Chiến thắng Nghĩa Lộ - quán triệt bài học “Quyết tâm” của Bác Hồ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/10/2012 | 3:36:39 PM

YBĐT - Nghĩa Lộ những ngày tháng Mười đầy náo nức, khí thế, nơi đây 60 năm về trước đã diễn ra sự kiện lịch sử mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân dân các dân tộc, đó là giải phóng Nghĩa Lộ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo phương án tác chiến đánh đồn Nghĩa Lộ năm 1952.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo phương án tác chiến đánh đồn Nghĩa Lộ năm 1952.

Trong những ngày này, chúng ta càng nhớ Bác, biết ơn Bác, với tài năng quân sự, tầm nhìn chiến lược và hơn cả là tình cảm tha thiết Người dành cho đồng bào các dân tộc vùng núi Tây Bắc, Người đã truyền đến cho cán bộ, chiến sĩ, dân quân, du kích nguồn sức mạnh lớn lao làm nên chiến thắng Nghĩa Lộ nói riêng, của dân tộc ta nói chung.

Đứng trên Khu di tích lịch sử văn hóa Căng – Đồn Nghĩa Lộ, quang cảnh thị xã hiền hòa với dòng chảy của một thị xã trẻ đang trong giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ. Tượng đài Chiến Thắng hiên ngang ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân ta.

Chính tại đây, thực dân Pháp đã cho xây dựng một hệ thống đồn bốt kiên cố nhằm án ngữ cửa ngõ Tây Bắc. Chúng bố trí nơi đây là phân khu quân sự mạnh nhất trong 4 phân khu của Pháp ở vùng Tây Bắc Việt Nam.

Đồn Nghĩa Lộ gồm hai cứ điểm: Cứ điểm Pú Trạng (Nghĩa Lộ đồi) là cứ điểm quan trọng, gồm 8 lô cốt, 15 ụ súng, với hệ thống hầm ngầm kiên cố, có 3 đến 4 hàng rào dây thép gai, xen kẽ là bãi mìn dày đặc, từ vị trí này địch có thể quan sát, khống chế toàn bộ khu vực thung lũng cánh đồng Mường Lò; Đồn Nghĩa Lộ phố là trại lính khố xanh nằm sát cánh đồng và khu dân cư với diện tích khoảng 2,5ha.

Hai cứ điểm ở vào thế ỷ tựa lẫn nhau, đều có công sự vững chắc. Bên cạnh đó chúng còn xây dựng một hệ thống đồn bốt lân cận và hệ thống sân bay, đường ngầm, lô cốt, ụ súng, trại lính... nhằm án ngữ đường vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của chiến trường phía Tây, Thu Đông 1952, Bộ chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Tây Bắc với trận mở màn là tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ. Bởi vì đây chính là cánh cửa thép miền Tây, đánh vào phân khu Nghĩa Lộ tức là đánh vào phân khu đầu não, phá tan phòng tuyến sông Đà, tạo thế và lực để quân ta tiến lên giải phóng Lai Châu và toàn bộ khu Tây Bắc. Trước khi tiến hành chiến dịch quan trọng này, ngày 09/9/1952, Bộ Tổng tư lệnh đã triệu tập Hội nghị cán bộ chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc.

Để động viên cán bộ, chiến sĩ, Bác Hồ đã đến dự Hội nghị và căn dặn: “Trung ương Đảng và Tổng quân ủy đã cân nhắc chỗ dễ và chỗ khó của chiến trường sắp đến và quyết tâm là chiến dịch này phải đánh cho thắng lợi… phải quyết tâm chiến đấu, quyết tâm khắc phục khó khăn... bất kỳ việc lớn hay nhỏ phải quyết tâm làm cho bằng được”.

Sâu sắc hơn Người còn nhắc nhở chiến sĩ : “Phải tranh thủ nhân dân để phá tan âm mưu “dùng người Việt trị người Việt” của địch. Đối với đồng bào thiểu số… phải làm thế nào khi mình đến đồng bào hoan nghênh, khi đóng quân đồng bào vui vẻ giúp đỡ, khi mình đi đồng bào quyến luyến”. Đấy chính là tinh thần đại đoàn kết dân tộc và làm được như thế đã “là một đại thắng lợi”. Kết thúc bài nói chuyện Người khẳng định: “Bây giờ quân ta nhiều, tướng mạnh, mọi người đều quyết tâm cho nên ta nhất định thắng lợi”.

Ngày 14/10/1952 chiến dịch Tây Bắc bắt đầu, quân ta tiêu diệt sinh lực địch ở Ca Vịnh, Sài Lương để mở đường số 13 vào Nghĩa Lộ. Ngày 17/10, hai Trung đoàn 102 và 88 thuộc Đại đoàn 308 từ đỉnh cao 1.500 đổ xuống tiến vào chiếm lĩnh trận địa xung quanh Nghĩa Lộ.

Kế hoạch của Đại đoàn giao cho Trung đoàn 102 tiêu diệt Pú Trạng trước, sau đó Trung đoàn 88 tiêu diệt Nghĩa Lộ phố trong cùng một đêm. Đúng 17 giờ 05 phút, lợi dụng sương mù, Trung đoàn Thủ đô nổ súng tấn công Pú Trạng theo 3 mũi: Tiểu đoàn 54 tấn công mũi chủ yếu từ hướng Bắc; Tiểu đoàn 18 mũi thứ yếu tấn công từ hướng Tây; tiểu đoàn 79 mũi thứ hai tấn công từ hướng Đông. Hỗ trợ chiến đấu còn có 2 đại đội của tiểu đoàn 322 thuộc Trung đoàn 88 tăng cường.

Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, sau 3 giờ 25 phút ta làm chủ cứ điểm Pú Trạng, tiêu diệt 400 tên địch, bắt sống 117 tên trong đó có tên quan tư Tiriông cùng toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng của địch.

Rạng sáng ngày 18/10, trên đà thắng lợi, trung đoàn 88 (Trung đoàn Tu Vũ) đánh đồn Nghĩa Lộ phố, sau hơn 2 giờ tấn công, ta tiêu diệt gần 100 tên địch, bắt sống 235 tên trong đó có tên đại úy Bácbe chỉ huy quân tăng viện, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của địch trong đó có 2 khẩu lựu pháo 105mm và hàng nghìn viên đạn pháo. Chiến lợi phẩm lựu pháo 105 đã được sử dụng và góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Có thể khẳng định, trận Nghĩa Lộ là một trận đánh ác liệt trong chiến dịch Tây Bắc, quân đội ta đã tiêu diệt một căn cứ quan trọng của địch. Giải phóng Nghĩa Lộ có ý nghĩa to lớn cả về mặt quân sự và chính trị: Không chỉ đập tan mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ sông Đà của địch, mở thông cửa ngõ Tây Bắc, nối liền căn cứ địa Việt Bắc, làm tiền đề thuận lợi cho các chiến dịch tiếp theo với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên phủ “Lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà còn động viên, khích lệ quân và dân ta ở các trận chiến đấu khác. Nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ từ đây được hưởng hoà bình thực sự.

Ngay sau khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi: “Bác được tin các chú, các cô thắng trận, bắt được nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí, giải phóng đồng bào và một phần đất đai Tây Bắc… Bác rất vui lòng”. Thật vui và sung sướng xiết bao, trong mọi thời điểm, lúc khó khăn, ác liệt trong chiến trận cũng như khi hưởng không khí phấn khởi vui mừng vì chiến thắng, vì hòa bình, bao giờ Bác Hồ cũng theo sát sẻ chia, động viên kịp thời.

Đó cũng chính là sức mạnh để đồng bào và chiến sĩ ta trong chiến dịch Tây Bắc lập thật nhiều chiến công dâng lên Bác.

60 năm qua, với một sự nỗ lực phi thường vượt lên mọi khó khăn thử thách, nhân dân Nghĩa Lộ đã giành được những thắng lợi to lớn trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Đứng trước những vận hội mới, thách thức mới, người dân Nghĩa Lộ tâm niệm một điều sẽ luôn sống làm sao cho xứng đáng với những thành quả cách mạng mà các thế hệ cha anh đi trước giành được những tình cảm, sự quan tâm và tình yêu bao la mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho nhân dân các dân tộc nơi đây.

Phạm Thị Duyên (Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái)

Các tin khác
Cán bộ y tế xã Khánh Hòa (Lục Yên) phát tờ rơi tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các bà mẹ.

YBĐT - Trong những năm qua, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, trong đó phải nói đến công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, bà mẹ sinh con nhỏ và trẻ em dưới 5 tuổi.

Thông tin thất thiệt về việc có đỉa trong sữa đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường sữa Việt Nam.

Ngày 24/9, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã có công văn khẳng định: Thông tin có đỉa trong sữa là tin đồn thất thiệt, nguy hiểm, mang tính phá hoại.

Đây là thông báo ngày 11/10 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thăm đồng bào dân tộc Khmer ở An Giang dịp lễ Sen Đôn Ta.

Ngày 11/10, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ do ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ làm trưởng đoàn đã đến thăm và tặng quà sư sãi, đồng bào Khmer tại tỉnh Sóc Trăng, nhân dịp lễ Sen Đôn Ta (lễ báo hiếu, cúng ông bà) của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục