Về địa danh Pú Chạng ở Nghĩa Lộ

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/10/2012 | 2:18:37 PM

YBĐT - Ở thị xã Nghĩa Lộ có một khu vực triền núi thoai thoải và khá rộng có tên tiếng Thái là Pù Chang và chệch âm của tiếng Việt là Pú Chạng.

Thiếu nữ Thái Mường Lò.
Thiếu nữ Thái Mường Lò.

Khi Nghĩa Lộ được tách khỏi Văn Chấn để thành lập thị xã, địa phương cũng đã lấy địa danh này để đặt tên cho một phường ven triền núi này nhưng lại gọi là Pú Trạng. Theo tìm hiểu thì Pù Chang trong tiếng Thái có nghĩa là núi voi.

Vậy, trong lịch sử di cư về vùng đất này từ rất nhiều thế kỷ, vì sao người Thái lại gọi khu vực này là núi voi? Quan sát địa hình từ nhiều phía, không thấy triền núi này giống hình con voi đứng hay đang nằm phủ phục như những núi voi ở các địa phương khác. Phải chăng, đây là nơi có voi rừng sinh sống? Qua nghiên cứu cũng thấy vùng núi phía Tây Bắc không phải là nơi sinh sống lâu đời của voi vì đây là địa bàn núi cao cắt xẻ, mưa quanh năm, lạnh nên không thích hợp với môi trường sống tự nhiên của chúng.

Người dân ở đây đã lâu đời nhưng trong quá trình canh tác, thi công xây dựng chưa khi nào phát hiện ra xương voi vốn là xương loài vật đã phát hiện được hoá thạch hàng chục vạn năm hoặc không hoá thạch thì nó cũng tồn tại tới hàng nghìn năm. Văn hoá dân gian các dân tộc Tây Bắc cũng thấy chỉ hay nhắc đến các con vật như: trâu, chó, hổ, vượn, cáo, rắn… chứ không thấy liên quan đến hình ảnh của voi.

Sau khi tạm loại bỏ các yếu tố trên có liên quan đến địa danh Pù Chang, chúng tôi nghiêng về khả năng do đây là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Cần Vương cuối thế kỷ 19 và núi voi có liên quan đến sự kiện này. Phong trào Cần Vương ở vùng Tây Bắc được diễn ra từ năm 1885 do Nguyễn Quang Bích - Tuần phủ tỉnh Hưng Hoá và Nguyễn Văn Giáp (Bố Giáp)- Tuần  phủ tỉnh Sơn Tây chỉ huy. Ban đầu, nghĩa quân hoạt động chủ yếu ở vùng Tiên Động (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) sau khi thành Sơn Tây thất thủ vào tay quân Pháp vào ngày 16/12/1883 và thành Hưng Hoá thất thủ ngày 12/4/1884.

Nhiệm vụ của nghĩa quân là xây dựng lực lượng và phòng tuyến Thao - Đà để tạo mối liên hệ thông suốt với sơn phòng miền Trung liên kết với triều đình tính kế chống Pháp lâu dài. Đến khi có chiếu Cần Vương thì phong trào chống Pháp nổ ra rất mạnh mẽ nên quân Pháp liên tục tấn công căn cứ Tiên Động vào tháng 8 và tháng 11 năm 1886.

Tuy đều đẩy lùi được quân Pháp nhưng do vị chỉ huy cao nhất của phong trào là Quang Bích nhận nhiệm vụ triều đình đi sứ sang Trung Quốc thì Bố Giáp nhận thấy vùng Tiên Động đất hẹp khó phát triển lực lượng lâu dài nên phải tiến sâu lên vùng Văn Chấn để mở rộng ảnh hưởng ra khắp vùng Tây Bắc.

Quân Pháp tiếp tục khủng bố phong trào ở vùng Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Bàn và trong khi rút lên đây, nghĩa quân đã tổ chức nhiều trận đánh lớn như ở Tuần Quán (Trấn Yên), Đại Lịch (Văn Chấn) và đặc biệt là Bố Giáp đã chỉ huy đẩy lùi quân Pháp khi đánh vào Nghĩa Lộ. Tuy nhiên, trong trận đánh này Bố Giáp đã bị thương rồi ông mất tại Nghĩa Lộ cuối năm 1887.

Quá trình hoạt động ở Văn Chấn, thủ lĩnh Quang Bích, Bố Giáp có thể đã dựng đồn trên đồi Pú Chạng vì địa thế rất thuận lợi và sau này quân Pháp chiếm đóng cũng lập đồn tại đây. Các thủ lĩnh của nghĩa quân đã có mối quan hệ rất gắn bó với các chức sắc, dân chúng trong vùng nên mọi người nhất tề ủng hộ. Nhiều cụ già người Thái ở Nghĩa Lộ trước đây thường kể về cha ông mình đã từng đi theo Bố Giáp để đánh giặc và tiếc thương người thủ lĩnh này đã hy sinh anh dũng.

Trong hoạt động quân sự, đi lại ở vùng núi, ngoài sử dụng ngựa nghĩa quân còn có cả voi do triều Nguyễn bấy giờ trang bị cho các quan tuần phủ, tổng đốc. Bởi vậy, có thể voi đã được làm chuồng nhốt hoặc chăn thả ở gần bản doanh nên binh sỹ hay người dân lên đây xem thú lạ đã quen gọi khu này là Pù Chang. Sau này, Quang Bích cũng ốm nặng và bị địch truy sát gắt gao, ông đã cùng tuỳ tùng, thuộc tướng quay về Tiên Động rồi mất năm 1890 tại xã Xuân An (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ).

Đặc biệt, khi chủ tướng chết thì con voi gắn bó với ông cũng tỏ rõ sự buồn thảm rồi chết theo ông nên khu di tích Nguyễn Quang Bích ở Xuân An còn có cả địa danh gò Mả Voi.

Qua những thông tin nói trên, trở lại với địa danh Pú Chạng hay Pú Trạng ở Nghĩa Lộ trước đây đã có nhiều ý kiến cần thống nhất là Chạng (voi) hay Trạng trong nghĩa (trạng nguyên, trạng thái…). Bởi lẽ, sự chính xác của địa danh, ngôn ngữ không chỉ giải quyết đến vấn đề tên gọi thuần tuý mà nó còn phản ánh văn hoá bản điạ, bản chất ngôn ngữ và đặc biệt nếu liên quan đến sự kiện lịch sử thì nó còn là cơ sở để ghi nhớ, tôn vinh, tuyên truyền giáo dục lịch sử, lòng yêu nước với công chúng mọi thế hệ cả trong tương lai.

Cho nên, bài viết này mong muốn được giúp mọi người có cái nhìn đa chiều hơn về địa danh Pú Chạng hay Pú Trạng. Từ đó, chúng ta sẽ có được thái độ ứng xử đúng mức với một địa danh nằm ở một thị xã vừa xinh đẹp, vừa giàu bản sắc văn hoá lại có cả bề dày lịch sử oai hùng trong đấu tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế Bộ Y tế cho biết, cuối tuần qua Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo Đề án thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân.

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, đêm 29 và rạng sáng 30-9, một vùng áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) bất ngờ hình thành ở giữa vùng biển Trung bộ, thuộc phía Bắc quần đảo Trường Sa và đang phát triển nhanh thành một cơn bão có hướng di chuyển rất phức tạp.

Đồng chí Ngô Thị Chinh chung vui cùng các cháu thiếu nhi xã Việt Thành (Trấn Yên).

YBĐT - Đúng Tết trung thu (ngày 30/9), các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã rộ rã tổ chức Đêm hội trăng rằm cho thiếu niên nhi đồng. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã dự và chia vui, phá cỗ cùng các em.

YBĐT - Nhận thấy phong trào múa lân sư trong xã ngày một nở rộ, UBND xã Đại Đồng đã đứng ra tổ chức hội thi lân sư làm dịp cho các đội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm đồng thời cổ vũ, thúc đấy phong trào sinh hoạt văn hoá - văn nghệ dân gian tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục