Bộ trưởng LĐTB&XH:: "Lương EVN 7,3 triệu không sống được": Phải xem lại!

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/11/2011 | 8:21:01 AM

Liên quan đến việc lãnh đạo EVN bày tỏ “đau lòng” trước việc nhân viên ngành mình lương “chỉ có” 7,3 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng LĐ- TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, "nói hơn 7 triệu mà không sống được thì cần xem lại".

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 22/11 về lương tối thiểu, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, nếu so sánh NLĐ khối hành chính sự nghiệp với lương tối thiểu 830 nghìn đồng, còn doanh nghiệp ở thành phố là 2 triệu đồng thì “đã có phần ưu tiên doanh nghiệp”.
 
Thưa bà, nhiều đại biểu cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng bảng lương trên cơ sở lương tối thiểu?

Như trong dự thảo luật đã trình ra Quốc hội thì đang có hai loại ý kiến: cần có thang bảng lương để bắt các doanh nghiệp xây dựng theo cái đó. Nhưng có ý kiến nói không cần vì “chúng tôi có khả năng thì chúng tôi sẽ vượt lên trên khung tối thiểu đó”.
 
Nhưng nếu không có cơ quan kiểm soát thang bảng lương của họ thì có sợ họ không đảm bảo được quyền lợi của NLĐ?
 
Chính vừa rồi tôi có nói, bản thân có bảng lương mà Doanh nghiệp không thực hiện thì mình phải kiểm soát, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài. Nên việc xây dựng mức lương tối thiểu bắt “anh” trả là cần thiết, còn nếu “anh” trả càng cao hơn càng tốt. Vì thế mà tôi nói Chính phủ sẽ chuẩn bị một luật lương tối thiểu trong nhiệm kỳ này.
 
Vừa qua EVN công bố mức lương trung bình của cán bộ công nhân EVN là 7,3 triệu và cho là rất thấp, bà thấy câu chuyện này như thế nào?

Nếu nói lương là 7,3 triệu mà không sống được thì không phù hợp với thực tiễn hiện nay, vì thực tế lương tối thiểu khối doanh nghiệp là 2 triệu, và mức đó thì là tạm ổn. Chứ mức 830 nghìn của khối công chức thì mới là khó khăn. Vì thế, nói hơn 7 triệu mà không sống được thì cần xem lại.
 
Vấn đề là, trong khi EVN nói họ đang lỗ trên 10.000 tỷ đồng mà trả lương như vậy thì có xứng đáng không, thưa bà?
 
Xứng đáng hay không thì tôi không bình luận. Nhưng tôi nghĩ bao giờ trả lương cũng phải phù hợp với hạch toán. Nếu “anh” không có lãi mà “anh” trả lương cao thì đó là điều khó chấp nhận.
 
Vậy phía bộ LLD-TB&XH, bà có yêu cầu kiểm tra lại vấn đề này hay không?
 
Trước mắt, chúng tôi có thể yêu cầu được và đó là cần xem lại “anh” trả lương cho NLĐ đã phù hợp với hoạt động kinh doanh của đơn vị hay chưa. Nếu bất hợp lý thì chúng tôi sẽ kiến nghị phải theo cơ chế hiện hành của Nhà nước. Đến nay, chúng tôi không phải chỉ có kế hoạch kiểm tra của ngành điện mà chúng tôi đã đi kiểm tra một số đơn vị về trả lương trên thang bảng và định mức. Kết quả là một số nơi chưa làm được.
 
Nhưng riêng với EVN thì Bộ đã có kế hoạch để tiến hành kiểm tra hay không, thưa bà?

Ngành điện chỉ mới công bố như vậy, nhưng trước mắt, nếu còn có ý kiến khác nhau thì chúng tôi phải đi kiểm tra.
 
Vâng, xin cảm ơn bà!

Liên quan đến vấn đề lương tối thiểu, thảo luận tại hội trường sáng 22/11, nhiều đại biểu cho rằng, mức lương tối thiểu đang quy định hiện nay là quá thấp.
 
Đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên):
“Chúng ta sai lầm ở chỗ chúng ta có một việc mà chúng ta phải tính, đó là xây dựng tiền lương tối thiểu quá thấp. Người sử dụng lao động căn cứ vào đó để xây dựng đơn giá tiền lương trên một đơn vị sản phẩm rất thấp, do đó NLĐ làm việc cật lực mà cũng chỉ hơn tiền lương tối thiểu một chút”
 
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá): Tôi nghĩ vấn đề quyết định của Bộ luật lao động của chúng ta để xác định làm sao tiền lương phải thực chất với tiền lương và nhà nước phải có vai trò quyết định trong việc xác định mức tiền lương tối thiểu phải gắn với mức sống tối thiểu thì mới có thể giải quyết được.
 
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước): Có rất nhiều doanh nghiệp lấy mức lương tối thiểu để làm mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, rất ít doanh nghiệp nâng cao mức lương tối thiểu so với mức lương quy định của nhà nước và cũng rất ít doanh nghiệp chia sẻ giá trị thặng dư nâng cao năng suất lao động cho NLĐ. Do đó, việc xác định mức lương tối thiểu là rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống của NLĐ. Lương tối thiểu xác định mức độ bóc lột của chủ sử dụng lao động, có tính đến các chính sách thu hút đầu tư của nhà nước…. Lương tối thiểu là mức lương thấp nhất trả cho NLĐ làm việc đơn giản nhất trong điều kiện bình thường, đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Với khái niệm như vậy, tôi không nhất trí với cụm từ "đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu". Nhu cầu sống tối thiểu thì nó luôn ổn định, đây là cách nghĩ và cách bảo vệ NLĐ trong điều kiện đời sống xã hội còn thấp, thu nhập ở mức dưới trung bình như vậy thì phù hợp. Nhưng nay nước ta đã có mức độ thu nhập trung bình thì cách đặt vấn đề như trên theo tôi không còn phù hợp nữa, mức lương tối thiểu phải là mức lương để cho NLĐ có thể tái sản xuất sức lao động và có tích lũy, thể hiện được mức sống trung bình của xã hội trong từng thời kỳ. Mặt khác, chúng ta cũng không nên đặt nặng vấn đề thu hút đầu tư mà giảm nhẹ đảm bảo yêu cầu đời sống lao động và ngày càng nâng cao mức thu nhập cho NLĐ.
 
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai): Vấn đề tiền lương và lương tối thiểu là nguyên nhân của tất cả những nguyên nhân xảy ra tranh chấp và đình công trong suốt thời gian vừa qua. Tiền lương các DN trả cho NLĐ, đặc biệt là các DN FDI người ta xoay quanh qua tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định, mà mức lương này lại không bám sát với thực tế của xã hội, không bám sát với giá cả của thị trường…Không nên hàng năm Chính phủ cứ ban hành lương tối thiểu như thế này. Chính phủ vừa mới nói thôi thì ở ngoài các chợ đã lên hết rồi, các bà bảo lương sắp tăng thì coi như tăng giá hết lên rồi. Cho nên khi người lao động lĩnh được tiền lương tăng lên thì tiền lương đó không sát với thực tế và không bù đắp với cái tăng ngoài thị trường.

(Theo VnMedia)

Các tin khác

Ngày 22-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có văn bản gửi giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc hướng dẫn thực hiện công bố dịch tay chân miệng (TCM).

Giờ thực hành tin học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.

YBĐT - Vào những ngày giữa tháng 11 năm nay, Khoa Giáo dục Mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái cùng lúc đón nhận 2 niềm vui: Kỷ niệm 50 Ngày thành lập Trường, và Khoa Giáo dục Mầm non bước sang tuổi 20.

Quỹ Thiện Tâm và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec (Tập đoàn Vingroup) triển khai chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em, người cao tuổi là người nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các gia đình liệt sĩ, các thương binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, người có công với cách mạng trong cả nước. Tổng số tiền dành cho chương trình này là 50 tỷ đồng.

Từ ngày 26/12/2011, các trường hợp tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông vào viện khi chưa xác định được tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông thì đều được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Nếu sau đó xác định được trường hợp này vi phạm luật giao thông thì người bệnh sẽ phải hoàn trả lại số tiền mà quỹ bảo hiểm đã chi trả trước đó.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục