Phường Hồng Hà: Cả nghìn mét vuông đất công đang bị lấn chiếm
- Cập nhật: Thứ năm, 6/5/2010 | 9:12:38 AM
YBĐT - Một dải đất với diện tích cả nghìn mét vuông ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái đã và đang bị một số hộ dân thuộc các tổ 50, 45, 41, 43, 33, 31, 17, 15, 7, 5a, 3a, 1a mặc sức lấn chiếm. Điều đáng nói là việc lấn chiếm đã và đang diễn ra liên tục suốt từ năm 2009 đến nay với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, nhưng các cấp chính quyền và nhất là lực lượng trật tự đô thị của thành phố không có biện pháp ngăn chặn một cách hiệu quả.
Hàng trăm hộ dân đã cơi nới nhà cửa, vườn tược vào đất của nhà nước.
|
Dải đất bị lấn chiếm nói trên, là đất hành lang sông Hồng, do Nhà nước quản lý kéo dài 1,1 km từ chân cầu Yên Bái đến xóm Mới (phía cuối chợ Yên Bái). Trước đây, khi kè sông Hồng chưa được thi công, toàn bộ diện tích này chỉ là những bãi đất được hàng trăm hộ dân (phần lớn mặt tiền là đường Thanh Niên) tận dụng để trồng hoa màu.
Khi Nhà nước đầu tư xây dựng kè chống sạt lở sông Hồng, Ban Quản lý dự án và chính quyền địa phương đã tiến hành bồi thường hoa màu, giải phóng mặt bằng thi công công trình. Đại đa số các hộ có cây cối, hoa màu và vật kiến trúc đã nhận tiền đền bù, trả lại đất cho Nhà nước. Công trình kè chống sạt lở sông Hồng hoàn thành, đô thị được chỉnh trang, giải đất nói trên trở nên rộng, bằng phẳng và bỗng nhiên có giá.
Lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền, người dân trong khu vực đã tiến hành lấn chiếm đất. Bắt đầu từ việc rào tre, nứa để nhận đất trồng rau, chuối, sau đó là xây dựng hàng rào kiên cố bằng bê tông hoặc bằng sắt. Đặc biệt, nhiều hộ làm nhà tạm trên đất chiếm giữ rồi xây nhà kiên cố để ở.
Trước tình trạng lấn chiếm đất công của các hộ dân, chính quyền phường Hồng Hà và Đội Trật tự đô thị thành phố Yên Bái cũng đã đến nhắc nhở, lập biên bản, xử phạt hành chính, nhưng tất cả những biện pháp đó là chưa đủ mạnh nên tình trạng lấn chiếm vẫn cứ tiếp diễn.
Đến nay, có thể khẳng định việc tự ý chia nhau đất Nhà nước của các hộ dân đã xong với “điều luật” phía sau đất nhà nào, nhà đó chiếm giữ!. Một vài trường hợp “chia” đất không sòng phẳng đã dẫn đến mâu thuẫn gay gắt và đưa nhau lên UBND phường để “nhờ phân xử, chia nhau đất công cho "công bằng”.
Theo Quyết định số 687 của UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt chi tiết quy hoạch xây dựng phường Hồng Hà thì toàn bộ diện tích thuộc hành lang sông Hồng (đoạn từ cầu Yên Bái xuống đến xóm Mới thuộc tổ 1a) sẽ được xây dựng thành công viên cây xanh. Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết là vậy, nhưng việc giải toả hàng trăm hộ dân đều đã xây dựng nhà kiên cố và nhiều công trình văn hóa, phúc lợi như: nhà chùa, chợ… là chuyện không đơn giản và chắc chắn không thể tiến hành trong những năm tới.
Câu hỏi được đặt ra là: làm thế nào để ngăn chặn được tình trạng lấn chiếm đất công, tránh hiện tượng khi tiến hành xây dựng công trình ở toàn bộ diện tích đất nói trên, không phải tốn nhiều tiền cho việc đền bù, công tác giải phóng mặt bằng không trở nên quá phức tạp?
Lời giải chỉ có thể là, ngay lúc này UBND tỉnh và thành phố Yên Bái cần khẳng định một lần nữa: có triển khai xây dựng công viên cây xanh như Quyết định 687 đã phê duyệt nữa hay không? Nếu làm thì quy mô ra sao? Giải toả toàn bộ các hộ dân nằm ở một bên đường Thanh Niên hay chỉ lấy một phần đất phía sau (giáp bờ kè sông Hồng)?
Trong trường hợp Nhà nước không giải phóng mặt bằng toàn bộ thì phải có quyết định cụ thể và tiến hành cắm mốc phân giới rõ ràng. Những gia đình có diện tích đất dư thừa thì tiến hành hợp pháp hoá, thu tiền vào ngân sách. Những diện tích trong quy hoạch thì cương quyết giải toả, tránh tình trạng đất Nhà nước mà các hộ dân mặc sức chia nhau xây hàng rào, xây nhà để ở như hiện nay.
Tấn Đạt
Các tin khác
YB ĐT - Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đại tá Trần Đức Ánh - Phó giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, các điều tra viên Phòng An ninh điều tra đã giải cứu thành công ba cô gái dân tộc Thái, trú tại xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu từ Trung Quốc trở về đoàn tụ với gia đình.
Gần 1 tấn nội tạng lợn bốc mùi hôi thối được vận chuyển từ biên giới Lạng Sơn về Hà Nội để sơ chế rồi chuyển vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ đã bị Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an bắt giữ.
YBĐT - Năm 2003, khi vừa tròn 20 tuổi, lần thứ nhất Trịnh Ngọc Đ bị Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm (Hà Nội) xử phạt 26 tháng tù về các tội danh: trộm cắp tài sản và cưỡng đoạt tài sản.
Ngày 26-4, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã khám phá đường dây lừa đảo biến những hạt hạnh nhân thành “thần dược” có tác dụng chữa bách bệnh. Cơ quan công an đã tạm giữ các đối tượng gồm: Đinh Thị Nga, Trần Thu Hiền cùng sinh năm 1956; Trần Thu Hoài, sinh năm 1983 và Vũ Thị Hương, sinh năm 1969, đều trú tại TP Nam Định, tỉnh Nam Định để làm rõ.