Ngoài mức án với 2 cựu tướng công an và 90 bị cáo, Viện Kiểm sát nhân dân Phú Thọ cũng đề nghị 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone phải nộp lại hơn 100 tỉ đồng hưởng lợi từ đường dây đánh bạc.
|
|
Chiều 21-11, sau khi đề nghị mức án với 2 cựu tướng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa cùng các đồng phạm, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng nêu quan điểm về số tiền hơn 1.000 tỉ các nhà mạng hưởng lợi không chính đáng từ đường dây đánh bạc này.
Các nhà mạng thu lợi từ "văn bản cá biệt"
VKS nhận định việc các dịch vụ nội dung số sử dụng thẻ viễn thông đã vi phạm từ lâu chứ không phải đến game bài Rikvip mới sử dụng. Điều này được thể thiện qua các hợp đồng giữa công ty trung gian thanh toán với các nhà mạng.
Việc này là có sự đồng ý của Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) qua việc phê duyệt đề án cung cấp game G1.
Các nhà mạng đã có hợp đồng về việc gạch thẻ viễn thông thanh toán nội dung số từ những năm trước khi game Rikvip ra đời. Trong suốt thời gian này không có bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào kiểm tra ngăn chặn việc sử dụng thẻ viễn thông vào trong các dịch vụ nội dung số.
VKS nhận định sai phạm của doanh nghiệp viễn thông cho sử dụng thẻ cào vào nội dung số nói chung và game nói riêng là do văn bản cá biệt của Bộ TT-TT cho phép. Đây là cơ quan quản lý hành chính nhà nước có thẩm quyền cao nhất trong lĩnh vực viễn thông cho phép.
Do vậy về nguyên tắc muốn thu tiền của các doanh nghiệp viễn thông thì phải xử lý được cán bộ của Bộ TT-TT đã ra văn bản quản lý hành chính trái pháp luật.
Do vậy đối với các nhà mạng thì chỉ xử lý họ theo trách nhiệm dân sự là hưởng lợi không có căn cứ pháp lý.
Theo cáo trạng, các nhà mạng đã hưởng tổng cộng 1.232 tỉ đồng, trong đó Viettel hưởng 913 tỉ, VinaPhone 147 tỉ, MobiFone 171 tỉ.
Về số tiền thu lời bất chính của 3 nhà mạng, cáo trạng xác định hiện còn lại hơn 372 tỉ đồng phải truy thu, trong đó Viettel còn phải nộp lại 274 tỉ đồng; VNPT phải nộp lại hơn 60 tỉ đồng và MobiFone hơn 38 tỉ đồng.
Tuy nhiên sau khi tính toán lại, tại phiên tòa, VKS cho rằng các nhà mạng Viettel còn phải nộp lại hơn 106 tỉ; VNPT hơn 13 tỉ và MobiFone hơn hơn 15 tỉ.
Đối với các công ty trung gian thanh toán kết nối với CNC, không có công ty trung gian thanh toán nào thực hiện đúng quy định. Do vậy doanh thu của các công ty hưởng lợi từ đường dây đánh bạc phải tịch thu sung công quỹ sau trừ đi các khoản đã nộp ngân sách nhà nước.
Đối với 33 ngân hàng phát hành thẻ ATM hưởng lợi từ dịch vụ đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài Rikvip/Tip.club cũng cần phải truy nộp ngân sách nhà nước. Riêng Vietcombank tách ra giải quyết giai đoạn 2 vì chưa đủ dữ liệu tính toán truy thu của đơn vị này.
Nguyễn Văn Dương nói sẽ không kháng án
Sau khi đại diện VKS phát biểu xong bản luận tội với 92 bị cáo, tòa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương - chủ tịch HĐTV công ty CNC, một trong 2 "ông trùm" đường dây đánh bạc - được tự bào chữa.
Theo lời bị cáo Dương, sau khi được nghe VKS luận tội, bị cáo này xin chịu trách nhiệm theo đề nghị của cơ quan giữ quyền công tố. Dương bị đề nghị từ 11-13 năm tù cho 2 tội danh tổ chức đánh bạc và rửa tiền.
Tuy nhiên, theo lời bị cáo Dương, mức án đối với mình là cao nhất trong các bị cáo, có phần nghiêm khắc.
"Tôi biết hành vi của mình gây ra hậu quả lớn, làm ảnh hưởng tới uy tín của ngành công an. Tôi mong tòa xem xét cho tôi với tội tổ chức đánh bạc bởi mức án này gần như là khung hình phạt cao nhất. Xin tòa cho tôi được mức án phù hợp với sự khoan hồng, nhân văn của pháp luật", bị cáo Dương nói.
Trước khi dừng lời, bị cáo này nói dù bị tuyên mức án như nào, bị cáo cũng không thực hiện quyền kháng án với bản án sơ thẩm.
Bên cạnh đó, Nguyễn Văn Dương nhắn nhủ các doanh nghiệp, dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng nên hiểu biết và tuân thủ pháp luật, tránh bài học đau xót như của mình. |
(Theo TTO)
Lãnh đạo Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án hình sự của TAND tỉnh Thái Nguyên để điều tra lại vụ án xe container tông xe Innova lùi trên cao tốc khiến 4 người tử vong để điều tra lại.
Phiên tòa xử vụ đánh bạc ngàn tỷ chiều nay tiếp tục với phần luận tội của đại diện Viện Kiểm sát. Cựu Cục trưởng C50 bị đề nghị mức án 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù.
Sáng 21/11, Toa án nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ tuyên bố kết thúc phần xét hỏi trong phiên xử vụ đánh bạc nghìn tỷ trên mạng. Trước khi tranh luận, đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ được quyền nêu quan điểm và đưa ra mức án đề nghị.
Chiều 20/11, Hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hóa và đối chất với các bị cáo, người làm chứng trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng.