Ông Park Hang-seo mới chỉ là HLV thứ ba giúp Việt Nam thắng được Thái Lan ở cấp độ đội tuyển. Trước ông Park là hai trận bán kết của HLV Alfred Riedl ở Tiger Cup 1998 và HLV Henrique Calisto ở AFF Cup 2008.
Hành trình vượt qua nỗi sợ
Nhưng chiến thắng của ông Riedl đến trong bối cảnh Thái Lan đầy hổ thẹn bước ra từ trận đấu với Indonesia, nơi cầu thủ Thái tự đá về lưới nhà để nhận phần thua. Còn chiến thắng của ông Calisto đúng đêm Noel trên đất Thái thực sự là một điều bất ngờ với ngay cả những người trong cuộc. Vào thời điểm đó, tuyển Việt Nam bị chê bai, chỉ trích dữ dội, chứ không nhận được cả triệu tấm chân tình như hiện tại. Và sau khoảnh khắc vinh quang đứng trên đỉnh AFF Cup lần đầu tiên, bóng đá Việt Nam lại chìm vào nỗi sợ hãi mang tên "ông kẹ" trong khu vực.
Từ lúc ông Calisto ra đi đến khi Park Hang-seo tới là khoảng thời gian dài đằng đẵng bóng đá Việt Nam tuyệt vọng trước Thái Lan. Hơn 5 năm, mỗi lần đối đầu Thái Lan là một lần các đội tuyển của Việt Nam chuốc lấy thất bại. Ê chề cả về kết quả lẫn hình ảnh trên sân đấu. Đó mới là điều đau lòng nhất.
Nếu như AFF Cup 2012, trong tình thế rệu rã và đánh mất quyền tự quyết, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng thúc thủ 1-3 trước đội hình hai của Thái Lan, thì đến vòng loại World Cup 2018, ông thầy người Nhật Miura, dù đã biến hàng tiền vệ Việt Nam thành những võ sĩ giác đấu, vẫn phải chấp nhận thua tê tái 4 bàn trắng qua 2 lượt trận.
Một bầu không khí tủi hờn bao trùm khắp Mỹ Đình trong đêm 13-10-2015. Tuyển Việt Nam từ đá rát chuyển sang đá xấu, liên tục phạm lỗi, lăn xả vào chân đối thủ chỉ để ngăn chặn họ chơi bóng. Nhưng ngay cả điều đó chúng ta cũng không làm được. Người Thái vẫn nhảy múa, vẫn ghi 3 bàn, trong đó 1 bàn trung vệ Đinh Tiến Thành phản lưới.
Câu chuyện về nỗi ám ảnh vẫn tiếp diễn dưới triều đại của HLV Hữu Thắng, lần này là chạm trán ở cấp độ U23. Về sau, một tuyển thủ tham gia trận đấu đó kể lại rằng, từ thầy đến trò đều có cảm giác bồn chồn, âu lo đến ăn không ngon, ngủ không yên trước khi gặp người Thái. Sự chuẩn bị về chuyên môn vì thế có chu toàn đến đâu cũng là không đủ. U23 Việt Nam lại thua 0-3 bởi vô số sai sót cá nhân, còn Công Phượng thì đá hỏng phạt đền. Kết thúc sớm SEA Games 2017 ngay từ vòng bảng, ông Thắng cũng nói lời giã biệt, mở lối cho "người đóng thế” Mai Đức Chung tạm quyền và dọn đường đón thầy Park.
Park Hang-seo - như một mối nhân duyên kỳ lạ - mở ra một thời kỳ hoàng kim chưa từng có cho bóng đá Việt Nam chính bằng một nước cờ táo bạo trước U23 Thái Lan. Giải đấu đầu tiên của ông - M150 Cup - chỉ là một giải giao hữu, nhưng ông Park hạ quyết tâm đánh bại bằng được Thái Lan. Không nhiều người tin vào phát biểu HLV người Hàn Quốc, nhưng điều đó đã thành hiện thực, trong bối cảnh chính người Thái cũng "no nê" và ít cảnh giác với một Việt Nam đang chạm đáy niềm tin.
Thầy Park bốc đúng thuốc
Từ khởi đầu đó, ông Park tạo ra một thứ thuốc điều trị từng bước căn bệnh "sợ Thái” cho tất cả những cầu thủ làm việc với ông. Thay vì lẽo đẽo ca bài bao giờ đuổi kịp Thái Lan, chúng ta đi một con đường khác, con đường tìm đến những sân chơi mà chính người Thái cũng chưa bao giờ vươn tới vị thế của chúng ta.
Đó là ASIAD, là Asian Cup, đặc biệt là vòng chung kết U23 châu Á với danh hiệu Á quân. Ở những nơi bóng đá Việt Nam tạo dấu ấn bất ngờ và rộn rã, bóng đá Thái Lan đều chấp nhận trắng tay. Ngay cả tại sân chơi chung nhỏ nhất là AFF Cup 2018, khi chúng ta vô địch, Thái Lan cũng không tìm được vé vào chung kết.
Những cuộc chạy đua ấy đã làm cán cân xoay chuyển. Thất bại liên tiếp ở mọi đấu trường khiến Thái Lan phải chịu một áp lực ngàn cân trước sự thăng hoa của Việt Nam. Trong lúc chúng ta tận hưởng ân tình cùng thầy Park và muốn trọng dụng ông ở tất cả những cấp độ có thể thì Liên đoàn Bóng đá Thái Lan bất đắc dĩ trở thành cái lò xay HLV.
Milovan Rajevac mất việc chỉ sau một thất bại ở Asian Cup 2019, trợ lý Sirisak Yodyardthai nắm quyền từ đó, giờ bị đe dọa sa thải vì 2 trận thua tệ hại tại King’s Cup, còn HLV U23 Alexander Gama cũng đang như ngồi trên lửa. Cái ghế của hai ông Sirisak và Gama bấp bênh như thế đều là do để thua Việt Nam trong những trận cầu sống mái.
Lúc này, bóng đá Thái Lan đang tạm thời thất bại ở mọi cái bẫy mà họ giăng ra hòng đi tắt đón đầu Việt Nam, gỡ gạc phần nào thể diện. Họ từng muốn tạo áp lực cho U23 Việt Nam khi không cần quan tâm đến kết quả, trong lúc chúng ta buộc phải thắng mới có vé vào vòng chung kết châu Á. Chúng ta đã thắng. Họ từng thay đổi cả thể thức King’s Cup hòng tạo ra một cuộc so găng chắc chắn có Việt Nam. Họ rêu rao rằng, ai thắng trận này mới xứng đáng là "ông vua" khu vực. Và chúng ta cũng đã thắng.
Trong cả hai trận đấu, người Thái đã không còn là chính mình khi ở vào thế phải rượt đuổi, phải chứng minh và căng cứng đến nỗi phải đấu sức, đấu võ thay vì chơi thứ bóng đá cửa trên truyền thống. Dù họ có chấp nhận thực tại hay không, mọi chỉ số đều cho thấy, Việt Nam đã "bay qua" Thái Lan ở tất cả các đấu trường.
Bốn năm trước, trong triều đại rực rỡ của HLV Kiatisak, người Thái nói về World Cup như một mục tiêu không xa xôi. Bây giờ, chúng ta đã đàng hoàng vượt qua người Thái, nằm trong Top 16 châu Á. Với lực lượng đủ dày dạn, cùng niềm tin đủ vững vàng, chẳng có lý do gì cản bước thầy trò ông Park Hang-seo tìm đường đến World Cup.
(Theo HNMO)