Lính hình sự thành phố Yên Bái trong cuộc chiến với tội phạm lừa tiền qua mạng

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/9/2023 | 4:38:26 PM

YênBái - “Lấy công tác phòng ngừa làm chính, đồng thời để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm nguy hiểm này, cán bộ điều tra phải áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ mới tìm ra manh mối của tội phạm – Nữ Trung úy Nông Thị Hằng cho biết.

Cảnh sát hình sự thành phố Yên Bái phối hợp với cán bộ Kiểm sát trong quá trình điều tra vụ án.
Cảnh sát hình sự thành phố Yên Bái phối hợp với cán bộ Kiểm sát trong quá trình điều tra vụ án.

Nhận diện

Hiện nay, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, các chiêu trò hấp dẫn. Một số phương thức, thủ đoạn phổ biến như: giả danh lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án các cấp, gọi điện và thông báo cho bị hại đang bị điều tra hoặc có liên quan đến một vụ án hình sự, ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia; giả danh nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước, dọa cắt điện; giả danh cảnh sát giao thông phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn nhằm gây sức ép, dọa nạt làm người dân hoang mang; làm giả lệnh bắt tạm giam, quyết định khởi tố bị can để đe dọa nạn nhân, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra, chứng minh số tiền của bị hại có liên quan đến tội phạm hay không. 

Bị hại lo sợ, hoang mang nên chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng lừa đảo cung cấp hoặc tài khoản do mình tạo ra rồi cung cấp mã OTP cho đối tượng, sau đó bị chiếm đoạt số tiền trên.


Phương thức, thủ đoạn tiếp theo là giả vờ yêu đương, gửi/ nhận quà từ nước ngoài. Đối tượng kết bạn qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber, Telegram giới thiệu là người nước ngoài, quân nhân, doanh nhân thành đạt đang công tác nước ngoài làm quen với bị hại, "giả vờ" yêu đương, hứa hẹn tặng quà giá trị cao như vàng, kim cương, USD cho bị hại. 

Đồng thời, đối tượng bố trí các đối tượng khác giả danh nhân viên sân bay, hải quan, bưu điện, thuế... liên lạc với bị hại thông báo quà, tiền, hàng hóa đã chuyển về Việt Nam, yêu cầu bị hại phải nộp các phí dịch vụ, phí hải quan, thuế... để được nhận quà, tiền, hàng hóa từ nước ngoài gửi về vào số tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp, sau đó ngắt liên lạc, chiếm đoạt tiền của bị hại. Các đối tượng "hack” (chiếm quyền truy cập) các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo; sau đó nhắn tin mượn tiền, nhờ chuyển tiền hộ... 

Khi bị hại gọi video qua Facebook, Zalo xác minh thì chúng làm cho hình ảnh bị mờ, nhiễu, chất lượng âm thanh không rõ rồi tắt máy với lý do mạng yếu hoặc bận làm việc. Từ đó đánh vào lòng tin của bị hại và chiếm đoạt tài sản. 

Với các thủ đoạn tinh vi này, số lượng các nạn nhân trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng gia tăng. Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thường thực hiện có tổ chức, đường dây xuyên tỉnh, xuyên quốc gia; thường có trụ sở ở nước ngoài, gây khó khăn trong công tác xác minh, điều tra, xử lý của cơ quan công an. 

Đồng thời, các đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua việc "thuê" hoặc "mua" thông tin cá nhân của người khác để mở tài khoản ngân hàng, đăng ký số thuê bao..., sau đó sử dụng số tài khoản và số thuê bao đó để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của bị hại, gây khó khăn rất lớn trong quá trình điều tra, xác minh của cơ quan công an.

Phòng ngừa là chính...

Trung tá Lê Quang Minh - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Yên Bái chia sẻ: Đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là rất khó khăn, nhiều vụ án để lại hậu quả nặng nề, số tiền mà kẻ gian chiếm đoạt của người dân là không nhỏ.

Để phòng chống loại tội phạm này, những năm qua, lực lượng công an đã phối hợp rất tốt với các cơ quan truyền thông, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, cá nhân đẩy mạnh việc tuyên truyền chính sách, pháp luật, những thủ đoạn của bọn tội phạm, đề cao cảnh giác, tự phòng, tự quản; tích cực đấu tranh tố giác các hành vi vi phạm pháp luật… 

Mặc dù vậy, kết quả đạt được chưa thực sự như mong muốn, nhiều vụ lừa đảo vẫn diễn ra, số nạn nhân, số tiền bị lừa đảo vẫn gia tăng.

Để làm tốt công tác phòng ngừa với loại hình tội phạm này, người dân và các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân nhận biết rõ các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là trên không gian mạng; đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó. 

Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo rao bán và hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. 

Để tránh rủi ro, người mua hàng cần trực tiếp đến cửa hàng hoặc địa chỉ người bán, kiểm tra hàng hóa trước khi mua. Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Thận trọng kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.

Đồng thời có biện pháp bảo vệ các tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân để tránh bị các đối tượng lợi dụng, chiếm đoạt. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: căn cước công dân/ giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. 

Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại người quen, bạn bè nhờ mua thẻ điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ, người dân cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin trước khi chuyển tiền theo yêu cầu. Không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cho người khác, đặc biệt với những đối tượng không quen biết.

Khi phát hiện đối tượng có hành vi mua, thuê người khác mở tài khoản ngân hàng cần báo ngay cho cơ quan công an để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

... Và đấu tranh hiệu quả

"Lấy công tác phòng ngừa làm chính, đồng thời để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm nguy hiểm này, cán bộ điều tra phải áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ mới tìm ra manh mối của tội phạm Trung úy Nông Thị Hằng, Đội cảnh sát hình sự, Công an thành phố cho biết.

Dẫn giải đối tượng Phan Minh Đại về Công an thành phố phục vụ công tác điều tra. 

Bằng ý chí và lòng quyết tâm, thời gian qua, lực lượng cảnh sát hình sự Công an thành phố Yên Bái đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm về trật tự xã hội, phối hợp hiệu quả với các đơn vị bạn góp phần kéo giảm số vụ vi phạm pháp luật trên địa bàn, bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân. 

Trên lĩnh vực đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, nhiều vụ án khó khăn, phức tạp đã được lực lượng cảnh sát hình sự đấu tranh triệt phá. Điển hình như vụ án Thái Văn Đại, sinh năm 2022, thường trú tại Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. 

Để có tiền tiêu xài, Đại đã lập Facebook ảo, nhờ người mở tài khoản vài giao bán mỹ phẩm, bán tủ lạnh, nhận đưa người bị lừa bán sang Campuchia về nước… trên mạng xã hội. Khi khách hàng tin tưởng, đặt hàng, chuyển tiền… thì Đại cúp máy và chiếm đoạt. Bằng phương thức này, Thái Văn Đại đã chiếm đoạt của nhiều người số tiền lớn. 

Vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại tổ 1, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, đối tượng là Phan Minh Đại, sinh năm 1998, thường trú tại Dân Tiến, Võ Nhai, Thái Nguyên. Do nghiện ma túy, lười lao động và để có tiền tiêu xài, Đại đã lập tài khoản Facebook ảo, nhờ người mở tài khoản, mua sim điện thoại rác rồi quảng cáo bán mỹ phẩm xách tay Mỹ, Nhật, Đức, Hàn Quốc… trên mạng xã hội, khi các khách hàng tin tưởng, đặt mua, chuyển tiền thì Đại cũng cắt liên lạc và chiếm đoạt tiền…

Mới đây nhất, lực lượng cảnh sát hình sự Công an thành phố đã bắt giữ đối tượng Huỳnh Phương Vỹ, trú tại Tạ An Khương, Đầm Dơi, Cà Mau về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội. Khương đã chiếm đoạt tiền của một công dân trú tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng còn làm rõ thêm hành vi "Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” của Huỳnh Phương Vỹ.

Thượng tá Nguyễn Tiến Đỗ - Trưởng Công an thành phố Yên Bái chia sẻ: "Thành tích của lực lượng hình sự rất đáng biểu dương. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác phòng ngừa và mong muốn người dân để cao ý thức cảnh giác, không vi phạm phạm pháp luật, không mắc mưu kẻ xấu".

Lê Phiên  - Nông Thị Hằng

Tags Lính hình sự thành phố Yên Bái cuộc chiến chiếm đoạt tài sản không gian mạng lừa tiền qua mạng

Các tin khác
Ảnh minh họa

Trong khi các hành vi lừa đảo qua mạng xã hội và điện thoại vẫn tiếp tục diễn ra thì mới đây lại xuất hiện hình thức lừa đảo mới mang tên: lừa đảo người bị lừa đảo.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) thi hành lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Đăng Khoa và Phan Văn Đức.

Lê Đăng Khoa thu nhận thông tin của các sinh viên có nhu cầu làm giả văn bằng, chứng chỉ, rồi gửi thông tin cho Phan Văn Đức để Đức nhờ một đối tượng khác (chưa rõ nhân thân lại lịch) làm giả.

Quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng tràn lan trên mạng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) khẳng định sẽ có chế tài xử lý với các nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng sai lệch do nghệ sĩ thực hiện.

Khu vực xảy ra án mạng.

Người bố đã dùng dao chém con gái tử vong do mâu thuẫn bột phát.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục