- Điền kinh Việt Nam đã liên tiếp giữ ngôi vị Nhất toàn đoàn các kỳ SEA Games gần đây. Kỳ này, với tư cách chủ nhà SEA Games 31 (sẽ diễn ra vào tháng 5-2022), điền kinh Việt Nam đương nhiên phải nhận nhiệm vụ bảo vệ thành công ngôi vị số 1. Chúng ta đã chuẩn bị như thế nào cho "gánh” trách nhiệm này, thưa ông?
- Điền kinh Việt Nam vừa trải qua một năm vất vả do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kế hoạch tập luyện và thi đấu cả trong nước và quốc tế đều bị ảnh hưởng rất nhiều. Trong khi đó, áp lực phải bảo vệ thành công ngôi vị số 1 tại SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà là có thực, đòi hỏi từng huấn luyện viên, vận động viên phải chủ động, tích cực tập luyện, khắc phục khó khăn.
Minh chứng là Tết Nhâm Dần, 75 vận động viên và gần 30 huấn luyện viên được tập trung đội tuyển quốc gia tại 5 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia trong cả nước đều sẽ không về nhà. Các thành viên đội tuyển sẽ triển khai tập luyện ngay từ mùng 1 Tết, không có ngày nghỉ, để quyết tâm bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á.
- Theo ông, để bảo vệ thành công ngôi vị số 1, điền kinh Việt Nam sẽ phải giành tối thiểu bao nhiêu Huy chương vàng? Ông đánh giá thế nào về lực lượng của chúng ta hiện nay?
- Trong tổng số 47 nội dung thi đấu, chúng ta phải phấn đấu giành từ 16 Huy chương vàng trở lên. Trong những gương mặt được kỳ vọng, ngoài Nguyễn Thị Oanh (chạy 1.500m, 5.000m, 3.000m vượt chứng ngại vật), Quách Thị Lan (chạy nước rút và chạy vượt rào), Phạm Thị Hồng Lệ (chạy 10.000m nữ)…, còn phải kể đến những nhân tố trẻ có khả năng tranh chấp Huy chương vàng ở các nội dung chạy 400m nam, nữ, chạy 100m rào, nhảy cao…
Đơn cử như vận động viên Huỳnh Thị Mỹ Tiên vừa bảo vệ thành công Huy chương vàng chạy 100m rào ở Giải vô địch quốc gia với thông số tốt hơn SEA Games 30; hay như gương mặt giàu triển vọng Phạm Quỳnh Giang - Huy chương vàng nội dung nhảy cao nữ. Nội dung chạy 800m nam, Trần Văn Đảng, Giang Văn Dũng, Lương Đức Phước đều có phong độ ổn định, nhưng đối thủ người Thái Lan ở nội dung này có sự góp mặt của 1 vận động viên nhập tịch có thông số thi đấu rất tốt nên việc giành Huy chương vàng nội dung này thực sự không dễ dàng.
- Một thách thức không nhỏ nữa, chính là việc phải giành Huy chương vàng ASIAD diễn ra vào tháng 8-2022. Năm 2018, lần đầu tiên điền kinh Việt Nam có Huy chương vàng ASIAD, nhờ công của vận động viên nhảy xa Hà Nội Bùi Thị Thu Thảo. Sau đó, với việc Kemi Adekoya - vận động viên nhập tịch của Bahrain, bị tước Huy chương vàng do sử dụng doping, Quách Thị Lan được đôn từ Huy chương bạc lên nhận Huy chương vàng nội dung chạy 400m rào nữ. Tuy nhiên, việc bảo vệ thành công 2 tấm Huy chương vàng này tại ASIAD năm 2022 là cực kỳ khó khăn, thưa ông?
- Khi giành Huy chương vàng nội dung nhảy xa nữ tại ASIAD năm 2018, Bùi Thị Thu Thảo chỉ vượt qua thông số kỹ thuật là 6m55. Tại Giải vô địch quốc gia tháng 12-2021, Thu Thảo trở lại thi đấu sau 2 năm nghỉ tập và vẫn bảo vệ thành công tấm Huy chương vàng, nhưng thông số kỹ thuật chỉ đạt 6m27. Trong khi đó, tại đấu trường điền kinh châu Á hiện nay, rất nhiều vận động viên đã nhảy xa qua mức 6,6m, thậm chí đạt mức 6m85. Cơ hội bảo vệ Huy chương vàng của Thu Thảo chắc chắn sẽ là cực kỳ khó khăn.
Với nội dung chạy 400m rào của Quách Thị Lan, cái khó vẫn là những ẩn số từ các vận động viên nhập tịch của các quốc gia Trung Đông. Chưa kể, tại một giải điền kinh được tổ chức tháng 9-2021 ở Trung Quốc, đã xuất hiện 1 vận động viên trẻ hơn và có thành tích tốt hơn Quách Thị Lan.
Chính vì vậy, điền kinh Việt Nam phải xây dựng kế hoạch thực sự chặt chẽ để có thể phấn đấu giành được Huy chương vàng ASIAD năm 2022. Trong đó, Quách Thị Lan sẽ được tạo điều kiện đi tập huấn ở châu Âu, được thi đấu ở Mỹ, được dành nguồn lực đáng kể về dinh dưỡng kết hợp khoa học thể thao - y tế...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo HNMO)