Sau nhiều lần trăn trở, cuối tháng 2 vừa qua, anh Hoàng Kim Vi ở thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành đã quyết định mang khẩu súng kíp - vật dụng gắn bó với anh suốt nhiều năm đến giao nộp cho chính quyền địa phương. Đây vốn là kỷ vật do cha anh truyền lại, từng theo anh qua biết bao chuyến đi săn. Những năm gần đây, tuy không còn sử dụng đến nhưng anh Vi vẫn cất giữ khẩu súng như một món đồ kỷ niệm trong nhà.
Khi được chính quyền xã vận động giao nộp vũ khí tự chế, anh Vi không khỏi tiếc nuối bởi đây là vật gắn với nhiều ký ức của gia đình. Tuy vậy, hiểu rõ sự nguy hiểm tiềm ẩn của loại vũ khí này và ý nghĩa tích cực của việc loại bỏ vũ khí trong cộng đồng, anh đã tự giác mang súng đến giao nộp cho Công an xã.
Anh Vi chia sẻ: "Khẩu súng là kỷ vật có ý nghĩa với gia đình tôi. Song, sau khi được tuyên truyền, tôi hiểu rằng việc giữ và sử dụng vũ khí như vậy rất nguy hiểm, nhất là với con cháu. Tôi muốn làm gương nên đã tự giác nộp súng và cam kết không sử dụng nữa. Giờ đây, người dân trong thôn cũng giao nộp hết vũ khí, chúng tôi cảm thấy an toàn hơn”.
Những năm qua, do tập quán sinh hoạt và nghề săn bắn truyền thống, nhiều người dân vùng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tự chế các loại vũ khí để phục vụ việc săn bắn thú rừng. Các loại vũ khí này chủ yếu gồm súng kíp, súng bắn đạn chì, súng hơi… và thường được sử dụng như những công cụ quen thuộc trong đời sống hàng ngày của nhiều gia đình.
Tuy nhiên, việc sử dụng súng tự chế một cách tự phát, cộng với hạn chế trong nhận thức về các quy định liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến ANTT. Xác định rõ đây là những công cụ có thể gây nguy hiểm không chỉ cho người sử dụng mà còn đối với cộng đồng xung quanh, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để tàng trữ, vận chuyển hoặc sử dụng trái phép, lực lượng công an đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động người dân tự nguyện giao nộp vũ khí tự chế để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng. Một trong những hoạt động trọng tâm trong công tác tuyên truyền là phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp đến người dân. Lực lượng công an đã giải thích rõ ràng về mức độ nguy hiểm của việc tàng trữ, sử dụng vũ khí tự chế và các hệ lụy của nó đối với cuộc sống của mỗi gia đình, cộng đồng.
Những câu chuyện thực tế về tai nạn, sự cố liên quan đến vũ khí tự chế cũng đã được đưa ra làm bài học cảnh tỉnh cho đồng bào. Công tác tuyên truyền không chỉ diễn ra trong các cuộc họp hay các buổi giao lưu cộng đồng mà còn được triển khai qua các hình thức khác nhau như: thông báo, khẩu hiệu, phát tờ rơi, đặc biệt là thông qua các kênh truyền thông tại địa phương.
Bà Bàn Thị Náy - Chủ tịch UBND xã Nậm Lành cho biết: "Trước đây, do tập quán của đồng bào Dao thường săn bắn, ngày tết còn muốn có tiếng nổ để xua đuổi tà ma nên hầu như nhà nào cũng có súng tự chế. Nhận thức được mối nguy hiểm của việc sử dụng vũ khí tự chế, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo các thôn, bản phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để nắm bắt các hộ còn sử dụng, còn tàng trữ vận động giao nộp. Riêng năm 2024, xã đã vận động người dân giao nộp gần 40 khẩu súng tự chế, chủ yếu là súng kíp, súng bắn hơi cồn. Đến nay, Nậm Lành không còn hộ nào sử dụng hoặc tàng trữ vũ khí tự chế và vật liệu nổ”.
Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng công an và chính quyền địa phương, những năm qua, huyện Văn Chấn đã thu hồi hàng ngàn khẩu súng tự chế và vật liệu nổ các loại, trong đó chủ yếu là súng kíp. Số vũ khí này được giao nộp tự nguyện, qua đó giúp giảm thiểu mối đe dọa đối với tình hình ANTT trong khu vực.
Đặc biệt, người dân đã nhận thức rõ mối nguy hiểm từ việc tàng trữ, sử dụng vũ khí vật liệu nổ nên đã tự giác giao nộp và còn vận động gia đình, người thân không tàng trữ, sản xuất và sử dụng vũ khí tự chế. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người dân, tình hình ANTT tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đã được cải thiện rõ rệt.
Ngoài ra, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ cũng giúp giảm thiểu được những nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến các vụ án hình sự, bạo lực gia đình, các mâu thuẫn trong cộng đồng. Điều này góp phần mang lại sự bình yên cho mỗi gia đình và cộng đồng.
Bài học quan trọng từ công tác quản lý vũ khí tại huyện Văn Chấn là sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền và hành động quyết liệt từ lực lượng công an. Việc lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, kết hợp với sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền đã tạo sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của cộng đồng.
Công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại huyện Văn Chấn đã đóng góp không nhỏ vào việc đảm bảo ANTT trên địa bàn. Năm 2024, tình hình tội phạm tại huyện đã giảm rõ rệt, với số án hình sự giảm đến 14 vụ so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, không xảy ra án hình sự liên quan đến vũ khí tự chế. |
Trần Ngọc