Thiệt thòi trẻ vùng cao
- Cập nhật: Thứ tư, 10/7/2013 | 2:38:32 PM
YBĐT - Mặc dù công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em (CSBVTE) thời gian qua đã được quan tâm chú trọng, song do đặc thù của huyện vùng cao với trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể còn thiếu thống nhất nên công tác CSBVTE ở huyện vùng cao này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Trẻ em vùng cao khá thiệt thòi rất cần sự quan tâm giúp đỡ của toàn xã hội.
|
Theo số liệu của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Mù Cang Chải, toàn huyện có 20.282 trẻ tuổi từ 0 - 16, chiếm gần 40% tổng dân số địa bàn. Trong đó: 757 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 632 trẻ mồ côi, 101 trẻ khuyết tật.
Trong ngôi nhà gỗ lụp xụp của gia đình anh Vàng A Chu và chị Lù Thị Dê thôn Háng Blaha B, xã Khao Mang không có vật gì đáng giá. Thấy người lạ, đám trẻ con nhà anh Chu trốn biệt.
Qua câu chuyện được biết, gia đình anh chị có tới 8 đứa con. Hỏi chuyện học hành, chị Dê chỉ cười và bảo rằng có chế độ Nhà nước cho các cháu đi học nhưng vì nhà xa, đông con nên các cháu học hành không đầy đủ. Hơn nữa, nhà nghèo chúng phải theo cha mẹ lên nương rẫy và phụ giúp trông em, vì thế, cứ học mãi mà chẳng xong. Việc bố mẹ vui chơi với con cái chưa bao giờ anh chị nghĩ đến bởi bao năm qua bọn trẻ được sinh ra, lớn lên theo quy luật tự nhiên đâu biết đòi hỏi điều gì.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Giàng A Vàng tâm sự: "Cuộc sống vùng cao bao năm qua vẫn vậy. Ở vùng thấp, ngày hè trẻ em còn có thời gian vui chơi sau một năm học vất vả, những gia đình có điều kiện thì cho con đi du lịch, nghỉ mát nhưng với trẻ em vùng cao, ngày hè đồng nghĩa với việc chúng phải ở nhà trông em, đứa lớn hơn thì theo cha mẹ lên nương rẫy làm mùa. Hè nào cũng vậy, chính quyền xã đều chỉ đạo cho Đoàn thanh niên phối hợp cùng Ban Văn hóa xã lên kế hoạch tiếp nhận học sinh từ các trường về tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè. Tuy nhiên, do địa hình vùng cao chủ yếu là đồi núi, thiếu các tụ điểm vui chơi, 10 thôn bản chưa thôn nào có nhà văn hóa, bởi thế nếu có sinh hoạt hè cũng không biết mượn ở đâu".
Rời Khao Mang, xuôi dốc về xã Mồ Dề, chúng tôi gặp mấy học sinh đang cười nói vui vẻ. Lại gần một cậu bé trong đám trẻ, tôi lân la hỏi chuyện. Cậu bé tên Giàng A Mùa, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Mồ Dề. Mùa cho biết, gia đình em có 5 anh em, Mùa là đứa thứ 3. Hàng ngày sau mỗi buổi học em cùng hai anh trai lớn phải lên nương phụ giúp bố mẹ trồng ngô, tra lúa và chăn trâu, còn đứa em của Mùa thì ở nhà trông em. Hè nào cũng vậy, thú vui nhất của Mùa và mấy bạn gần nhà là được đi chăn trâu và bẫy chim rồi chơi gì tùy thích. Hỏi chuyện vui chơi ngày hè, bé Sùng Thị Mào, học lớp 3, Trường Tiểu học Mồ Dề chỉ cười và bảo: "Ngoài việc trông em, chúng cháu tự chơi đùa và đi lội suối gần nhà".
Loay hoay mất gần 5 phút đồng hồ, Giàng A Hồng mới viết được tên mình ra giấy. Mặc dù em đã học tới lớp 4, không phải trong gia đình đông anh em nhưng Hồng là đứa thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em nên ngày hè em không phải theo mẹ nên nương mà chỉ ở nhà trông em. Hồng cho biết: "Hè nào em cũng tụ tập đám bạn gần nhà rồi để mấy đứa em nhỏ của mình lại một chỗ và tự tìm các trò chơi như trèo cây, đánh khăng hay rủ nhau đi tắm suối".
Ông Trịnh Tiến Bình - Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mù Cang Chải cho biết: "Với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND huyện về các hoạt động CSBVTE, đơn vị đã xây dựng kế hoạch hoạt động theo chủ đề từng năm. Trong đó, tập trung chủ yếu vào đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật và trẻ em mồ côi. Riêng trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2013, Phòng đã phối hợp với các ban, ngành của huyện tổ chức lễ phát động điểm tại xã Lao Chải nhằm mục đích tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, tuyên truyền các kiến thức về CSBVTE, các kỹ năng cho các gia đình về việc phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ, đồng thời huy động sự chung tay góp sức của toàn xã hội trong CSBVTE".
Trong lễ phát động điểm Tháng hành động vì trẻ em năm 2013, Mù Cang Chải đã vận động gần 10 triệu đồng giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, với đặc thù của huyện vùng cao, dân cư phân bố không tập trung, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, sự chung tay góp sức của các ban, ngành, đoàn thể trong CSBVTE chưa hiệu quả, bởi thế, trong tổng số 632 trẻ mồ côi và 24 trẻ lang thang mới có 100 trẻ được nhận trợ cấp 180 ngàn đồng/trẻ/tháng và 18 trẻ được làng SOS Việt Trì, tỉnh Phú Thọ tiếp nhận. Bên cạnh đó, các mô hình can thiệp, trợ giúp pháp lý, phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước... cũng mới triển khai duy nhất 1 mô hình Ngôi nhà an toàn ở xã Nậm Khắt năm 2012, bố trí sân chơi hay sinh hoạt hè cho các em vẫn chỉ là hô hào, hình thức. Bởi vậy, trẻ em ở huyện vùng cao này vẫn còn nhiều thiệt thòi và rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội.
Lê Thanh
Các tin khác
Nhằm khuyến khích phong trào đọc của toàn dân, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quyết định về Ngày Sách Việt Nam.
Khấu trừ vào lương hoặc tài khoản đối với người không nộp phạt vi phạm hành chính là biện pháp được đề xuất trong dự thảo Nghị định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính vừa được Bộ Công an công bố để lấy ý kiến.
Bộ Công an đề xuất, người đuổi vợ ra khỏi nhà vào ban đêm hay lúc trời mưa gió sẽ bị phạt từ 500.000 đến một triệu đồng; nếu thường xuyên lăng mạ, chì chiết mức tiền tăng thêm 500.000 đồng.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Theo đó, đối tượng 03 được bổ sung thêm quy định Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945…