Bình Thuận: Phát hiện một tổ chức tống tiền xuyên quốc gia

  • Cập nhật: Chủ nhật, 4/5/2008 | 12:00:00 AM

Bị bắt ở vùng biển chồng lấn rồi được thả ra ngay. Tưởng may, ai ngờ bị ép trả tiền chuộc đến cả chục ngàn USD.

Tàu Trung Hiếu BTH-1101 của anh Điệp đang nằm ở cảng La Gi, không dám ra khơi sau khi bị tống tiền.
Tàu Trung Hiếu BTH-1101 của anh Điệp đang nằm ở cảng La Gi, không dám ra khơi sau khi bị tống tiền.

Ngày 3-5, tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã (TX) La Gi (Bình Thuận) cho biết sau ba ngày câu lưu, Công an TX đã cho phép bảo lãnh bốn người có dấu hiệu tống tiền vào đêm 30-4.

Ép buộc bất thành

Danh tính những người này và cả biển số chiếc xe Mercedes bốn chỗ đời mới mà họ dùng làm phương tiện đi từ TP.HCM ra Bình Thuận không được tiết lộ. Tuy nhiên, theo một nguồn tin thì nhóm người trên gồm có hai nam và hai nữ, trong đó có một người đàn ông tên Vinh, sinh năm 1976, hiện tạm trú tại Bình Tân, TP.HCM và khai nhận là giám đốc một công ty TNHH tại TP.HCM.

Chiều 30-4, nhóm người này đi trên xe Mercedes bốn chỗ từ TP.HCM ra Bình Thuận. Sau khi điện thoại vào số máy gia đình anh Nguyễn Tấn Điệp ngụ phường Phước Hội, TX La Gi, nhóm người này đã xông thẳng vào nhà riêng anh Điệp. Người đàn ông tên Vinh yêu cầu anh Điệp phải đưa ngay 7.000 USD. Trong lúc hai bên đang mặc cả thì Công an TX La Gi ập vào, mời tất cả về trụ sở.

Tại cơ quan công an, bước đầu nhóm người này cho rằng chỉ lấy giúp tiền cho người quen. Trong khi đó, theo tường trình của anh Nguyễn Tấn Điệp, tài công tàu Trung Hiếu BTH-1101, đã hé lộ một đường dây tống tiền xuyên quốc gia.

Hải tặc hay cảnh sát biển?

Theo lời khai của anh Điệp, chiều 21-4 trong lúc anh cùng bảy thuyền viên trên tàu Trung Hiếu BTH-1101 đang đánh bắt gần vùng biển chồng lấn giữa hai nước Việt Nam và Indonesia thì bất ngờ nghe tiếng động cơ gầm rú từ phía sau. Một chiếc tàu cao tốc với trên 10 thanh niên người nước ngoài đều mặc đồ xám lăm lăm tiểu liên áp sát tàu.

Những người này ra hiệu cho tàu Trung Hiếu BTH-1101 dừng lại, cột dây vào tàu họ và lệnh hai cha con anh Điệp sang tàu họ. Sau khi yêu cầu anh Điệp cung cấp điện thoại, địa chỉ nhà riêng, họ cho anh Điệp gọi bộ đàm thông báo về nhà là đã bị bắt. Theo lời khai anh Điệp thì khi gọi anh vào cabin tàu, họ đã nhanh tay tắt đèn để anh không thể nhận mặt được ai trên chiếc tàu của họ khiến anh rất nghi ngờ. Vì thế anh đã lén ghi lại ba số đuôi của con tàu này là 803. Những số đầu do quá sợ hãi nên ah Điệp không nhớ nổi. Trên tàu, ngoài cha con anh Điệp còn có một số ngư dân Việt Nam khác cũng bị bắt.

Sau khi dắt tàu Trung Hiếu chạy gần một giờ trên biển, nhóm người này bất ngờ gọi cha con anh Điệp đến mở dây tàu và ra dấu cho họ nổ máy chạy về Việt Nam. Theo anh Điệp, khi nghe được thả ai cũng mừng vì được thoát nạn một cách dễ dàng. Bởi thông thường, khi xâm phạm lãnh hải Indonesia thì tất cả phương tiện đều bị thu giữ; tài công bị truy tố và bị giam giữ từ ba đến sáu năm tù. Lúc đó, anh Điệp chỉ nghĩ có lẽ tàu Trung Hiếu được thả là do đánh bắt còn ở vùng biển Việt Nam, hơn nữa là tàu đánh cá loại nhỏ chỉ có 56 CV.

Đe dọa cho nổ tung nhà của nạn nhân

Tuy nhiên, ngay trong đêm 21-4, gia đình anh Điệp ở La Gi nhận được điện thoại một người đàn ông nói ở TP.HCM và nằm trong tổ chức bắt cha con anh Điệp cùng chiếc tàu Trung Hiếu và bảy thuyền viên. Người đàn ông này yêu cầu gia đình anh Điệp phải lo gấp 25.000 USD để chuộc con tin và tài sản.

Liên tiếp trong các ngày 22 và 23-4, khi tàu Trung Hiếu chưa cập cảng La Gi, người đàn ông này tiếp tục điện thoại hối thúc gia đình anh Điệp nộp tiền. Sau đó, vợ anh Điệp nhiều lần mặc cả, xin được giảm tiền chuộc xuống còn 15.000 USD và sau đó “chốt” lại còn 7.000 USD. Chiều 23-4, tàu Trung Hiếu an toàn cập cảng La Gi, lúc này cha con anh Điệp mới biết giá tiền để họ được thả tự do (mà họ lầm tưởng là thoát nạn dễ dàng) lại quá lớn.

20 giờ 30 ngày 28-4, vợ anh Điệp tiếp tục nhận điện thoại của những người này trong đó yêu cầu nếu không có tiền phải thế chấp tài sản để đưa gấp cho họ. Những người này còn đe dọa nếu không đưa tiền chuộc sẽ cho nổ tung căn nhà của gia đình anh Điệp! Quá lo sợ, gia đình anh Điệp đã mật báo công an. Hai ngày sau, nhóm người này xuất hiện và đã bị công an tạm giữ khi chưa kịp nhận tiền chuộc.

Nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TX La Gi cho biết những người này có dấu hiệu tống tiền, tuy nhiên do có yếu tố người nước ngoài nên Công an TX đã báo cáo giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận xin ý kiến. Dù những người trên đã được bảo lãnh tại ngoại nhưng cơ quan điều tra vẫn tiếp tục làm rõ và điều tra mở rộng.

Trong khi đó, chúng tôi được biết trường hợp anh Nguyễn Tấn Điệp và tàu cá Trung Hiếu chưa phải là trường hợp duy nhất bị bắt rồi dễ dàng thả ra và tống tiền.

(Theo Pháp Luật)

Các tin khác
Tang vật của bọn trộm do CA quận Ninh Kiều thu giữ.

Ngày 2/5, Công an quận Ninh Kiều (Cần Thơ) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam về hành vi “Trộm cắp tài sản” một băng nhóm chuyên trộm đồ trong siêu thị.

YBĐT - Xác định, hoạt động trên một địa bàn khó khăn, nên những năm qua, Công an huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã tăng cường các biện pháp nhằm kiềm chế tội phạm về ma túy trên địa bàn và có những kết quả nhất định.

Lợi dụng hai ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các đối tượng buôn lậu huy động “cửu vạn” vận chuyển ồ ạt gia cầm “quá đát” từ Trung Quốc. Lực lượng Quản lý thị trường và Cảnh sát môi trường (CA Lạng Sơn) đã bắt giữ gần 3,2 tấn gà, 14.700 quả trứng Trung Quốc.

Hành vi sử dụng Internet để truyền bá các thông tin, hình ảnh đồi trụy hoặc các thông tin khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị phạt tối đa 20 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục