Bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục bị đề nghị án chung thân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/10/2024 | 1:52:31 PM

Sau hơn 2 tuần xét hỏi, ngày 4/10, phiên toà xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 đồng phạm đã bước vào phần tranh luận. Luận tội đối với các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đã đề nghị HĐXX tuyên mức mức án chung thân về tội lừa đảo đối với bà Trương Mỹ Lan.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM giữ quyền công tố tại toà.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM giữ quyền công tố tại toà.

Bị cáo Trương Mỹ Lan chịu trách nhiệm cao nhất

Theo đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã ra chủ trương và họp bàn với các nhân sự chủ chốt của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để chọn các công ty thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu "khống”.

Thực hiện chủ trương của bà Lan, từ năm 2018 đến năm 2020, 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm: Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Setra đã phát hành 25 mã trái phiếu, với tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu, có giá trị hơn 30.869 tỷ đồng.

Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, các mã chứng khoán trên không có tài sản đảm bảo, được phát hành "khống” để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: tăng quy mô vốn, phát triển hoạt động kinh doanh, dự án đầu tư và cơ cấu lại các khoản nợ,… và dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.

Quá trình xét hỏi tại toà, bà Lan thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng quy kết, tỏ thái độ ăn năn, đồng ý dùng toàn bộ tài sản và nêu các phương án khắc phục hậu quả vụ án.

Tuy nhiên, bị cáo Lan phủ nhận vai trò là người đã đề ra chủ trương phát hành trái phiếu. Đại diện cơ quan công tố bác bỏ lời khai này vì không có căn cứ.

Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, bị cáo Trương Mỹ Lan là cổ đông có "quyền lực” lớn nhất tại Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Bị cáo Lan đã điều hành, chi phối toàn diện mọi hoạt động của Vạn Thịnh Phát và sử dụng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng các công ty liên quan như công cụ tài chính cho bản thân. Do đó, bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm cao nhất.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị án chung thân

Đối với hành vi "Rửa tiền” và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, từ đầu năm 2018 đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt tổng số tiền 445.748 tỷ đồng thông qua tham ô tài sản và phát hành trái phiếu trái quy định.

Trong quá trình chiếm đoạt số tiền trên, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc, hợp thức hóa số tiền do phạm tội mà có.

Số tiền trên chủ yếu được dùng để chi trả các khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB, trả nợ giữa các công ty, cá nhân trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay mượn nhau và chuyển ra nước ngoài thanh toán các hợp đồng "khống".

Từ tháng 10/2012 đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập các hợp đồng "khống" mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty ở nước ngoài. Thông qua các hợp đồng này thực hiện chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại với tổng số tiền là hơn 4,5 tỷ USD (tương đương hơn 106.730 tỷ đồng). Trong đó, chuyển đi là hơn 1,5 tỷ USD, nhận về hơn 3 tỷ USD.

Theo Viện Kiểm sát, bà Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm cao nhất nên đề nghị HĐXX tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 8-9 năm tù về tội "Rửa tiền” và 12-13 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt, bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị là tù chung thân về các sai phạm trong giai đoạn 2 của vụ án.

Bị cáo buộc là một trong những đồng phạm giúp bà Lan "rửa” 33 tỷ đồng có nguồn gốc phạm tội mà có, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan) bị đề nghị mức án 24-30 tháng tù về tội "Rửa tiền”.

Liên quan vụ án, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) bị đề nghị 6-7 năm tù; Ngô Thanh Nhã 7-8 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 30 tháng tù đến 27 năm tù.

Trong giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình về về 3 tội "Tham ô tài sản”, "Đưa hối lộ”, "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và đang chờ xét xử phúc thẩm.

(Theo VOV)

Các tin khác
Công an Hạ Hòa giải cứu cháu bé an toàn. Ảnh CA

Công an huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ vừa giải cứu cháu bé 5 tuổi bị người bệnh tâm thần khống chế bằng dao.

Nhiều hình ảnh về Quân đội nhân dân Việt Nam, Cột cờ Hà Nội được in trái phép trên nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc tại một cửa hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc

Trước nguy cơ "tour 0 đồng" tái diễn, Công an tỉnh Quảng Ninh vừa cảnh báo những hệ lụy về loại hình du lịch tai tiếng, gây nhức nhối tại địa phương này trong nhiều năm qua.

Bị can Vũ Hồng Quang (ảnh trái, nguyên Phó Phòng vận tải Hàng không, Cục hàng không Việt Nam, Bộ GTVT) được ghi nhận đã nộp khắc phục 8 tỷ đồng. Bị can Trần Tùng (nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) đã nộp khắc phục 700 triệu đồng.

Trong giai đoạn 2 của vụ án "chuyến bay giải cứu", bị can Vũ Hồng Quang (nguyên Phó Phòng vận tải Hàng không, Cục hàng không Việt Nam, Bộ GTVT) được ghi nhận là người đã nộp khắc phục nhiều nhất với số tiền 8 tỷ đồng.

Bộ Công an sẽ giải quyết khi có cá nhân, tổ chức gửi tin báo tố giác tội phạm liên quan đến hành vi "phông bạt" bằng cách chỉnh sửa biên lai chuyển tiền từ thiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục