Người Dao Yên Bái với Cách mạng Tháng Tám
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/8/2011 | 3:21:22 PM
YBĐT - Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền ở tỉnh Yên Bái, lớp lớp những chiến sĩ vượt lũ sông Hồng sang chiếm tỉnh lỵ có không ít các chiến sĩ người Mán. Sau khi giành được chính quyền, tưng bừng trong cuộc mít tinh giữa thị xã độc lập, có đội vũ trang cách mạng oai hùng, có cả đội “Cung nỏ Mán Nga hoàng”.
Đời sống của đồng bào Dao xã Đại Sơn (Văn Yên) ngày càng nâng cao nhờ trồng quế.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Trong cuốn sách “Những bộ lạc man rợ Thượng Bắc Kỳ Mán và Mão” của viên bác sĩ hải quân Pháp Henry Girard đã viết: “Mán, những người hoang dã của xứ sở, dân sơn cước dữ tợn”. Đây là cách nhìn thiên lệch của kẻ xâm lược. Thực ra, từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, đồng bào Mán (Dao) cũng như Mèo (Mông) và các dân tộc miền núi khác luôn cùng những người yêu nước Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược. Đồng bào đã hưởng ứng cuộc chiến đấu dưới cờ Cần Vương. Trong những năm thực dân Pháp đô hộ, dân tộc Mán và các dân tộc miền núi khác luôn vùng dậy khởi nghĩa, đấu tranh.
Chiếm nước ta, thực dân Pháp thực hiện chế độ cai trị hà khắc. Chúng không cho mở trường học ở vùng người Mán. Chúng đày đọa để các dân tộc miền núi thiếu ăn, thiếu mặc, sống trong ốm đau bệnh tật, hữu sinh vô dưỡng. Năm 1942, chúng bắt người Dao quần chẹt ở Lương Tàm (Trấn Yên) đi phu làm Sân bay Đông Cuông. Chúng phát gạo ăn vừa hôi vừa mốc lại lắm trấu cùng với cá mắm ướt thối. Ăn uống không đủ no, mất vệ sinh, bị bắt làm quần quật còn bị đánh đập hành hạ, nhiều người bị phù, ốm, không ít người bị chết. Những đốc công tàn ác, phu làm xong việc còn bị bắt làm thêm, bị đánh để ép làm. Chúng dùng roi mây, chập ba sợi để đánh, đánh đến mức roi cụt đến hết ngọn mây.
Chúng hành hạ, áp bức như vậy nên đồng bào Dao oán giận, nghe tin có lực lượng cách mạng là tìm cách liên hệ, đi theo. Còn viên Chánh xứ Yên Bái vẫn ngu ngơ chủ quan báo cáo với cấp trên, dân sơn cước không biết tí gì về thời cuộc, mọi tin tức bên ngoài dội tới nơi họ đều bị chặn lại ở chân núi.
Thực tế, các chức dịch người Mán ở Lương Tàm, Đá Nhẩy (Trấn Yên) như Mo Khang, Mo Lạng, Mo Phin đã biết Việt Minh nổi dậy ở Đại Từ, Định Hóa, Thái Nguyên. Người Mán ở Nậm Búng, Nậm Lành (Văn Chấn) đã biết Việt Minh qua tù chính trị đã gặp ở Căng Nghĩa Lộ. Họ mừng vui vì sắp đổi đời. Rồi người Mán Yên Bái nhận được tập sách “Việt Minh tự Kinh” do đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) dịch ra tiếng Mán để huấn luyện chương trình Việt Minh. Tiếp đến là bài ca “Ta thết Phàn quấy” (Đánh đuổi giặc Pháp) phổ biến trong người Mán quần chẹt ở Yên Bái.
Sau mấy lần lính bảo an, lính Nhật kéo vào Chiến khu Vần bị thất bại, trong vùng đã xuất hiện các đội quân “Dao phát”, “Đội cung nỏ Mán Nga hoàng”.
Các đội vũ trang này tự giác xin theo lệnh chỉ huy của Việt Minh ở Chiến khu Vần. Đội tự vệ chống Nhật của người Mán Nga hoàng ở Lương Tàm (Trấn Yên), Đá Gân (Văn Chấn) do con cháu họ Triệu, họ Lý ra đời.
Sau đó, cùng đội “Cung nỏ” của Chiến khu Vần phụ trách tuần tra canh gác dọc đường 13, bảo vệ căn cứ cách mạng. Vùng xa xôi, Nậm Búng (Văn Chấn), cơ sở cách mạng của người Mán đỏ cũng ra đời, đứng đầu là Đặng Tiến Thăng. Lúc này, ở Lục Yên, người Mán đỏ Tân Phượng cũng đi theo Việt Minh. Khi quân giải phóng do đồng chí Nam Long, từ Việt Bắc tiến sang, người Mán đỏ, Mán trắng đã đưa đường, tiếp tế lương thực, thực phẩm. Khi đội quân cách mạng do Đội Anh, Lê Minh Bắc tiến lên thượng nguồn sông Chảy, lên Bắc Quang (Hà Giang), người Mán ở Tòng Lệnh, Trúc Lâu lại tiếp tục đưa đường, cung cấp lương ăn.
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền ở tỉnh Yên Bái, lớp lớp những chiến sĩ vượt lũ sông Hồng sang chiếm tỉnh lỵ có không ít các chiến sĩ người Mán. Sau khi giành được chính quyền, tưng bừng trong cuộc mít tinh giữa thị xã độc lập, có đội vũ trang cách mạng oai hùng, có cả đội “Cung nỏ Mán Nga hoàng”.
Dịp này, cụ Mo Lạng ở Khe Vôi đã ứng khẩu sáng tác bài ca: “Cách mạng thành công rồi/ Việt Minh đại thắng rồi/ Dân Việt Nam ta độc lập, tự do mãi mãi/ Người Mán ta không phải sống khổ cực như con hươu, con nai trong rừng…”.
Trần Cao Đàm
Các tin khác
YBĐT - Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2011, toà án nhân dân các cấp đã thụ lý 589 vụ việc về hôn nhân và gia đình, đã xử cho ly hôn và thuận tình ly hôn 373 vụ.
YBĐT - Với phương châm “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển”, những năm qua Đảng bộ - chính quyền xã Nà Hẩu luôn quan tâm tạo những điều kiện tốt nhất cho giáo dục, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương.
YBĐT - Hiền lành, chân chất trong bộ quần áo chàm Tày, ai nghĩ rằng con người ấy đã từng tay không cướp đồn giặc, giải phóng Lục Yên năm 1945. Ông là Hoàng Triều Cống - Tiểu đội trưởng đội du kích Cổ Văn ngày nào.
Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, ngày 19/8, các tỉnh miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác.