Luật Trưng cầu ý dân: Khi người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/4/2016 | 3:08:59 PM

YBĐT - Xét dưới góc độ pháp lý, trưng cầu ý dân (TCYD) là một trong những cách thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể - đây chính là hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp.

Để người dân hiểu và chấp hành tốt các quy định của Luật TCYD, ngày 30/3/2016, UBND tỉnh Yên Bái đã có Kế hoạch số 52/KH-UBND để triển khai thi hành Luật trên phạm vi toàn tỉnh.

Thế nào là trưng cầu ý dân?

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã xem xét, thông qua Luật TCYD. Luật gồm có 8 chương với 52 điều luật cụ thể và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 sẽ kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước.

Theo Luật TCYD, TCYD là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của Luật này.

Mặc dù khái niệm TCYD là tương đối rõ ràng, song không phải không có sự nhầm lẫn giữa TCYD với việc lấy ý kiến nhân dân bởi cùng là hình thức để nhân dân phát huy quyền dân chủ trực tiếp tham gia, thể hiện ý kiến với Nhà nước. Tuy nhiên, giữa TCYD và lấy ý kiến nhân dân lại có sự khác nhau về nội dung, hình thức và giá trị pháp lý.

Về nội dung và phạm vi lấy ý kiến, vấn đề lấy ý kiến nhân dân có thể là các vấn đề ở mức độ, phạm vi khác nhau, đó có thể là vấn đề ở tầm quốc gia nhưng cũng có thể chỉ là các vấn đề liên quan đến một hoặc một số địa phương cụ thể. Còn vấn đề đưa ra TCYD là những vấn đề quan trọng của đất nước, có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc và phải do Quốc hội quyết định.

Luật TCYD quy định Quốc hội xem xét, quyết định TCYD về các vấn đề sau đây: toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Về hình thức, TCYD thực hiện theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, còn trong việc lấy ý kiến nhân dân thì các hình thức để người dân thể hiện ý chí thường linh hoạt hơn rất nhiều (có thể là bỏ phiếu, lấy ý kiến vào văn bản hoặc phát biểu trực tiếp tại các hội nghị, cuộc họp lấy ý kiến…).

Về giá trị pháp lý, kết quả TCYD có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra TCYD và có hiệu lực kể từ ngày công bố; mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả TCYD; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả TCYD còn kết quả lấy ý kiến nhân dân là cơ sở để cơ quan, tổ chức lấy ý kiến xem xét, quyết định.

Đối tượng của việc lấy ý kiến nhân dân có thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; trong khi đó, đối tượng TCYD chỉ gồm các cử tri. Luật quy định cử tri trong TCYD cơ bản thống nhất như cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, cụ thể là “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày TCYD có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức TCYD, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 25 của Luật này”.

Để cử tri có thể tham gia đông đảo vào việc bỏ phiếu TCYD cũng như điều kiện thời gian hợp lý cho việc tổ chức TCYD, Luật quy định: Ngày bỏ phiếu TCYD là ngày Chủ nhật, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu TCYD.

Ai là người có quyền đề nghị TCYD?

TCYD là hình thức quan trọng để thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân đã được quy định trong Hiến pháp. Để thống nhất với Luật Tổ chức Quốc hội và phù hợp với vị trí, chức năng, vai trò của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta, Luật TCYD quy định: chủ thể có quyền đề nghị TCYD bao gồm: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc TCYD.

Trong một số trường hợp thực tế khi cần thiết, có thể tổ chức TCYD lại. Đó là khi ở khu vực bỏ phiếu có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ kết quả bỏ phiếu TCYD và quyết định ngày bỏ phiếu lại ở khu vực bỏ phiếu. Ở khu vực bỏ phiếu có số lượng cử tri đi bỏ phiếu nhiều hay ít không là căn cứ dẫn đến việc phải hủy bỏ kết quả bỏ phiếu TCYD ở khu vực bỏ phiếu đó.

Người dân cần làm gì khi được TCYD?

Để cuộc TCYD được tiến hành dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật, kết quả cuộc TCYD phản ánh đúng thực chất ý chí, nguyện vọng của cử tri, đồng thời để phòng ngừa vi phạm có thể xảy ra, ngoài trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các cá nhân và công dân cần đề cao vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ công dân của mình; cần tìm hiểu kỹ về vấn đề được TCYD để đưa ra những ý kiến có giá trị; tham gia ý kiến với một tinh thần, thái độ hết sức khách quan, công tâm; biết đặt lợi ích của quốc gia, của dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân.

Ngoài ra, công dân cũng không được thực hiện các hành vi: tuyên truyền, đưa thông tin sai lệch về nội dung, ý nghĩa của việc TCYD; dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép, cản trở làm cho cử tri không thực hiện hoặc thực hiện việc bỏ phiếu TCYD trái với mong muốn của mình; giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả TCYD; lợi dụng việc TCYD để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân; vi phạm quy định về bỏ phiếu, kiểm phiếu TCYD bởi bất cứ hành vi vi phạm nào tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm đều sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngọc Khôi

Các tin khác

YBĐT - Vào hồi 13 giờ 30 phút, ngày 6/4/2016, huyện Trạm Tấu đã xảy ra cháy rừng tại khoảnh 7, Tiểu khu 586 và khoảnh 14, Tiểu khu 582 thuộc địa phận xã Bản Mù. Vụ cháy đã gây thiệt hại khoảng 6,3 ha diện tích rừng phòng hộ đã được giao khoán cho người dân và một phần chưa giao khoán; trong đó, 5 ha thuộc diện tích rừng phòng hộ tự nhiên và 1,3 ha rừng phòng hộ tái sinh.

Đối tượng bị bắt giữ.

Ngày 9.4, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP và lực lượng phòng chống tội phạm (PCTP) an ninh tỉnh Khăm Muộn (Lào) triệt phá thành công vụ vận chuyển 30 ngàn viên ma túy tổng hợp xuyên quốc gia.

Bị cáo Mùa A Phong trong phiên tòa xét xử lưu động tại xã Pá Hu (Trạm Tấu).

YBĐT - L.T.S: Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như kiến thức, hiểu biết pháp luật cho người dân, từ tháng 4/2016, Báo Yên Bái mở chuyên mục “Chuyện vụ án” đăng trên trang 8, tuần 1 và tuần 3 hàng tháng. Ban biên tập Báo Yên Bái rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý độc giả!

Các bị cáo tại phiên toà.

YBĐT- Sáng ngày 31/3, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái mở phiên tòa lưu động tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn để xét xử 3 bị cáo là Vàng A Lau, Vàng A Chờ, Tráng Thị Sào và Sồng A Chư trong vụ án mua bán trái phép ma túy lớn nhất Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục