Yên Bái: Vụ án 9 lần xử chưa ngã ngũ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà và đất ở giữa bà Nguyễn Thị Dung và bà Đinh Thị Tuyết ở tổ 12, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái (Yên Bái) bắt đầu từ năm 2000. Sự việc vốn đã phức tạp, qua nhiều lần xét xử lại càng phức tạp, gây khiếu kiện kéo dài hơn khi chính quyền xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái, đứng đầu là ông Nguyễn Hồng Quang – nguyên Chủ tịch UBND xã, nay là Bí thư Đảng uỷ xã vào cuộc.

9 lần xử, thắng thua chưa ngã ngũ

Đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Dung: năm 1971, gia đình bà được xã Minh Bảo thuộc huyện Trấn Yên (trước đây) cấp cho một lô đất làm nhà ở. Tiếp đến năm 1974, xã cấp đất và thanh lý từ nhà ở của bà kéo dài đến khu nhà của cán bộ hưu trí đường 13A cũ, hiện thuộc tổ 12 phường Đồng Tâm và bà đã nộp tiền thanh lý toàn bộ lô đất chằm lầy này với xã Minh Bảo bằng tiền qui ra thóc của 3 vụ lúa. Trong giấy xã giao cấp đất này, ông Đinh Gia Lượng - chồng bà có đưa tên ông Đinh Văn Quang (là em ruột ông Lượng) vào với danh nghĩa là anh em xin chung, để hợp lý hoá phần đất của ông Đinh Văn Quang ở bên phải đường vào đường Sở Công nghiệp cũ do chưa có giấy sử dụng đất.

Sau khi được cấp, gia đình bà đã san lấp lô đất chằm lầy làm vườn, ao và nhà ở ổn định. Vì giấy tờ lúc đó kém chất lượng và bị nhàu nát, nên đến năm 1979, bà đến UBND xã Minh Bảo xin đổi lại và được ông Lê Quang Tụng - Phó chủ tịch UBND xã ký xác nhận vào đơn là: “Bà Dung sử dụng lô chằm lầy là hợp pháp”. Giữa năm 1979, bà xây dựng một ngôi nhà 5 gian mái bằng trên 1 phần lô đất đó. Đến năm 1980, khi tỉnh san ủi đất làm nhà cho cán bộ hưu trí ở cuối lô đất của bà và có làm thiệt hại đến tài sản, hoa màu nên đã bồi thường cho gia đình bà 1.360,5 đồng (một nghìn ba trăm sáu mươi đồng năm hào).

Đến năm 1982, bà Dung và ông Lượng cho bà Đinh Thị Tuyết (em ruột ông Lượng) 15m đất, phần giáp với khu hưu trí làm nhà ở. Năm 1983, bà Tuyết và ông Trần Xuân Tư (chồng bà Tuyết) đã bán lô đất này cho ông Minh Đức, khi đó bà Tuyết vẫn đang ở Km 11, thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình). Năm 1986, bà Tuyết từ Yên Bình ra xin ở nhờ 2 gian nhà thuộc ngôi nhà 5 gian bà Dung đã xây từ năm 1979. Còn ông Đinh Văn Quang cũng trong năm 1986 này, sau khi bán nhà đất ở phía trong nằm ở bên phải đường vào Sở Công nghiệp (cũ) đến xin làm nhà ở nhờ trên đất của gia đình bà Dung. Năm 1987, ông Quang chuyển vào Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đến năm 1988 quay ra bán nhà đất đó cho bà Hà Thân Sỹ ở hiện nay. Đầu năm 2000, bà Tuyết tự ý sửa 2 gian nhà ở nhờ của bà Dung và có ý định chiếm đoạt nhà, đất nên bà Dung đã khởi kiện, yêu cầu bà Tuyết trả lại hai gian nhà và đất đang ở.

Còn bà Đinh Thị Tuyết cho rằng, lô đất hiện nay bà Dung kiện đòi bà là của ông Đinh Văn Quang (em ruột bà) sau lũ lụt năm 1971 gia đình bà đến ở nhờ. Đến năm 1979, bà xây nhà, do công việc chưa ổn định (khi đó bà công tác ở cửa hàng Km 10, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình và cùng gia đình ở đó). Đến năm 1978, gia đình bà mới chuyển từ Yên Bình ra ở nhờ trên đất em bà cho ở từ năm 1971. Ông Đinh Văn Quang thì cho rằng, đất hiện bà Tuyết và bà Dung đang ở là của ông, ông được xã Minh Bảo cấp và làm nhà ở từ năm 1971. Ông cho 2 gia đình ông Lượng - bà Dung và bà Tuyết - ông Tư mượn một phần đất làm nhà ở tạm, gia đình ông chưa chuyển nhượng đất cho 2 gia đình này, hiện ông chưa có nhu cầu sử dụng nên chưa đòi lại.

Điểm tiếp giáp tranh chấp (vùng dấu X, ảnh trên) nằm trong khu vực nhà và đất ở giữa nhà bà Nguyễn Thị Dung (bên phải ở ảnh dưới) và bà Đinh Thị Tuyết ở tổ 12 phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái (bên trái).

Điểm đáng lưu tâm là vụ việc này đã kéo dài gần 8 năm, được xét xử qua 9 phiên toà, bắt đầu từ Bản án sơ thẩm số 06 ngày 22/9/2000 của Toà án nhân dân (TAND) thị xã Yên Bái (cũ), rồi tới TAND tỉnh và TAND Tối cao qua nhiều lần xét xử. Với nhiều chứng cứ xác đáng, đặc biệt là bằng chứng quan trọng nhất là lá đơn ông Đinh Gia Lượng - chồng bà Dung viết gửi UBND xã Minh Bảo  ngày 2/6/1979 đã được ông Lê Quang Tụng – Phó chủ tịch xã thay mặt UBND xã Minh Bảo ký xác nhận là: “Việc chuyển giao khu vực đất đai do ông Quang đã xin và UBND xã Minh Bảo đã cấp ngày 9/9/1974 cho ông Lượng là anh trai ông Quang là đúng, không phải buôn bán đổi chác”.

Như vậy, bà Dung - ông Lượng đã được xã Minh Bảo giao cấp đất cho sử dụng từ năm 1974 (lô chằm lầy). Trong đơn này, ông Tụng chỉ xác nhận lại việc UBND xã Minh Bảo đã cấp năm 1974 do giấy cũ đã hư hỏng như bà Dung trình bày ở trên chứ không phải ông ký cấp đất cho ông Lượng. Chính vì thế, bà Nguyễn Thị Dung đã thắng kiện 5 phiên xét xử của 3 cấp được toà yêu cầu trả lại nhà, đất và cho thi hành án. Trong khi ông Đinh Văn Quang không đưa ra được bằng chứng nào để chứng minh được rằng lô đất đang tranh chấp giữa bà Dung và bà Tuyết là của mình. Nhưng kể từ khi xã Minh Bảo có thêm 2 biên bản giải quyết thì việc thi hành án phải dừng lại và càng thêm phức tạp, kể từ đó kéo dài thêm 4 phiên xét xử.

Những biên bản khuất tất cần làm rõ

Qua nghiên cứu các bản án xét xử từ thứ 1 đến thứ 5, một điều dễ nhận thấy là chưa có sự xuất hiện của ông Đinh Văn Quang ở khu vực đương sự “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Để tham gia vào cuộc và có căn cứ, bằng chứng tranh chấp; bắt đầu từ phiên xét xử thứ 6 tại Bản án số 04/2005/DSST ngày 18/7/2005  do TAND tỉnh Yên Bái xét xử với vai đương sự có quyền lợi liên quan, ngày 15/6/2003, ông Quang có đơn viết từ thành phố Vũng Tàu trình bày và đề nghị Chủ tịch UBND xã Minh Bảo chỉ đạo xác minh làm rõ lô đất đang tranh chấp là của ông. Nhưng không hiểu vì sao từ ngày 2/7/2002, trước ngày ông Đinh Văn Quang có đơn đề nghị giải quyết một năm, chính quyền xã Minh Bảo do ông Nguyễn Hồng Quang trực tiếp  tới nhà con trai ông Lê Quang Tụng là anh Lê Thanh Bình ở tổ 74 phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái để xác minh (!?)

Đáng lưu ý, vào thời điểm này do mắc bệnh hiểm nghèo, ông Tụng cấm khẩu và nằm liệt giường nhưng ông Quang vẫn cho cán bộ viết biên bản cho ông Tụng nói, xin trích nguyên văn: “Căn cứ thẩm quyền của tôi là Phó chủ tịch - Trưởng công an xã, ông Lượng có giấy đề nghị tôi xác nhận việc ông Quang cho lô đất ở điểm Km6 không có chữ ký của ông Quang. Do ông Lượng trình bày và chịu trách nhiệm với tôi trước em trai mình. Vì vậy, nếu có sai sót với ông Quang thì ông Lượng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Biên bản đọc lại cho mọi người nghe và ký tên”.

Trò chuyện với phóng viên Báo Yên Bái tối 26/7/2008, anh Bình cho biết: vào thời gian đó, ông Quang và một số cán bộ xã có đến nhà và trao đổi về lô đất tranh chấp. Còn biên bản này anh cũng như bố anh không biết và cũng không ký. Đối chiếu so sánh chữ ký của anh Bình cũng như của ông Tụng với một số văn bản khác cho thấy có sự khác biệt. Các nét chữ khi viết họ tên anh Bình giống với chữ của người viết biên bản.

Sau đó, ông Nguyễn Hồng Quang tiếp tục “đạo diễn” thêm “Biên bản cuộc họp xác minh lịch sử đất” ngày 3/7/2003. Về phần đại diện, cán bộ xã đương nhiệm có tên (không cần nhắc tới). Nhưng không hiểu vì sao đối với các bên liên quan giải quyết, xã chỉ mời ông Đinh Gia Lượng và bà Đinh Thị Tuyết tới chứ không mời bà Dung. Đáng chú ý hơn cả, với cán bộ tiền nhiệm, ông Quang - Chủ tịch xã biết ông Lê Quang Tụng - nguyên Phó chủ tịch xã thời kỳ  1970-1975 đã ốm liệt giường, cấm khẩu vẫn ghi trong biên bản là thành phần tới dự. Sau đó lại thay việc ông Tụng tới dự bằng câu sau: “Biên bản làm việc của UBND xã Minh Bảo với ông Lê Quang Tụng chiều 2/7/2003 có chữ ký của ông Tụng và con trai cả là anh Lê Thanh Bình”. Điều lạ là trong biên bản làm việc tại nhà anh Bình ghi ngày 2/7/2002,  còn ở biên bản này lại là 2003 (?!)

Ông Nguyễn Quí Quang - nguyên Phó chủ tịch UBND xã thời kỳ 1975 - 1982 không được mời dự họp, cũng được ông Quang - Chủ tịch xã cho ký tên và phát biểu trong biên bản khẳng định việc ông Mộc cấp đất ở khu vực đang tranh chấp cho ông Đinh Văn Quang là có và đưa ông Hoàng Văn Mộc - Chủ tịch UBND xã và bà Nguyễn Thị Bút - Bí thư Đảng ủy ra làm nhân chứng cho dù những người này đã chết cách đây hàng chục năm. Ông Quang - Chủ tịch còn tự "vẽ lời" cho ông Nguyễn Quí Quang và đưa vào biên bản như sau: “Việc năm 1979, ông Lê Quang Tụng ký giấy cho ông Đinh Gia Lượng là không đúng thẩm quyền. Vì ông Tụng chỉ được giao Phó chủ tịch phụ trách an ninh, nội chính, tư pháp.

Hơn nữa, giấy của ông Lượng tự viết không đúng nguyên tắc, đề nghị riêng ông Phó chủ tịch UBND xã giải quyết mang tình cảm cá nhân và không có chữ ký của người cho là ông Đinh Văn Quang. Ông Tụng ký cho ông Lượng là lạm dụng việc quen nhau không coi trọng nguyên tắc, vì vậy, không có giá trị pháp lý. Tôi xin chịu trách nhiệm về việc quản lý con dấu và công việc của cấp giới thiệu thực sự chưa vững chắc”. (PV Báo Yên Bái đã có chứng cứ, tài liệu chắc chắn ngay sau cuộc họp về việc ông Nguyễn Quí Quang không được mời tới dự). Một điều lạ nữa là không hiểu sao biên bản này mặc dù một thư ký viết nhưng có rất nhiều kiểu chữ (!?)

“Đạo diễn kiêm diễn xuất” xong biên bản này, ngày 10/7/2003, ông Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch UBND xã đã có Công văn gửi ông Đinh Văn Quang và bà Nguyễn Thị Dung khẳng định từ 1971 đến 1985 chỉ cấp lô đất đang tranh chấp cho ông Đinh Văn Quang chứ không cấp cho ai khác. Việc làm sáng rõ lịch sử đất đai là hết sức quan trọng, nhưng nó phải căn cứ vào những bằng chứng xác đáng chứ không thể căn cứ vào một biên bản được thu thập từ những nguồn tin thiếu căn cứ.

Đã đến lúc những biên bản có dấu hiệu khuất tất của UBND xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái do ông Nguyễn Hồng Quang - nguyên Chủ tịch UBND xã, nay là Bí thư Đảng ủy xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái trực tiếp “dàn dựng” cần được các ngành chức năng làm rõ, để vụ việc tranh chấp nhà, đất trên được làm sáng tỏ, chấm dứt khiếu kiện kéo dài.

  Nhóm phóng viên thời sự

Các tin khác
Một trong những điểm khai thác thiếc “thổ phỉ”
ở xã Châu Cường vừa mới bị truy quét.

Trong thời gian từ giữa tháng 6 cho đến đầu tháng 8-2008, tổ công tác đặc biệt của Công an Nghệ An được thành lập tổ chức kiểm tra, truy quét mỏ “thổ phỉ” tại các điểm nóng như Châu Quang, Châu Cường, Châu Tiến, Châu Thành, Châu Hồng... của huyện Quỳ Hợp đã phát hiện 140/192 doanh nghiệp, tổ hợp khai thác trái khoáng sản chủ yếu là đá trắng và thiếc, trong đó có 68 doanh nghiệp, tổ hợp khai thác thiếc.

Gỗ lậu bị bắt giữ tại H.Nam Giang.

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vừa gặp nhau tại Đà Nẵng để bàn các biện pháp hỗ trợ nhau truy quét lâm tặc, ngăn chặn mua bán lâm sản trái phép tại vùng giáp ranh.

Sau khi giết hại cháu bé 7 tuổi, tên sát nhân đã vứt xác cháu xuống ao làng để phi tang và gọi điện cho bố mẹ cháu đòi 50 triệu tiền chuộc. Khi đang nhận tiền thì Bảo bị công an bắt. Bảo bị tuyên tử hình vì hành vi giết người dã man của mình.

Ngày 31/7, công an TP Hạ Long, Quảng Ninh đã bắt khẩn cấp Nguyễn Tùng Lâm, SN 1993, trú tại khu 8, phường Hà Khẩu, Đoàn Văn Thành, SN 1991 trú tại xã Việt Hưng, Hạ Long về tội cướp giật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục