Tạo điều kiện cho học sinh tới lớp

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/12/2011 | 9:54:30 AM

YBĐT - Năm học 2011 - 2012, Trường THCS Phong Dụ Thượng (Văn Yên) được đổi tên thành Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Phong Dụ Thượng. Đây là một trong số những trường trên địa bàn huyện thực hiện tốt mô hình bán trú dân nuôi, tạo điều kiện cho học sinh vùng cao xa nhà theo học.

Các em học sinh tích cực trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn.
Các em học sinh tích cực trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn.

Phong Dụ Thượng là xã đặc biệt khó khăn có 11 thôn, bản thì 8 thôn, bản cách trường trung học cơ sở đến hơn chục ki-lô-mét. Từ năm 2009 trở về trước, hàng ngày, các em học sinh phải đi bộ, vượt đèo cao, suối sâu để tới trường học chữ. Quanh năm lo miếng cơm manh áo nên hầu hết người dân ở nơi này chưa quan tâm đến việc học tập của con em.

Tỷ lệ học sinh bỏ học, đi học thất thường theo đó diễn ra thường xuyên. Mặt khác, cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu, hạ tầng cơ sở phục vụ cho việc học tập, vui chơi của học sinh không bảo đảm. Nơi ăn chốn ở của cán bộ, giáo viên nhà trường cũng như nơi ở bán trú cho học sinh tạm bợ đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường.

Năm học 2010 - 2011, nhà trường được Nhà nước đầu tư xây nhà công vụ cho cán bộ, giáo viên; UBND huyện đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ 170 triệu đồng xây 4 phòng ở, 2 gian bếp và công trình vệ sinh cho học sinh bán trú. Tuy vậy, cơ sở vật chất của nhà trường vẫn rất khó khăn và thiếu thốn.

Năm học 2011 - 2012, nhà trường có 12 lớp học, trên 400 học sinh, trong đó 120 học sinh ở bán trú tại trường và 120 học sinh ở trọ nhà dân; có 99% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Xác định thực hiện tốt mô hình bán trú dân nuôi là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, Ban giám hiệu nhà trường đã vận động tập thể cán bộ, giáo viên phát huy nội lực để xây dựng cảnh quan sư phạm nhà trường, tạo môi trường giáo dục thực sự thân thiện; đẩy mạnh hoạt động văn nghệ, thể thao để thu hút học sinh tới trường và giúp các em hòa nhập, tích cực tham gia các hoạt động tập thể để vơi nỗi nhớ nhà.

Bên cạnh đó, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để xây dựng cảnh quan sư phạm nhà trường, lắp đặt đường điện, nước sạch sinh hoạt, cải tạo nơi ăn chốn ở cho học sinh bán trú, bê tông hóa sân chơi và xây 80m tường rào bao trường. Những đổi thay của nhà trường đã tác động đến nhận thức của nhân dân địa phương, giúp họ nhận thức rõ về sự cần thiết phải học tập và động viên con em tới lớp.

Chị Triệu Thị Dẫn ở thôn 8 Than Dẹt, phụ huynh của em Đặng Tòn Pú, học sinh lớp 8B tâm sự: “Nhà tôi cách trường gần 12 km, hoàn cảnh khó khăn, tuần nào có tiền thì cho con được mấy nghìn để xuống trường mua thức ăn, còn không có thì bảo cháu xuống trường nhờ các thầy, cô giáo. Tôi thấy cháu về kể chuyện, các thầy cô rất tốt, rất quan tâm đến học sinh. Xuống thăm thấy trường khang trang, con được ăn uống ngon hơn ở nhà, tôi vui lắm nên động viên cháu đi học đều, không giữ cháu ở nhà đi làm nương nữa”. 

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các giáo viên nhà trường đã nỗ lực làm tốt công tác quản lý học sinh và quan tâm, chia sẻ, dạy cho các em kỹ năng sống, hướng dẫn nề nếp sinh hoạt hàng ngày, thực hiện vệ sinh cá nhân. Ngay từ đầu năm, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, thành lập ban quản lý bán trú, phân công giáo viên phụ trách đỡ đầu các phòng bán trú để kiểm tra, hướng dẫn học sinh thực hiện nội qui bán trú; tổ chức nấu ăn, sinh hoạt tập thể cho học sinh tại trường; duy trì số lượng và nâng cao tỷ lệ chuyên cần nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Từ đầu năm học đến nay, nhà trường không có học sinh bỏ học, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt đồng thời đã có đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Đầu năm 2011, đội bóng đá của trường đoạt giải Nhất bóng đá thiếu niên học sinh THCS của huyện.

Ông Trần Hoài Sơn - Phó phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Văn Yên cho biết: “Xếp vị trí cuối cùng trong tổng số 29 trường THCS trên địa bàn huyện và xếp thứ 184/187 trường THCS của tỉnh Yên Bái thì từ năm học 2010 - 2011 đến nay, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Phong Dụ Thượng đã vươn lên 41 bậc, xếp thứ 143/187 trường THCS của tỉnh và tăng 4 bậc so với các trường THCS của huyện”.

 Hồng Vân

Các tin khác

Từ đêm 7/12, sẽ có thêm một đợt không khí lạnh tăng cường về nước ta, gây mưa rải rác. Các tỉnh vùng núi phía Bắc có nơi rét đậm.

Bánh phở Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản không chứa chất biến đổi gen.

Phía Nhật Bản đã điều chỉnh thông tin kiểm tra và công nhận bánh phở Việt Nam không chứa chất biến đổi gen GMO như thông báo trước đây.

Cô giáo Nguyễn Thị Quân trò chuyện với học sinh sau giờ học.

YBĐT - Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là người quản lý lớp, là đầu mối của một lớp học, hay là cầu nối giữa nhà trường và gia đình. Đằng sau những từ “quản lý”, “đầu mối”, “cầu nối” là những vất vả, khó khăn mỗi giáo viên chủ nhiệm phải gánh trên vai và cả những tình huống khó có thể tưởng tượng mà người GVCN chưa kể ra…

YBĐT - Địa bàn rộng nên tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) những năm qua tương đối phức tạp, nhất là tình trạng du canh, du cư, di dân tự do, đặc biệt là tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy luôn là nỗi bức xúc với người dân trong xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục