Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn: Nhiều việc phải làm

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/8/2011 | 3:10:56 PM

YBĐT - Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và VSMT nông thôn được triển khai nhiều năm nay, song công tác VSMT chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức, vốn đầu tư chủ yếu dành cho xây dựng công trình cấp nước, trong khi đó, tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh và tỷ lệ chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải còn rất thấp.

Một buổi truyền thông về VSMT tại thôn Bản Viềng, xã Sơn A, huyện Văn Chấn.
Một buổi truyền thông về VSMT tại thôn Bản Viềng, xã Sơn A, huyện Văn Chấn.

Trong chuyến công tác mới đây tại một xã vùng sâu, tôi không khỏi giật mình khi chứng kiến cảnh giờ ra chơi, các bé mẫu giáo kéo nhau đi vệ sinh ngay ở bãi đất trống gần dãy lớp học, bé đi sau giẫm lên chất thải của bé đi trước. Không nhà vệ sinh, không nước sạch để rửa tay, các em vẫn vô tư chơi đùa, vào học sau khi đã giải quyết xong “nỗi buồn”. Một cô giáo cho biết: Nhiều điểm trường ở vùng cao rơi vào tình trạng như thế, chỉ có chỗ cho các cháu ngồi học, chuyện nước sạch, công trình vệ sinh thì còn xa lắm...

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ của thực trạng mà chúng tôi muốn đưa ra để bạn đọc có thể hình dung được thực tế về vấn đề vệ sinh môi trường (VSMT) khu vực nông thôn Yên Bái. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và của Ban quản lý Dự án Phát triển thị trường vệ sinh (PTTTVS) tỉnh Yên Bái giai đoạn II (2011 - 2013) do Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh thực hiện, hết năm 2010, toàn tỉnh mới có khoảng 23,4% hộ gia đình có các loại nhà tiêu được coi là hợp vệ sinh, tỉ lệ này ở các địa phương trong tỉnh còn thấp hơn, ví dụ như huyện Văn Yên chỉ có khoảng 17% hộ gia đình có nhà tiêu đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế...

Điều kiện vệ sinh thấp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng Yên Bái phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe có liên quan đến nước và VSMT: 10% trẻ em dưới 5 tuổi bị mắc bệnh tiêu chảy, 83% mắc bệnh giun, 30,8% suy dinh dưỡng, 46% phụ nữ đi khám bị mắc bệnh phụ khoa...

Ông Phạm Văn Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, Trưởng Ban quản lý Dự án PTTTVS tại tỉnh Yên Bái nhận định: "Những năm qua, tình hình cấp nước sinh hoạt cho dân cư nông thôn được cải thiện rõ nét song vấn đề VSMT ở khu vực này chưa có biến chuyển lớn, còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và VSMT nông thôn đã đề ra"...

Qua tìm hiểu được biết, bên cạnh những nguyên nhân như điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, không có nguồn kinh phí, thì một nguyên nhân không nhỏ dẫn tới thực trạng nhà vệ sinh ở nông thôn còn bị bỏ ngỏ chính là người dân chưa quan tâm đến vấn đề VSMT, vệ sinh cá nhân, đặc biệt là việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Coi nhẹ "cái nhà tiêu" nên nhiều gia đình ở nông thôn hết năm này qua năm khác vẫn “hài lòng” với việc sử dụng nhà tiêu tạm bợ hoặc tận dụng “bìa rừng”, “bãi đất”, “chỏm đồi” làm nơi giải quyết nhu cầu bức thiết mỗi ngày.

Thậm chí có hộ, điều kiện kinh tế dư giả, nhà cửa khang trang nhưng nhà vệ sinh vẫn cứ “sơ sài” hoặc không hề có. Chưa có nhà vệ sinh và ý thức của người dân chưa cao nên việc đi vệ sinh bừa bãi dẫn tới ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho các dịch bệnh phát sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trong khi đó, với những công trình công cộng ở nông thôn như: trường học, trạm xá, nhiều nơi tuy có nhà tiêu nhưng sau một thời gian sử dụng bị xuống cấp, cùng với ý thức của người sử dụng chưa cao nên vô hình chung công trình vệ sinh trở thành... mất vệ sinh.

Thực tế, tại hầu hết các huyện vùng cao trong tỉnh, rất nhiều hộ dân chưa quan tâm đến việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và VSMT nông thôn cấp tỉnh. Hầu hết nhà tiêu của đồng bào chỉ được dựng tạm bợ làm ô nhiễm đất và nguồn nước, làm lây lan bệnh tật cho nhiều người, đặc biệt là trẻ em. Theo nghiên cứu của ngành y tế, bệnh tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp là hai nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi...

Hiện nay, gần một nửa số trẻ em ở khu vực nông thôn bị nhiễm các bệnh về giun sán - một bệnh có liên quan trực tiếp đến tình trạng vệ sinh yếu kém, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Để từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn, trước hết, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cần tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh với các tiêu chuẩn: không làm ô nhiễm môi trường và nguồn nước, không tạo chỗ cho ruồi, muỗi và các côn trùng khác sinh sống, không có mùi hôi thối, khó chịu, mỗi gia đình cần có một nhà tiêu hợp vệ sinh, trẻ em phải đi tiêu vào bô rồi đổ vào nhà tiêu.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nội dung, kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và VSMT giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp. Từ đó, làm cho việc sử dụng nước sạch, thực hiện VSMT và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trở thành thói quen thường xuyên đối với mọi người dân ở vùng nông thôn.

Thiên Cầm

Các tin khác

Vì sự ngưỡng mộ với GS Ngô Bảo Châu, ông Đào Hồng Tuyển (Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu) đã tặng biệt thự ven biển trị giá 3 triệu USD cho Viện nghiên cứu cao cấp về Toán.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố toàn cảnh nguyện vọng 2 của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước gồm chỉ tiêu, thông tin ngành học, điểm xét tuyển.

Hàng ngàn phạm nhân sẽ được đặc xá trong dịp này.

10.244 phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và 291 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được đặc xá trong dịp này.

YBĐT - Việc xây dựng mô hình điểm về thu gom rác thải vệ sinh môi trường nông thôn tại xã Nam Cường, thành phố Yên Bái đã giúp người dân thay đổi nhận thức, hành vi theo hướng tích cực, xây dựng nếp sống thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục