Xét xử công khai 4 bị cáo vi phạm pháp luật liên quan đến vụ án PMU18
- Cập nhật: Thứ tư, 15/10/2008 | 12:00:00 AM
Ngày 14/10, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 4 bị cáo nguyên là cán bộ cảnh sát điều tra và nguyên là phóng viên báo chí vi phạm pháp luật liên quan đến vụ án PMU18.
Tham dự phiên tòa, ngoài đại diện 26 cơ quan thông tấn, báo chí trong nước còn có phóng viên 6 hãng thông tấn báo chí nước ngoài như: AP, AFP, Reuteurs, Kyodo, NHK, DAP và 5 đại diện của các tổ chức, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội.
Tham dự phiên tòa xét xử sơ thẩm lần này có 9 luật sư tham gia bào chữa cho 4 bị cáo. TAND TP.Hà Nội cũng triệu tập 10 nhân chứng liên quan đến vụ án ra tòa trong phiên xét xử sơ thẩm lần này. Thẩm phán TAND Hà Nội Trần Văn Vy giữ quyền chủ toạ phiên tòa.
Trong số 4 bị cáo được Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử tại phiên tòa này, hai bị cáo Phạm Xuân Quắc (SN 1946, trú tại số 70A, ngõ 83, Đào Tấn, Ngọc Khánh, Hà Nội) và Đinh Văn Huynh (SN 1958, trú tại số 5 Vọng Đức, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) nguyên là cán bộ cảnh sát điều tra – Bộ Công an cùng bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “cố ý làm lộ bí mật công tác” theo điều 286, Bộ luật Hình sự. Hai bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Việt Chiến (SN 1952, trú tại số 43, ngõ 47A, đường Khương Trung, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội), nguyên phóng viên Báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải (SN 1975, trú tại số 8B, A1, tập thể mỏ địa chất, xã Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội), nguyên phóng viên Báo Tuổi Trẻ TP.Hồ Chí Minh cùng bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258, Bộ luật hình sự.
Cả bốn bị cáo này vốn là các cán bộ, công chức Nhà nước nhưng có hành vi vi phạm pháp luật do mắc sai phạm về nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và kết quả thẩm vấn, tranh luận công khai tại phiên tòa, các bị cáo Phạm Xuân Quắc, Đinh Văn Huynh trong thời gian được giao nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức điều tra vụ án PMU18 đã trực tiếp quan hệ, tiếp xúc với phóng viên các báo và tiết lộ thông tin liên quan đến vụ án cho báo chí đăng tải, trong đó đáng chú ý là thông tin không chính xác về kết quả điều tra, có những tài liệu chỉ là tài liệu ban đầu, chưa được thẩm tra xác minh nhưng vẫn cung cấp cho báo chí đăng tải. Việc làm đó đã diễn ra trong thời gian dài.
Hành vi của các bị cáo Phạm Xuân Quắc và Đinh Văn Huynh đã phạm vào tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác” theo quy định tại Khoản 2, Điều 286 Bộ luật hình sự và quy định của ngành công an.
Các bị cáo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải lợi dụng chức trách, nhiệm vụ của phóng viên được các báo giao viết bài về mảng nội chính đã viết nhiều thông tin thổi phồng, bịa đặt, sai sự thật làm cho dư luận hiểu sai, gây ảnh hưởng, tổn hại uy tín của Đảng, Nhà nước, danh dự, nhân phẩm của công dân.
Đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố trong bản luận tội tại phiên tòa đã chính thức đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Xuân Quắc mức án cải tạo không giam giữ từ 1 đến 2 năm hoặc cảnh cáo về tội cố ý làm lộ bí mật công tác. Bị cáo Đinh Văn Huynh bị đề nghị mức án từ 24 – 30 tháng tù giam cũng về tội danh trên. Bị cáo Nguyễn Việt Chiến bị đề nghị mức án từ 24 - 30 tháng tù giam; bị cáo Nguyễn Văn Hải bị đề nghị mức án 18 - 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Trong phần tranh luận tại phiên toà, các luật sư đã đưa ra nhiều quan điểm bào chữa cho 4 bị cáo; đồng thời cũng trình bày nhiều tình tiết đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ mức hình phạt đối với các bị cáo.
Phiên toà đã diễn ra đúng trình tự của pháp luật.
Ngày 15/10, phiên tòa tiếp tục làm việc.
(Theo VOV)
Các tin khác
Sáng 14-10, Bộ đội biên phòng Bình Định cho biết lúc 0g30 ngày 12-10, tại thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, Trạm kiểm soát biên phòng Nhơn Hải phối hợp với Công an xã Nhơn Hải trong lúc tuần tra đã phát hiện ông Phạm Hiền vận chuyển trái phép trên 230 lọ, bình, chén, bát, đĩa… gốm sứ cổ bằng tàu đánh cá.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an mới đây đã kết thúc điều tra vụ án tham nhũng xảy ra trong quá trình thi công xây dựng tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, đề nghị truy tố mười bị can về các tội danh: tham ô tài sản, đưa - nhận hối lộ, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu (cũ) và hai phó giáo sư, tiến sĩ về mỹ thuật.
Hôm nay 14/10, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 4 bị cáo trong vụ án vi phạm pháp luật liên quan đến vụ PMU18.
Sau 20 giờ đồng hồ phối hợp, C15 Bộ Công an và Trung tâm an ninh mạng Đại học Bách Khoa Hà Nội đã xác định được kẻ thực hiện tấn công từ chối dịch vụ trong các ngày 5-9/10 là một học sinh trung học ở Quảng Nam.