dân trên cả nước. Lúc đó trời đã tối, quan châu Trần Lê Nghiêm cũng rẽ mảng vào ngủ trên một lều canh nương ngô của người dân bỏ hoang gần đó. Ngay lập tức, Hoàng Triều Cống cùng các chiến sỹ Cổ Văn áp sát lều nương, bắt sống quan châu Lục Yên, cảm hoá và buộc hắn viết thư yêu cầu binh sỹ Lục Yên đầu hàng.

Ngày 8/7/1945, Hoàng Triều Cống cùng 26 chiến sỹ du kích bao vây đồn Lục Yên. Đội du kích Cổ Văn áp sát, khép chặt vòng vây, nín thở chờ đợi bên ngoài, còn Tiểu đội trưởng Hoàng Triều Cống một mình tay không tiến thẳng về phía những nòng súng địch, cầm thư của Trần Lê Nghiêm và tối hậu thư của Việt Minh vào dụ hàng địch trong đồn. Một phút…hai phút…ba phút… Hoàng Triều Cống mất hút trong đồn giặc. Vẫn im lặng. Đội du kích đang sẵn sàng xông lên thì trong đồn bỗng vang lên ba tiếng súng ám hiệu xin hàng của địch.

Trước khí thế cách mạng của nhân dân, lại hoang mang vì quan châu đã bỏ đồn về xuôi, nay nhận được thư của chính quan châu và thư dụ hàng của Việt Minh do Hoàng Triều Cống cầm vào, quan quản đồn Nguyễn Văn Thi đã lệnh cho binh lính hạ vũ khí, trao đồn cho quân cách mạng. Đội du kích nhất tề xông lên tước vũ khí của địch, châu Lục Yên được giải phóng. Giải phóng xong châu Lỵ Lục Yên, Đội du kích Cổ Văn tiếp tục tiến đến giải phóng cho các xã thoát khỏi ách nô lệ chiếm đóng của Quản Ván, Quản Lộc, đội quân tay chân của Nhật chiếm đóng ở các xã của huyện Lục Yên.

Sau khi tham gia thành lập Ủy ban Kháng chiến huyện và xã, Đội du kích Cổ Văn lại trở về căn cứ để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới. Mọi người hăng hái gia nhập đoàn quân du kích, quân số tăng lên 200 người. Hơn ba tháng huấn luyện hăng say, Đội du kích Cổ Văn chia làm ba bộ phận. Một bộ phận ngược sông Chảy sang phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng Phố Ràng (Bảo Yên), thị xã Nghĩa Lộ, Văn Bàn, Than Uyên. Một bộ phận ở lại phát triển khu căn cứ, mở rộng địa bàn hoạt động xuống vùng chợ Ngọc, tiến xuống Yên Bái.

Hoàng Triều Cống đứng đầu bộ phận tiến đánh bọn phỉ, Quản Ván ở Mường Lèng, Tân Yên, Bắc Quang. Lòng dũng cảm cộng với cách đánh thông minh mưu trí, ông đã cùng đồng đội đã lập được nhiều chiến công lớn. Trong một trận đánh phỉ ở Hà Giang, do tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn, ông đã bị bắt vào tù. Khi Hà Giang được giải phóng, thoát khỏi tù ngục, Hoàng Triều Cống được cử đi huấn luyện và học tập tại Tuyên Quang, sau đó thành cán bộ Việt Minh về xây dựng phong trào tại Lục Yên…

Đất nước đã chuyển sang một trang mới, giữa bộn bề công việc, thời gian cứ dần trôi, Đội du kích của ông không còn ai nữa. Chiến sỹ trẻ áo chàm ngày nào tay không cướp đồn giặc, tung hoành tiễu phỉ, đánh đông dẹp bắc nay đã bước sang tuổi 84. Đất nước hoà bình, ông lại là người nông dân tay dao, tay cuốc, trồng cây nuôi cá, sống bình dị trong tình cảm yêu quý của làng xóm, quê hương. Đồi sim Cổ Văn xưa, nơi Đội du kích được thành lập nay cũng đã trở thành di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh nhắc nhở con cháu về những chiến công của những người con anh dũng như Hoàng Triều Cống.

Nông Quang Khiêm

Các tin khác

Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, ngày 19/8, các tỉnh miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác.

Đại tá Đặng Trần Chiêu - Giám đốc Công an tỉnh (bên phải) thăm hỏi đồng bào xã Xà Hồ (Trạm Tấu). (Ảnh: Xuân An)

YBĐT - 6 năm qua, Công an tỉnh Yên Bái đã chủ động khảo sát lựa chọn trên 500 địa bàn trọng điểm về an ninh quốc gia, phức tạp về trật tự an toàn xã hội và gần 2.000 lượt thôn, bản, khu phố...

YBĐT - Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) thành phố Yên Bái vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác huấn luyện 5 năm (2001- 2010).

Thầy và trò Trường THCS xã Việt Hồng (Trấn Yên) thăm di tích Sở chỉ huy du kích Chiến Khu Vần-Dọc. (Ảnh: H.N)

YBĐT - Với nhiều cách làm, vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương nên chỉ sau một thời gian, phong trào chống giặc dốt ở xã Động Quan đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục