Hòa giải cơ sở - thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng
- Cập nhật: Thứ tư, 24/10/2012 | 2:28:32 PM
YBĐT - Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 2.219 tổ hòa giải cơ sở với trên 10.870 tổ viên. Sau hơn 13 năm kể từ khi có Pháp lệnh Hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải trong toàn tỉnh đã hòa giải gần 21 ngàn vụ việc, trung bình mỗi năm trên 1.600 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành trung bình đạt trên 85% tổng số vụ việc.
Ban công an xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.
|
Các vụ việc hòa giải chủ yếu là mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình về quan niệm sống, lối sống, vụ việc tranh chấp nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đồng dân cư, trong đó chủ yếu là lĩnh vực hôn nhân gia đình, đất đai… Đối với các vụ việc vượt quá quyền hạn, đã hướng dẫn các đối tượng đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết.
Qua đó, góp phần giải quyết kịp thời, tại chỗ những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân, ngăn ngừa phát sinh tội phạm hình sự, tranh chấp phức tạp về dân sự và các vi phạm pháp luật khác, hạn chế đơn thư khiếu kiện của nhân dân; tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc của nhân dân; giữ gìn trật tự kỷ cương xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, phát huy dân chủ và thực hiện công bằng xã hội ở cơ sở.
Thời gian qua, Yên Bái đã xây dựng được đội ngũ hòa giải viên ở hầu khắp các thôn, bản, tổ dân phố. Các hòa giải viên ngày càng có kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết những tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư.
Hoạt động của các tổ hòa giải cơ sở còn góp phần hiệu quả vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, từng bước nâng cao ý thức sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật của nhân dân, từ đó giúp người dân hiểu và chấp hành đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, thông qua hoạt động hòa giải đã phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo và những điểm không phù hợp với thực tế của các văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, hoạt động của các tổ hòa giải cơ sở cũng gặp không ít khó khăn do cấp ủy, chính quyền một số địa phương thiếu sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên; sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ; đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, hướng dẫn hoạt động hòa giải tại cơ sở còn nhiều biến động, thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, đặc biệt ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; cơ quan tư pháp một số địa phương chưa kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp hướng dẫn, tổ chức hoạt động hòa giải; việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tài liệu tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên, tỷ lệ hòa giải viên qua tập huấn mới đạt 25%.
Bên cạnh đó, các tổ hòa giải ở cơ sở chủ yếu do nhân dân tự nguyện thành lập, bầu những người có uy tín tại khu dân cư vào các tổ hòa giải và chịu sự quản lý của Nhà nước nhưng các thành viên tổ hòa giải lại không được hưởng phụ cấp cho công tác này mà hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, do đó, Nhà nước cần sớm có chế độ phụ cấp đối với các hòa giải viên để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ hòa giải tại cơ sở.
Để tiếp tục nâng cao hoạt động của các tổ hòa giải cơ sở, góp phần phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo trật tự, an ninh ở địa phương, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải, thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên cơ sở, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trang bị tài liệu pháp luật cho hòa giải viên, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.
Trong đó, chú trọng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt của các câu lạc bộ, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương…
M.C
Các tin khác
YBĐT - Thiếu cơ sở vật chất nên việc dạy và học ở Ngọc Chấn, huyện Yên Bình (Yên Bái) gặp không ít khó khăn. Vì không có lớp học lên nhà trường chỉ huy động được 50% số trẻ trong độ tuổi đến lớp. Các cháu trong độ tuổi 3 - 4 tuổi phải học ghép một lớp. Các bé trong độ tuổi 4 tuổi vẫn học chương trình như các bé 3 tuổi và ngược lại.
Một áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão và di chuyển vào Biển Đông, trong khi thời tiết diễn biến xấu ở Nam Biển Đông và Nam Bộ, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.
YBĐT - Phan Thanh (Lục Yên) là một xã vùng 3, ven hồ Thác Bà, địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều, hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế. Do vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh quản lý trong lĩnh vực an ninh trật tự. Hàng năm, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" (TDBVANTQ) luôn thu được nhiều kết quả đáng mừng.