Hôm nay, xử phúc thẩm Dương Tự Trọng và đồng phạm
- Cập nhật: Thứ năm, 22/5/2014 | 7:49:19 AM
Theo dự kiến, hôm nay (22/5), TAND tối cao mở phiên phúc thẩm xét xử Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc CATP Hải Phòng) và đồng phạm về tội danh “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Bị cáo Dương Tự Trọng tại phiên tòa sơ thẩm.
|
Trước đó, ngày 7-8/1/2014, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Theo cáo buộc của Viện kiểm sát, tháng 5/2012, khi cơ quan công an khởi tố bị can, khám xét, ra quyết định bắt tạm giam Dương Chí Dũng về hành vi "cố ý làm trái" trong vụ án tham ô tài sản tại Vinalines, Dương Tự Trọng và đồng phạm đã cấu kết tổ chức cho bị can Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài.
Dương Chí Dũng được đưa vào TP HCM, ra cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sang Campuchia rồi tới Singapore. Không xin được visa (thị thực) vào Mỹ, từ Singapore, Dương Chí Dũng quay lại Campuchia và ở tại đây gần 4 tháng, đến ngày 4/9/2012, bị can Dương Chí Dũng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Cụ thể, bản án sơ thẩm nêu rõ, chiều tối ngày 17/5/2012, Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) biết mình sắp bị bắt nên gọi điện cho em trai là Dương Tự Trọng biết việc này. Ngay sau đó, Dương Tự Trọng đã hướng dẫn cho anh trai trốn đến nhà bạn gái ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Sau đó, Dương Tự Trọng đã gọi Vũ Tiến Sơn, Hoàng Văn Thắng đến thông báo việc Dũng sẽ bị khởi tố, bắt giam và bày tỏ ý muốn tìm cách đưa Dũng đi trốn ở nước ngoài. Dương Chí Dũng được những đối tượng trên đưa đi Quảng Ninh nhằm trốn qua Trung Quốc. Nhưng sau đó lại thay đổi kế hoạch.
Để che giấu hành vi, Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn thống nhất giao cho Sơn liên lạc chỉ đạo. Sơn đã gọi điện cho Đồng Xuân Phong và Trần Văn Dũng là đối tượng giang hồ chuẩn bị xe và đưa Dương Chí Dũng vào TP Hồ Chí Minh. Tối ngày 23/5/2012, chúng đưa Dương Chí Dũng qua Campuchia theo đường tiểu ngạch.
Sau khi trốn sang Campuchia, Đồng Xuân Phong mua vé máy bay để cùng Dương Chí Dũng sang Singapore làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ. Tuy nhiên, Dương Chí Dũng không thể nhập cảnh vì có lệnh truy nã quốc tế của Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế nên phải quay trở lại Campuchia. Đến ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng đã bị cơ quan công an Việt Nam và Campuchia phối hợp bắt giữ.
Hành vi của các bị cáo được Hội đồng xét xử sơ thẩm đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, gây dư luận hoài nghi về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Nhà nước. Nếu không bắt được Dương Chí Dũng sẽ gây thất thoát khoản tiền tham ô lớn của Nhà nước. Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội một cách chặt chẽ, chính xác, dùng các thủ đoạn tinh vi nhằm tránh sự truy xét của cơ quan điều tra.
Mặc dù Dương Tự Trọng không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng Hội đồng xét xử sơ thẩm vẫn đủ cơ sở nhận định Dương Tự Trọng là người khởi xướng, chủ mưu, chỉ đạo và giao cho Vũ Tiến Sơn cùng các bị cáo khác tổ chức đưa anh trai mình trốn ra nước ngoài.
Do đó, kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Dương Tự Trọng 18 năm tù giam về tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài" với vai trò là kẻ chủ mưu.
Các bị cáo khác gồm Vũ Tiến Sơn (47 tuổi, nguyên Phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hải Phòng) lĩnh 13 năm tù; Hoàng Văn Thắng (43 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an thành phố Hải Phòng) lĩnh án 5 năm tù; Nguyễn Trọng Ánh (28 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hải Phòng) lĩnh 6 năm tù; Đồng Xuân Phong (39 tuổi, nguyên cán bộ Cục Hải quan thành phố Hải Phòng) lĩnh 7 năm tù; Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn,” 45 tuổi, ở Hạ Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng) lĩnh 8 năm tù; Phạm Minh Tuấn (52 tuổi, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng, Hải Phòng) lĩnh 5 năm tù.
Sau phiên tòa sơ thẩm, 6/7 bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, riêng bị cáo Hoàng Văn Thắng – cựu cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường (Công an TP Hải Phòng) không có đơn kháng cáo.
(Theo TPO)
Các tin khác
YBĐT - Đó là Nguyễn Thị Kim Liên sinh năm 1965, trú tại tổ 5A, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái là chủ quán cà phê Nhật Nguyệt và Trương Trọng Tuệ sinh năm 1968, trú tại tổ 44, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Cả hai bị cáo đều là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được việc chứa chấp, môi giới mua bán dâm là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện với mục đích vụ lợi.
Vụ việc hàng trăm công nhân Công ty TNHH giày Hông Fu và Công ty giày Hông Mỹ, đóng tại Khu công nghiệp và đô thị Hoàng Long, thành phố Thanh Hóa nhập viện với dấu hiệu chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, Công an Thanh Hóa đã vào cuộc điều tra.
Trong 800 người bị bắt giữ liên quan việc lợi dụng diễu hành phản đối Trung Quốc để gây rối, công an tỉnh Bình Dương đã xác định có gần 400 người phạm pháp hình sự.
YBĐT - Năm 2012, do cuộc sống khó khăn nên hai cháu Mai Thị L. sinh năm 1996 và Hoàng Thị G. sinh năm 1998 cùng sống ở xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) rủ nhau xuống thị trấn Mậu A để bán hàng giày, dép thuê cho gia đình chị Khanh.