Yên Bái: Báo động về tình trạng chặt trộm gỗ ở vùng ngoài huyện Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/5/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ sau tết Nguyên đán đến nay, bất chấp trời rét hay nắng nóng, hai anh Vũ Hữu Thế và Nguyễn Văn Hoàn - công nhân đội sản xuất Đồng Bè, Lâm trường Ngòi Lao, huyện Văn Chấn (Yên Bái) phải ăn rừng nằm lán để trông coi gỗ cho đội mình. Các đội sản xuất khác của Ngòi Lao tuy chưa đến mức phải ăn ngủ tại rừng như đội Đồng Bè nhưng luôn phải bố trí lực lượng suốt ngày đêm để giữ rừng, giữ gỗ.

Số gỗ không rõ nguồn gốc được thu giữ và tập kết về Lâm trường Ngòi Lao.
Số gỗ không rõ nguồn gốc được thu giữ và tập kết về Lâm trường Ngòi Lao.

Công sức bỏ ra là thế mà tài sản của Lâm trường, mồ hôi, sức lực của công nhân vẫn không được bảo toàn vì tình trạng chặt trộm gỗ ở 8 xã vùng ngoài huyện Văn Chấn, nhất là khu vực xã Tân Thịnh đang diễn ra khá gay gắt. Bên cạnh đó là sự tắc trách của chính quyền và kiểm lâm địa bàn khiến tình hình ngày càng trở nên phức tạp.

Thời gian gần đây, nhất là vào thời điểm từ đầu năm 2008 đến nay, việc kinh doanh chế biến gỗ (chủ yếu là gỗ bóc) làm ăn rất phát đạt nhờ việc đầu tư dây chuyền không quá lớn và công nghệ bóc gỗ khá hiện đại (gỗ nhỏ cũng bóc được và tận thu tối đa lõi gỗ); sản phẩm làm ra đến đâu được thu mua giá cao ngay tới đó. Nghề làm gỗ bóc lên ngôi đã khiến thị tứ Mỵ thuộc xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn xuất hiện tới 6 cơ sở chế biến gỗ bóc và sắp sửa có thêm 3 cơ sở nữa. Diện tích rừng chỉ có vậy, sản lượng gỗ chỉ có thế mà phần lớn rừng trồng kinh tế do Lâm trường Ngòi Lao quản lý nên các cơ sở chế biến gỗ phải cạnh tranh gay gắt với nhau và với cả các cơ sở chế biến ở xã bạn, huyện bạn... đã khiến một số cơ sở phải dùng nhiều thủ đoạn để mua nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, trong đó có cả tình trạng mua trôi nổi, mua của kẻ gian và chặt ngay gỗ của Lâm trường giao cho quản lý để lấy gỗ chế biến.

Có cầu ắt có cung, chủ lò gỗ sẵn sàng mua mọi loại gỗ, mọi thời gian, mọi địa điểm, không quan tâm đến nguồn gốc, miễn sao cây gỗ có đường kính 7 cm trở lên, dài 1,3 m là đủ đã khiến nhiều người vì hám lợi mà vi phạm pháp luật bằng cách lén lút vào rừng của Lâm trường Ngòi Lao hoặc rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đã giao cho mình hoặc bà con trong làng, trong xã mình quản lý, chặt gỗ, dùng xe ô tô, xe mô tô, xe đạp thồ, có khi chỉ là dùng trâu kéo hoặc vác bộ ra các cơ sở chế biến bán ngay lấy tiền. Vụ vi phạm lâm luật của ông Ngô Văn Phiến ở thôn 9 xã Tân Thịnh là một thí dụ điển hình.

Chiều ngày 12/4/2008, cán bộ Lâm trường Ngòi Lao phát hiện tại khu rừng thôn 9 (do ông Ngô Văn Phiến làm trưởng nhóm trực tiếp nhận khoán trông coi) bị kẻ gian chặt hạ và mang đi 42 cây gỗ, khối lượng khoảng hơn 10 m3. Qua điều tra cho thấy, số gỗ bị chặt hạ đã được tập kết ngay tại xưởng nhà ông Ngô Văn Phiến, lập tức Lâm trường Ngòi Lao đã báo cáo vụ việc lên UBND xã Tân Thịnh và ngày 13/4, chính quyền xã Tân Thịnh đã lập biên bản thu giữ tại xưởng nhà ông Phiến 163 đoạn gỗ dài 1,3 và 2,6 m với khối lượng 5,8m3. Tiếp đó, nhận được thông tin về tình hình mất cắp gỗ ở Tân Thịnh và các xã lân cận khá phổ biến, xưởng chế biến gỗ của gia đình nhà ông Phiến có nhiều biểu hiện gỗ vi phạm pháp luật, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Văn Chấn đã lập tức kiểm tra xưởng chế biến này và phát hiện có 50 m3 gỗ nữa không rõ nguồn gốc và số gỗ này bị lập biên bản thu giữ.

Rừng của Lâm trường bị chặt phá lấy cắp đã mạnh nhưng cũng không nguy hại bằng 14.121 ha rừng phòng hộ mà Lâm trường Ngòi Lao mới bàn giao cho dân quản lý theo chủ trương chuyển đổi lâm trường quốc doanh thành công ty lâm nghiệp. Vì được giao cho dân nên dân làm chủ, mà đã làm chủ rồi thì cứ vô tư chặt hạ gỗ để bán. Mới đây, Kiểm lâm Văn Chấn đã bắt giữ được 2 ô tô đang bốc gỗ tại khu vực đèo Lũng Lô là một thí dụ điển hình. Điều đáng nói là trong khi tình trạng chặt trộm gỗ rừng ngày càng trở nên gay gắt thì chính quyền xã và cán bộ kiểm lâm địa bàn làm ăn rất tắc trách. Chúng tôi có trong tay 3 văn bản của một vụ việc, những thông tin trong văn bản này đã nói lên tất cả.

Văn bản thứ nhất: "Đơn đề nghị khai thác" của ông Nguyễn Văn Thịnh thôn 9, xã Tân Thịnh, xin khai thác gỗ vườn rừng loại gỗ bồ đề, chu vi 13 - 20 chiều cao trung bình 8 m, số lượng 500 cây và ước sản lượng 30 m3.

Văn bản thứ hai: "Biên bản kiểm tra, xác minh nguồn gốc lâm sản khai thác từ khu vườn rừng" do ông Vũ Trọng Linh - cán bộ kiểm lâm địa bàn, Phạm Văn Muôn - cán bộ địa chính xã, ngày 3/5/2008 đã xác định: diện tích 0,2 ha, đường kính 10 - 14 cm, dài từ 7 -9 m, số lượng 350 cây, khối lượng ước tính 31,67 m3 và 10 m3 (cây chống). Văn bản thứ ba: "Bảng kê gỗ, thực vật rừng, sản phẩm chưa hoàn chỉnh" của chủ rừng Nguyễn Văn Thịnh, do Phó chủ tịch xã Trần Văn Dĩnh, kiểm lâm địa bàn Vũ Trọng Linh và chủ rừng/chủ lâm sản Ngô Văn Phiến ký tên, đóng dấu xác định số lượng gỗ là 31,67 m3, loại gỗ bồ đề.

Đọc những văn bản kể trên thì học sinh lớp 3 cũng phát hiện ra rằng, cán bộ kiểm lâm địa bàn và cán bộ địa chính xã Tân Thịnh không hề kiểm tra thực tại, số liệu trên do họ tự bịa ra! Vì rằng, họ không thể ước số lượng gỗ trên rừng lại chính xác tuyệt đối đến như thế (cùng 31,67 m3, một lần ước trong biên bản kiểm tra, một lần đo thực tế tại bảng kê). Đối với người có chút ít kiến thức về lâm nghiệp thì càng phát hiện ra cái sai của hai cán bộ này. Diện tích 0,2 ha (tức 2000 m2) bồ đề cây cao từ 7 đến 9 m, đường kính từ 10 - 14 cm thì lấy đâu ra 31,67 m3 gỗ và 10 m3 cây chống? Theo kỹ sư lâm nghiệp Hoàng Minh Dũng thì: "Một ha bồ đề có tuổi đời trên 8 năm, được trồng và chăm sóc tốt, độ đông đặc cao cũng chỉ cho thu 70 đến 80 m3 gỗ. Diện tích 0,2 ha của trường hợp nhà ông Thịnh không thể cho thu hơn 16 m3 và ngay cả khi có 31 m3 thì cũng không lấy đâu ra 10 m3 cây chống".

Khi được hỏi: "Ông giải thích thế nào về mặt số học những thông tin trong đơn xin khai thác, biên bản kiểm tra và bảng kê gỗ của gia đình nhà ông Nguyễn Văn Thịnh", ông Phạm Văn Muôn - cán bộ địa chính xã Tân Thịnh trả lời ngay: "Không bao giờ có chuyện đó, chúng tôi chỉ xác nhận có hơn 10 m3 thôi". Khi chúng tôi quả quyết rằng trong biên bản ghi rõ là 31,67 m3 gỗ và 10 m3 cây chống thì ông Muôn khẳng định là: "Những số liệu đó đã được tẩy xoá, thêm bớt, không đúng sự thật". Khi chúng tôi đưa lại những biên bản mà chính ông Muôn cùng Phó chủ tịch xã và cán bộ kiểm lâm địa bàn đã ký ra (đương nhiên không có dấu hiệu của sự tẩy xoá) thì cán bộ Muôn đành đưa ra lý do: "Diện tích của nhà Thịnh trong sổ sách là thế nhưng sự thật thì nhiều hơn nên khối lượng nhiều như vậy". Ông Muôn và cán bộ xã không nói ra nhưng chắc hẳn họ hiểu được rằng, với những biên bản làm bừa, làm ẩu như thế đã tiếp tay cho các tay buôn lậu gỗ, những xưởng chế biến gỗ làm láo, hợp pháp hoá được những cây gỗ chặt trộm hoặc mua của kẻ gian.

Đến đây, chúng tôi nhận thấy những cán bộ của xã Tân Thịnh và Kiểm lâm Văn Chấn làm việc thiếu trung thực, không khách quan, đặc biệt là cán bộ địa chính Muôn loanh quanh đùn đẩy trách nhiệm nên đã kết thúc buổi làm việc. Chỉ thương cho cán bộ, công nhân Lâm trường Ngòi Lao coi ngày, coi đêm, ngủ rừng, ngủ búi mà không giữ được gỗ. Chỉ tiếc cho chủ trương sắp xếp lại lâm trường quốc doanh chuyển đổi hàng ngàn, hàng vạn ha rừng từ lâm trường sang cho dân quản lý chưa thấy phát huy được hiệu quả, chỉ thấy những kẻ xấu lợi dụng chặt hạ gỗ rừng không thương tiếc.

Lê Phiên

Các tin khác

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Nha Trang vừa bắt tạm giam năm bị can là đồng bọn của bị can Nguyễn Đình Vinh (đang được cho tại ngoại) - nguyên thượng sĩ cảnh sát hình sự Công an phường Vạn Thắng (Nha Trang).

YBĐT - Những giọt nước mắt, những lời sám hối muộn màng tại phiên tòa đã không thể giúp cho Hờ A Sang (tức Hờ Vảng Sang) trú tại thôn Đầu Cầu huyện Trạm Tấu phạm tội: “mua bán trái phép chất ma túy” thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Ngày 12-5, Cục CSÐT tội phạm về ma túy (C17, Bộ Công an) phối hợp lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã phá đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn. Toàn bộ tang vật vụ án gồm 8,8 tấn cần sa bị thu giữ.

Lúc 4h30 ngày 13.5, Đội quản lý thị trường (QLTT) quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) kiểm tra tại bãi xe không số ở cư xá Thanh Đa, P.27, Q.Bình Thạnh, phát hiện xe tải biển số 54X-6275 do tài xế Trần Công Hiếu (trú P.27, Q.Bình Thạnh) điều khiển có dấu hiệu vận chuyển gas trái phép.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục