Olympic - giải đấu lớn nhất hành tinh 4 năm một lần - không chỉ là nơi các nền thể thao phô diễn sức mạnh mà còn trình làng nhiều gương mặt mới.
Tại Olympic Tokyo, bơi lội Mỹ có thể tạm yên tâm sau màn ra mắt thành công của kình ngư 24 tuổi Caeleb Dressel với 5 HCV, người đang khoả lấp khoảng trống của đàn anh Michael Phelps để lại.
Bắn cung Hàn Quốc hãnh diện với cú "hat-trick vàng" của nữ cung thủ 20 tuổi lần đầu dự Olympic, An San. Cầu lông Đan Mạch tự hào khi Jan Jorgensen - 34 tuổi, bước qua sườn dốc sự nghiệp thì đã có tay vợt sinh 1994 Viktor Axelsen giành HCV đơn nam danh giá, phá vỡ thế thống trị của cầu lông Trung Quốc.
Hay tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có Panipak - 23 tuổi, võ sỹ Đông Nam Á đầu tiên giành HCV môn taekwondo. Cầu lông Indonesia dù không bảo vệ thành công HCV đôi nam nữ nhưng cũng xuất sắc có HCV đôi nữ nhờ công cặp VĐV Rahayu Apriyani và Polii Greysia, trong đó Rahayu Apriyani mới 23 tuổi, lần đầu dự Olympic.
Còn thể thao Việt Nam có gì để tự hào ở Olympic Tokyo?
Về thành tích, chúng ta không giành nổi huy chương nào. Đây là bước lùi, nếu so với kỳ tích 1HCV, 1HCB ở Thế vận hội trước đó, hay khi so với các quốc gia láng giềng cùng tới Tokyo lần này (Thái Lan, Indonesia, Philippines đều có ít nhất 1 HCV).
Các VĐV trẻ đến với Olympic lần này như Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Duyên (cử tạ), Trương Thị Kim Tuyền (taekwondo), Nguyễn Thuỳ Linh (cầu lông) đều chưa đủ sức gánh nhiệm vụ giành huy chương, khi chênh lệch đẳng cấp với đối thủ là quá lớn.
Thất bại về mặt thành tích có thể gây thất vọng, nhưng sẽ nguôi ngoai khi giải khép lại. Còn mối lo về lực lượng kế cận mới thực sự là bài toán đau đầu với nền thể thao trong nhiều năm tới.
Trong khi câu hỏi: "Ai đủ sức giành huy chương cho Việt Nam tại Olympic Paris 2024" còn bỏ ngỏ, thì thể thao Việt Nam đối mặt với thực tế: một loạt tài năng đã bước qua sườn dốc sự nghiệp mà chưa có người thay thế.
Với bắn súng, Hoàng Xuân Vinh đã bước sang tuổi 48, chuyển dần sang công tác huấn luyện. Olympic Tokyo có thể nói là giải đấu quốc tế cuối cùng sự nghiệp của anh. Đồng đội Trần Quốc Cường cũng đã gần 50. Và sau Xuân Vinh, Quốc Cường, chưa có đàn em nào thực sự nổi bật.
Ở môn cầu lông, Nguyễn Tiến Minh cũng đã 38 tuổi. Sự nỗ lực, tinh thần cống hiến, tác phong chuyên nghiệp giúp anh có mặt ở kỳ Olympic thứ tư liên tiếp - một cột mốc hiếm có - song thể lực cùng sự đa dạng trong các miếng đánh giờ đã là điểm yếu, dễ dàng bị các đối thủ tuổi em, tuổi cháu khai thác, đánh bại. Hai trận toàn thua ở Olympic Tokyo là ví dụ.
Trong số các tay vợt Việt Nam hiện có lúc này, không ai đủ tự tin có thể thế chỗ đàn anh, người từng lọt nhóm 4 tay vợt xuất sắc nhất trên bảng xếp hạng thế giới, huy chương đồng vô địch thế giới.
Với môn Olympic cơ bản khác là bơi, Nguyễn Thị Ánh Viên giúp Việt Nam thăng hoa ở 3 kỳ SEA Games gần nhất và có thể tại SEA Games 2021, nữ kình ngư 26 tuổi sẽ gạn nhặt thêm một số HCV cho thể thao Việt Nam. Thế nhưng với Olympic Paris 2024, ở tuổi 29, Ánh Viên khó cạnh tranh suất tham dự, chứ không nói tới chuyện giành huy chương.
Thành tích của Ánh Viên tại Olympic Tokyo khiến nhiều người nuối tiếc hơn là thất vọng, bởi một tài năng được đánh giá đặc biệt xuất chúng, 50 năm mới có một người, đã không được đầu tư đúng mức, đúng cách.
Và sau Nguyễn Thị Ánh Viên, bơi lội Việt Nam có ai đủ sức giành 8 HCV trong một kỳ SEA Games và mở ra hy vọng huy chương ở ASIAD, Olympic? Một câu hỏi mà có lẽ, ngành thể thao phải rất mất nhiều năm để giải đáp.
(Theo ANTĐ)