Tự chủ về tổ chức và tài chính trong các trường học ở Văn Chấn: Bộc lộ những khó khăn

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/11/2011 | 9:03:38 AM

YBĐT - Sau 2 năm thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Quyết định số 13/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh Yên Bái về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập tại các trường học ở huyện Văn Chấn, bên cạnh những mặt tích cực đã bắt đầu nảy sinh những khó khăn, vướng mắc.

Giờ học ngoại khoá của học sinh Trường Mầm non xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn. (Ảnh: Quang Thiều)
Giờ học ngoại khoá của học sinh Trường Mầm non xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn. (Ảnh: Quang Thiều)

Những khó khăn, hạn chế

Hiện nay, toàn huyện Văn Chấn có 119 đơn vị trường học và cơ sở giáo dục khác với biên chế giáo viên được giao năm 2011 là 1.959 người. Theo ông Lê Quang Minh - Phó phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Văn Chấn thì Tự chủ về tổ chức và biên chế, các trường đã phát huy tính chủ động trong đề xuất về đội ngũ; tự quản lý, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng từ cán bộ quản lý đến giáo viên. Còn tự chủ về tài chính đã giúp các trường linh hoạt hơn trong sử dụng các nguồn kinh phí.

Đặc biệt, nguồn chi tiêu thường xuyên do các trường cân đối chi tiêu nội bộ hợp lý hơn nên đã tiết kiệm được một phần dành cho đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình nhỏ như: hàng rào, cổng trường, bếp ăn, tạo môi trường cảnh quan sư phạm… Tuy nhiên, qua thực hiện tự chủ tại các trường cũng đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc cũng như tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ.

Ở Văn Chấn hiện nay, nguồn cán bộ quản lý thiếu nhiều, đặc biệt đối với bậc học mầm non do những năm trước đây không tuyển biên chế, còn số biên chế cũ đã cao tuổi hoặc đào tạo chắp vá, không thể qui hoạch cán bộ quản lý. Không những vậy, tại các trường đang thiếu nhiều nhân viên trường học như: nhân viên văn phòng, thư viện, thiết bị, thí nghiệm.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm các công tác khác nên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. Hiện nay, các trường căn cứ vào Nghị định 116/2003/NĐ-CP để xác định người trúng tuyển chủ yếu dựa trên kết quả trung bình toàn khóa theo thang điểm 100 nhân hệ số 2 cộng điểm ưu tiên. Do vậy, các giáo viên có điểm trung bình toàn khóa cao thì cơ hội được tuyển dụng rất lớn trong khi thực tế hiện nay, giáo viên học các hệ tại chức thường có kết quả trung bình toàn khóa cao hơn hệ chính qui.

Mặt khác, việc ban hành quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc lần đầu, hợp đồng làm việc, bổ nhiệm chính thức vào ngạch căn cứ theo Nghị định 116 của Chính phủ, Công văn số 537/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ và Thông tư số 04/2007/TT-BNV của Bộ Nội vụ chưa được cụ thể hóa và thống nhất chung.

Căn cứ các qui định về quyền tự chủ thì việc tiếp nhận hồ sơ và phân công sinh viên mới ra trường do các cơ sở giáo dục thực hiện. Các cơ quan chức năng như Phòng Giáo dục - Đào tạo, Phòng Nội vụ chỉ tổng hợp, thẩm định trình UBND huyện giao chỉ tiêu hợp đồng chứ không giao con người cụ thể.

Do vậy, hiện nay, việc xem xét, tiếp nhận hồ sơ, lựa chọn giáo viên hợp đồng bảo đảm cả về số lượng, chất lượng đồng thời ưu tiên cho sinh viên diện chế độ chính sách, con em các dân tộc trong huyện và những giáo viên học trên chuẩn hệ chính qui tốt nghiệp loại khá, giỏi… gặp khó khăn. Vì các trường nhận giáo viên không thể có thông tin đầy đủ về nguồn sinh viên ra trường và ngược lại, sinh viên mới ra trường cũng thiếu thông tin trong việc liên hệ công tác, phải liên hệ nhiều trường.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là hiện nay, giáo viên hợp đồng tại các trường mới chỉ được hưởng 85% lương cơ bản theo trình độ đào tạo mà chưa được hưởng phụ cấp ưu đãi nên đời sống gặp nhiều khó khăn, chưa yên tâm công tác cũng như tâm huyết với nghề.

Các trường mầm non vùng 1 không được bổ sung thêm biên chế, nhiều trường chỉ có từ 3 đến 4 giáo viên trong biên chế, còn các giáo viên hợp đồng không yên tâm công tác vì không được tuyển dụng nên đều xin chuyển lên vùng cao. Nhiều trường mầm non không có nguồn giáo viên hợp đồng gây ảnh hưởng lớn đến thực hiện kế hoạch đạt chuẩn vì tỷ lệ giáo viên trên chuẩn, dạy giỏi, đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua… là một trong những tiêu chí về đội ngũ để xét công nhận trường chuẩn.

Đặc biệt, việc xây dựng cơ sở vật chất, thực hiện chế độ, chính sách đối với học sinh nghèo, học sinh bán trú chưa kịp thời đã làm ảnh hưởng đến việc duy trì tỷ lệ chuyên cần, nhất là bậc trung học cơ sở ở các trường vùng đặc biệt khó khăn, trường phổ thông dân tộc bán trú. 

Những tồn tại, hạn chế qua hai năm thực hiện quyền tự chủ đã bộc lộ. Nhiều cán bộ quản lý, kế toán các trường còn lúng túng, chưa có kinh nghiệm trong quản lý biên chế, ngân sách cũng như ban hành các loại văn bản, quyết định… Không ít cán bộ quản lý chưa thực sự chủ động và tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, còn né tránh, đổ lỗi và chưa có phương pháp quản lý, chỉ đạo sáng tạo, hiệu quả.

Tại một số trường, việc thực hiện qui trình hợp đồng, tuyển dụng, điều động, tiếp nhận chưa đúng qui định, chưa đảm bảo công khai, khách quan, dân chủ nên trong quá trình tổ chức thực hiện còn nảy sinh những thắc mắc, khiếu kiện. Việc thực hiện chế độ chính sách, nhất là với giáo viên hợp đồng ở một số trường chưa bảo đảm tính thống nhất và nhất quán về định mức chi trả các khoản phụ cấp.

Một tồn tại nữa là trong quá trình thực hiện việc phân cấp, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành giúp cho việc chỉ đạo, tổ chức triển khai và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm tính thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị trường học thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Do các trường thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm được giao biên chế và ngân sách ngay từ đầu năm, vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện còn nảy sinh những bất cập về đội ngũ và tài chính như thừa, thiếu đội ngũ và ngân sách cục bộ ở một số trường nhưng không được điều chỉnh kịp thời; chưa tạo được tính cân đối chung trong toàn ngành; ngành khó chủ động trong việc thực hiện việc bố trí, sắp xếp, luân chuyển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Đề xuất và kiến nghị

Từ những khó khăn, vướng mắc cũng như những tồn tại, hạn chế qua thực hiện tự chủ về tài chính và biên chế trong các trường học ở Văn Chấn, mong muốn các cấp xem xét, có cơ chế giải quyết cho giáo viên hợp đồng được hưởng một khoản trợ cấp bằng phụ cấp ưu đãi như giáo viên trong biên chế nhằm giảm bớt khó khăn, tránh sự chênh lệch quá lớn về chế độ tiền lương.

Các trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn, trường chuẩn hoặc đang trong lộ trình xây dựng trường chuẩn, trường phổ thông dân tộc bán trú đề nghị được hợp đồng nhân viên văn phòng, thư viện, nuôi dưỡng học sinh. Trong công tác tuyển dụng, tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể về qui trình tuyển dụng giáo viên, nhân viên để bảo đảm tính thống nhất chung trong toàn tỉnh.

Việc phê chuẩn chỉ tiêu biên chế hàng năm của Hội đồng nhân dân tỉnh được thực hiện đến từng trường nên trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có biến động về đội ngũ, các huyện rất khó điều chỉnh. Vì vậy, tỉnh nên giao tổng biên chế về các huyện để phòng giáo dục - đào tạo, phòng nội vụ căn cứ nhu cầu thực tế của các trường tổng hợp trình UBND huyện giao cho các trường theo qui định tại Nghị định 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ qui định trách nhiệm quản lý về giáo dục.

Nguồn kinh phí dành cho công tác thi đua, khen thưởng cho các trường cao, nguồn chi chung tại phòng giáo dục và đào tạo không đủ để đáp ứng theo qui định tại Nghị định 42 của Chính phủ. Do vậy, để bảo đảm mức tiền thưởng và chế độ ưu đãi cho các danh hiệu thi đua, khen thưởng, các trường chi từ nguồn ngân sách chi thường xuyên; nếu chi trong nguồn chi chung của phòng giáo dục - đào tạo thì đề nghị cần được cấp bổ sung theo tỷ lệ được qui định trong Nghị định 42 của Chính phủ. Đồng thời cũng cần chi trả kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, đặc biệt chế độ với học sinh nghèo, học sinh bán trú… để giúp cho giáo viên yên tâm công tác, học sinh bớt khó khăn, tránh tình trạng các em thiếu đói phải nghỉ học, bỏ học.

Hy vọng, những khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế qua hai năm thực hiện quyền tự chủ về tài chính và biên chế tại các trường học ở Văn Chấn sẽ sớm được tháo gỡ thông qua những đề xuất, kiến nghị từ cơ sở.

Đào Minh 

Các tin khác
Doanh nghiệp phỏng vấn người lao động tại Hội chợ lao động việc làm quận Long Biên.

Những tháng cuối năm là thời điểm nhiều doanh nghiệp săn tìm nguồn lao động, đặc biệt là lao động phổ thông (LĐPT). Nếu như năm 2010 chỉ có khoảng 40% nhu cầu tuyển dụng LĐPT thì năm nay con số đó tăng gấp đôi và có một thực tế là xu hướng lao động tự do đang tăng cao.

Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) và Tập đoàn Giáo dục UNET đã phối hợp sản xuất Bộ giáo trình môn Tự nhiên - xã hội bằng hình ảnh dành cho học sinh tiểu học “Skycare - khoa học sống động trong mắt em”.

Vẫn còn 1- 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến nước ta. Nửa cuối mùa đông này Bắc Bộ sẽ xảy ra khoảng 4 - 5 đợt rét đậm, rét hại nhưng không kéo dài. Chưa thấy dấu hiệu Việt Nam bị ảnh hưởng bởi hiện tượng La Nina.

Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, các CCB năm xưa tích cực tham gia phát triển kinh tế

YBĐT - Những tháng cuối năm 2011, các cấp Hội CCB Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Yên Bái tập trung khắc phục tồn tại, đề ra những giải pháp sát thực nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong năm 2011, xây dựng Hội trong sạch vững mạnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục