Những niềm vui bình dị

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/12/2012 | 2:57:13 PM

YBĐT - Họ là những người bất hạnh bởi không may mắc căn bệnh phong. Không ít người đã bị anh em ruột thịt ruồng bỏ và bị họ hàng, xóm làng xa lánh… Rất may là những điều đau khổ ấy giờ đã lui vào quá khứ. Đến thăm Khu điều trị bệnh phong thuộc xã Chấn Thịnh (Văn Chấn) tôi đã bắt gặp những ánh mắt vui tươi, những khuôn mặt rạng ngời...

Một buổi sinh hoạt tập thể của bệnh nhân phong.
Một buổi sinh hoạt tập thể của bệnh nhân phong.

Ấn tượng ban đầu là đường vào Khu điều trị phong Chấn Thịnh rất phong quang. Đi vài trăm mét sẽ thấy những ngôi nhà xây xinh xắn nằm ẩn dưới những tán cây ăn quả, bên trên là những nương chè được cắt tỉa ngay ngắn như từng con sóng lượn. Chắc chắn, nếu không có tấm biển chỉ dẫn "Khu điều trị phong Chấn Thịnh" ngoài tỉnh lộ thì hẳn chẳng ai biết đây là nơi quần tụ của những số phận đã một thời chịu sự đau khổ đến tột cùng.

Bác sỹ Đỗ Văn Việt - Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết, mặc dù bệnh phong đã được thanh toán nhưng tàn tật do di chứng thì vẫn còn. Đặc biệt, nếu không được chăm sóc, chữa trị tốt thì người bệnh sẽ tiếp tục tàn tật thêm. Đó chính là lý do của sự ra đời các trung tâm điều trị phong. Khu điều trị bệnh phong Chấn Thịnh được thành lập từ năm 1975.

Trải qua hơn 3 thập kỷ tồn tại, nó thực sự là chỗ dựa gần như duy nhất của những con người bất hạnh. Có lúc, số bệnh nhân lên đến vài chục người, hiện nay chỉ có 8 người. Dù ít, dù nhiều, những người bệnh ở đây luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự chăm sóc tận tình của các cán bộ y tế và tình yêu thương của những nhà hảo tâm bằng việc chu cấp cho mỗi người 1.050.000 đồng/tháng, cấp phát thuốc miễn phí, cấp phát quần áo, chăn màn, đồ dùng sinh hoạt...

Trong căn phòng ấm cúng, sạch sẽ, có bàn ghế, ti vi và cả chục bao thóc to, anh Trung hoan hỷ cho biết: "Năm nay, nhà mình được mùa các anh ạ. Vụ rồi thu khoảng 7, 8 tạ thóc, thế là đủ ăn. Mừng nhất là kè được cái ao bằng xi măng để thả cá, tết này thì chưa nhưng tết sau chắc chắn có cá ăn".

Chị Số - vợ anh Trung không khoe ao, khoe thóc mà khoe hai đứa con học rất khá, đứa lớn đang theo học Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh, con gái út học cấp II ở xã. Hàng chục tấm giấy khen của nhà trường khen ngợi thành tích học tập của hai con, anh chị treo ở vị trí trang trọng trên tường. Anh Trung đã cụt gần hết bàn tay nên khả năng lao động rất hạn chế. Mắc bệnh từ đầu những năm 80, chắc phải có tình yêu vô bờ bến thì chị Số - một người khỏe mạnh và lành lặn mới lấy anh làm chồng và theo anh về sống ở Khu điều trị phong Chấn Thịnh từ năm 1989. Thực tế là bệnh phong không dễ lây nhiễm mà rất dễ chữa khỏi. Trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến một năm và chỉ cần dùng thuốc đến hết ngày thứ 3 là người bệnh không còn khả năng lây nhiễm. Nhờ thế, chị Số và các con đều hoàn toàn khỏe mạnh.

 

Cấp chăn ấm cho bệnh nhân phong mới về khu điều trị.

Ở Khu điều trị phong Chấn Thịnh, một nhà có khách là cả khu vui vẻ. Thấy nhà anh Trung có nhà báo đến thăm, mấy bệnh nhân khác cũng chống gậy lần từng bước sang góp chuyện. Bà Nguyễn Thị Bé, 84 tuổi nói với chúng tôi, bà không nhớ rõ đã về sống ở khu này từ ngày nào, chỉ biết mình tên Bé, người Tày ở Bảo Yên và về đây trên 30 năm rồi.

Câu chuyện không liền mạch bởi tuổi bà đã cao nhưng tôi hiểu được bà muốn diễn tả rằng mình cô đơn nhưng không cô độc. Nhà nước đã cho tiền để duy trì cuộc sống, có nhà để ở, có đủ đồ dùng sinh hoạt, có những bạn già để trò chuyện vui vầy; ngày ngày được cán bộ hướng dẫn việc vệ sinh chân tay, chỉ bảo việc ăn ở sinh hoạt, tối đến ra nhà cộng đồng xem ti vi; ngày tết được tỉnh, được huyện đến thăm hỏi, tặng quà và mai đây khi nằm xuống được tổ chức ma chay chu đáo… "Thế là may mắn cho một người bệnh lắm rồi, tôi biết ơn Nhà nước, ơn cán bộ y tế nhiều lắm!" - bà Bé xúc động.

Ông Thịnh, 82 tuổi, nhà ngay bên xã Nghĩa Tâm mắc bệnh phong từ năm 1975 đã chữa khỏi từ lâu nhưng mấy năm qua, thấy các ngón tay, ngón chân rụng dần nên xin vào đây để điều trị. Tuổi cao, sức yếu lại thêm bệnh tật, việc tự sinh hoạt cũng rất khó khăn nhưng ở khu điều trị này, ông được chăm sóc đúng cách, được chu cấp tiền ăn, được phát thuốc miễn phí…

Vì thế, dù rất nhớ con, nhớ cháu, nhớ xóm làng, ông vẫn cắn răng chịu đựng, mong mình nhanh lành bệnh để được trở về. Nhận quần áo, chăn bông do cán bộ phát, ông Thịnh xúc động lắm. Ông bảo, tết này, ông còn nhớ nhà hơn nhưng được sự động viên, an ủi của các cấp lãnh đạo, của những nhà hảo tâm, ông cũng nguôi ngoai phần nào.

Những bệnh nhân phong như cụ Thịnh, cụ Bé, anh Trung và nhiều bệnh nhân khác đã nhận được sự chăm sóc tận tâm của những người thầy thuốc không chỉ với việc điều trị bệnh tật mà còn động viên, hướng dẫn ăn ở, đôi khi còn đi chợ và nấu ăn, bón cháo khi đau yếu… Hình ảnh bác sỹ Việt cởi chiếc áo ấm khoác lên người bệnh nhân lúc chia tay mặc cho tiết trời rét tê tái khiến ai cũng xúc động, rưng rưng...

Lê Phiên

Các tin khác
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển tại Hội nghị biểu dương phụ nữ ngành giáo dục Cần Thơ.

Sau năm 2015 sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau trên cơ sở một bộ chương trình chung. Các sách giáo khoa đều phải được Bộ phê duyệt thì mới có thể đưa vào sử dụng.

Truyền thông Luật phòng, chống Bạo lực gia đình cho giới trẻ tại phường Nguyễn Phúc thành phố Yên Bái.

YBĐT - Để công tác phòng, chống BLGĐ đạt được kết quả cao hơn nữa, thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục tổ chức khảo sát thực trạng gia đình, BLGĐ trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phân tích, đánh giá và thu thập thông tin, dữ liệu về gia đình và BLGĐ để làm căn cứ tổ chức triển khai kế hoạch hàng năm

Những đợt rét của mùa đông xuất hiện nhiều trước Tết Nguyên đán.

Cuối tháng 12, các đợt rét đậm với nhiệt độ trung bình ngày từ 15 độ C trở xuống bắt đầu xuất hiện. Từ nay đến Tết sẽ có khoảng 5-6 đợt rét.

Tổng số biên chế này không bao gồm biên chế thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và công chức cấp xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục