Điển hình như các vụ án: Cầm Văn Sáu (sinh năm 1974), trú tại thôn Nậm Cửa, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn dùng dao nhọn chém 14 nhát vào vợ là Lò Thị Xuân (sinh năm 1981) làm chị Xuân tử vong tại chỗ; Nguyễn Khắc Cường (sinh năm 1986) trú tại thôn Gò Bông, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên dùng dây giải rút quần siết cổ vợ là Phùng Thị Hồng (sinh năm 1992) làm chị Hồng tử vong tại chỗ.
Mới đây vào ngày 9/11, tại xã Tân Hợp, huyện Văn Yên xảy ra vụ án mạng, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân ban đầu nghi vấn do mâu thuẫn trong phân chia tài sản, Giang Văn Hoan (sinh năm 1964) đã chém chết vợ cũ là Nguyễn Thị Sảy (sinh năm 1976) sau đó treo cổ tự tử...
Từ các kết quả điều tra ban đầu cho thấy, nguyên nhân của các vụ giết người đều xuất phát từ những mâu thuẫn hay xung đột rất bình thường, có thể giải quyết bằng nhiều cách, nhưng kẻ thủ ác đã lựa chọn cách tàn bạo nhất.
Thực trạng này không chỉ gióng lên hồi chuông báo động về hành động giết người dã man mà còn thể hiện sự xuống cấp nghiêm trọng về mặt đạo đức, lối sống của một số đối tượng, gây bức xúc trong xã hội.
Chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu tu dưỡng, rèn luyện nhân cách đạo đức, thiếu kỹ năng sống nên khi gặp tình huống bất lợi, những kẻ giết người thường hành động theo bản năng, theo sự thúc đẩy từ nội tâm bên trong hơn là sự chi phối của nhận thức dẫn đến không làm chủ hành vi của mình. Do đó, việc tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật và trang bị kỹ năng sống cho mọi công dân là hết sức cần thiết.
Được biết, thời gian qua, ngành tư pháp và các tổ chức đoàn thể của tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi đối tượng người dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của môi trường xã hội, mặt trái của nền kinh tế thị trường, những tác động lệch chuẩn xuất phát từ sự bùng nổ công nghệ thông tin... khiến một bộ phận người dân vẫn chưa có ý thức tôn trọng pháp luật và thường xuyên vi phạm pháp luật.
Để góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân và tích cực đấu tranh với loại tội phạm giết người, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm giết người.
Các tổ chức đoàn thể cần phát huy vai trò "gần dân, sát dân”, xây dựng mối quan hệ cộng đồng gắn kết để loại trừ nguyên nhân xã hội của những vụ thảm sát, xây dựng và nhân rộng các mô hình cụ thể để can thiệp, ngăn chặn kịp thời và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tư pháp, bảo đảm các vụ án giết người phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, không để bỏ lọt tội phạm.
Lực lượng công an cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp với phòng ngừa xã hội nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; nhanh chóng truy bắt, điều tra làm rõ các vụ án giết người, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội và củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Hồng Oanh