“Việc nhẹ, lương cao” - địa ngục nơi xứ người

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/5/2024 | 1:30:30 PM

YênBái - Một trong số 6 nam thanh niên vừa thoát khỏi "địa ngục" "việc nhẹ, lương cao" tại Cam pu chia và chạy trốn về Việt Nam vừa được Tổ tuần tra của Trạm Kiểm soát Biên phòng 314, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên phát hiện là người xã Lang Thíp, huyện Văn Yên.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên tặng quần áo cho 6 người nhập cảnh trái phép.
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên tặng quần áo cho 6 người nhập cảnh trái phép.

Địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, BĐBP Kiên Giang quản lý có đường biên giới trên đất liền dài hơn 14km, tiếp giáp với huyện Kampong Trach, tỉnh Kampot (Vương quốc Campuchia), có cột mốc 314 (cột mốc có số thứ tự cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia); khu vực bờ biển dài khoảng 21,5km và vùng biển rộng hàng trăm km2. Trên đoạn biên giới hiện nay vẫn đang duy trì 17 chốt phòng chống buôn lậu và xuất, nhập cảnh trái phép.

Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết: Do đặc thù tuyến biên giới Hà Tiên là đồng bằng, nhân dân hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia thường xuyên qua lại để lao động sản xuất, thăm thân, làm ăn, mua bán..., do đó, tình trạng xuất nhập cảnh, qua lại biên giới trái phép gia tăng và diễn biến phức tạp. Từ đó đã hình thành các đường dây, tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, gây khó khăn không nhỏ cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý biên giới, phòng chống các loại tội phạm.


Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 4/2024, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã ra 153 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó, 90 quyết định về hành vi "Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định"; 63 quyết định có hành vi "Không xuất trình hộ chiếu khi cơ quan, người có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu". Đã tống đạt và phạt tổng số tiền trên 400 triệu đồng; tiếp nhận 6 lượt trao trả 291 công dân từ Đồn Công an cửa khẩu quốc tế Preak Chak, Campuchia; 5 vụ/5 đối tượng có hành vi "Qua lại biên giới quốc gia không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định"; khởi tố 3 vụ/2 đối tượng tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, bàn giao công an địa phương điều tra, xử lý.

Điển hình, vào lúc 6 giờ 55 phút, ngày 10/4, tại khu vực mốc 314 (thuộc tổ 10, khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), Tổ tuần tra của Trạm Kiểm soát Biên phòng 314, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên phát hiện có 6 nam giới đi từ phía Campuchia vào khu vực mốc 314, trên người dính nhiều bùn đất, chỉ mặc quần cộc. Tổ tuần tra đưa cả 6 người về đơn vị để tiến hành làm việc theo quy định của pháp luật.

Qua làm việc, cả 6 người đều khai báo là người Việt Nam, xuất cảnh trái phép sang Campuchia qua tuyển dụng từ các trang mạng xã hội từ nhiều tháng trước vì nhẹ dạ tin theo chiêu bài "việc nhẹ, lương cao”. Cả 6 người này đều làm việc tại một casino bên Campuchia. Công việc chính là sử dụng các App trên không gian mạng để lừa đảo, do không đạt chỉ tiêu nên thường xuyên bị đánh đập và đe dọa bán sang các casino khác. Vì vậy, 6 người này đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc và chạy về Việt Nam.

6 người gồm Kiều Việt Hoàng, sinh năm 2005, trú tại thôn Nghĩa Giang, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; Lưu Xuân Dương, sinh năm 1997, trú tại thôn Hương Ngãi, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc; Vy Quốc Khánh, sinh năm 2006, trú tại xóm Thơ, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; Nguyễn Văn Giàu, sinh năm 2010, trú tại số 65, đường Ngô Chí Quốc, phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Luận, sinh năm 1999, trú tại thôn Đạo Nội, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc và Đặng Hoàng Phi An, sinh năm 2006, trú tại khu phố An Hội, phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Kiều Việt Hoàng bị thương ở vai được quân y Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên chăm sóc. 

Kiều Việt Hoàng kể lại: Khoảng tháng 11/2023, khi đang làm việc ở cơ sở sản xuất gỗ tại tỉnh Yên Bái, lướt Facebook thì làm quen một người có nick Facebook "Hùng” (không rõ lai lịch, địa chỉ), giới thiệu công việc bốc vác tại khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, lương 20 triệu đồng/tháng. Qua liên hệ, trao đổi trên messenger, Hoàng thấy hấp dẫn nên đồng ý đi làm. Hoàng bỏ xưởng gỗ, một mình đi xe khách từ bến xe nước ngầm (thành phố Hà Nội) đến bến xe Miền Đông (thành phố Hồ Chí Minh) và được họ hướng dẫn có xe taxi đón lên tỉnh Tây Ninh làm việc.

Ngày 1/12/2023, Hoàng được đưa đến khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Sau đó, có 2 chiếc xe máy do 2 người đàn ông (không rõ lai lịch, địa chỉ) chở qua biên giới Việt Nam - Campuchia bằng đường mòn, không làm thủ tục xuất cảnh. Khi sang đến Campuchia thì được đưa đến một chiếc xe ô tô đón sẵn; khi lên xe ô tô thì trên xe có đã 4 người, sau đó, họ đóng cửa và đánh đập, đe dọa rồi đưa đến công ty tại Campuchia (không rõ tên, địa chỉ).

Nói về công việc, Kiều Việt Hoàng cho biết: "Ngày 5/12/2023, tôi bắt đầu làm việc tại Campuchia, công việc là tạo Facebook ảo để lừa tiền. Làm được khoảng 3 tháng, nhưng tôi chưa nhận được tiền lương. Trong quá trình làm việc, tôi cũng chưa lừa được người nào nên bị công ty đưa vào phòng tối đánh đập, tổng cộng khoảng 11 lần. Do áp lực công việc và bị đánh đập thường xuyên nên tôi tìm cách trốn về Việt Nam. Vì vậy, đến khoảng 1 giờ sáng ngày 10/4/2024, lợi dụng việc bảo vệ công ty mất cảnh giác, tôi cùng 5 người khác làm chung công ty đã nhảy qua tường rào, lội bộ đường sình lầy, nhắm về phía Việt Nam mà chạy. Đến gần sáng, chúng tôi đều lả mệt, thì BĐBP Việt Nam phát hiện ra chúng tôi, kiểm tra không có giấy tờ tùy thân nên mời về Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên".

"Trong khi trốn chạy phải băng qua các kênh rạch, rừng cây, nên cả 6 anh em chúng tôi đều bỏ bớt quần áo dài, giầy dép cho nhẹ, nên trên người có nhiều vết trầy xước, tôi bị thương ở vai và mắt. Mất hết tất cả, thậm chí, quần áo không còn để mặc. Biết là nhập cảnh trái phép, vi phạm pháp luật, nhưng chúng tôi may mắn được quay về quê hương, thoát khỏi "địa ngục nơi xứ người” - Kiều Việt Hoàng bộc bạch.

Thượng tá Nguyễn Văn Tùng cho biết: "Khi tổ công tác đưa 6 người về đơn vị, trước tiên, chúng tôi cho họ vệ sinh, ăn uống và chăm sóc sức khỏe. Sau đó, phân công quân y đơn vị đưa người bị thương ở vai và mắt đến cơ sở y tế trên địa bàn để kiểm tra và băng bó vết thương. Khi sức khỏe của họ đã ổn định, đơn vị tiến hành các bước theo chức năng, nhiệm vụ của BĐBP và hoàn chỉnh hồ sơ, tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, các công dân trên đã có hành vi vi phạm hành chính "Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục nhập cảnh theo quy định của pháp luật” được quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ”.

Nói về cuộc sống, công việc của những người Việt Nam bị lừa đưa qua nước ngoài làm việc, Thượng tá Nguyễn Văn Tùng cho biết, sau khi công dân Việt Nam được đưa ra nước ngoài, họ sẽ được bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt và làm việc tại các khu biệt lập, có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ, cắt liên lạc với gia đình, người thân, bị thu giữ hộ chiếu, ép buộc ký hợp đồng lao động và cưỡng bức làm việc, nếu muốn nghỉ việc sẽ phải đền bù một số tiền lớn.

"Người dân cần tìm hiểu kỹ, nâng cao nhận thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh; nếu có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài cần liên hệ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để được tư vấn, hướng dẫn về thủ tục. Đặc biệt, cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không nghe và làm theo các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo, tránh để xảy ra những hậu quả, hệ lụy đáng tiếc cho bản thân và gia đình” - Thượng tá Nguyễn Văn Tùng khuyến cáo.

(Theo Báo Biên phòng)

Các tin khác
Khu Công nghiệp Minh Quân - nơi Công ty TNHH sản xuất gỗ Mộc Việt hoạt động.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Sản xuất gỗ Mộc Việt với số tiền 320 triệu đồng.

Ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam về Tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt ưebsite, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai và lãnh đạo Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường.

Đó là thông tin mới nhất liên quan vụ nổ lò hơi ở huyện Vĩnh Cửu làm 6 người chết, 5 người bị thương được thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai thông tin tại hội nghị giao ban kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Đồng Nai vào sáng 4-5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục