Cuối tháng này, World Cup 2022 sẽ diễn ra tại quốc gia Vùng Vịnh Qatar. Nước chủ nhà World Cup năm nay là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân đầu người tại Qatar năm ngoái là 61.200 USD, còn GDP là gần 180 tỷ USD.
Qatar có 2,9 triệu người sinh sống, nhưng chỉ một phần nhỏ - khoảng 10% - là công dân nước này. Họ được hưởng nhiều quyền lợi và các khoản hỗ trợ hào phóng khi đất nước có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn hàng đầu thế giới.
Qatar từng là làng chài nghèo khó, người dân sống dựa vào đánh bắt cá và mò ngọc trai. Cũng như các nước khác ở Vùng Vịnh, kinh tế của họ khá mong manh. Nhưng đến giữa thế kỷ 20, việc tìm ra dầu mỏ, khí đốt đã thay đổi vĩnh viễn cuộc sống tại bán đảo Arab.
Chỉ trong 50 năm, Qatar trở thành điểm trung chuyển quốc tế với Sân bay quốc tế Doha, có hãng hàng không quốc gia Qatar Airways và kênh truyền hình Al Jazeera với tầm ảnh hưởng rộng. Khi phần lớn thế giới đang đối mặt với suy thoái và lạm phát, Qatar và các nước sản xuất dầu ở Vùng Vịnh lại đang tăng thu nhờ giá năng lượng cao. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Qatar tăng trưởng 3,4% năm nay - hơn gấp đôi năm ngoái.
Người dân Qatar được hưởng nhiều quyền lợi, như không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, làm việc trong chính phủ với mức lương cao, chăm sóc y tế và giáo dục miễn phí. Các đôi vợ chồng mới cưới được hỗ trợ tài chính. Người dân được hỗ trợ mua nhà, nhận các khoản trợ cấp về điện - nước - gas, cũng như tiền lương hưu hào phóng.
Lao động từ các nước khác sẽ làm trong lĩnh vực dịch vụ, như tài xế hay trông trẻ. Họ cũng làm các công việc trong ngành xây dựng, giúp tạo nên Qatar hiện đại ngày nay.
Quỹ đầu tư quốc gia của Qatar (QIA) quản lý tài chính cho nước này. Dù đã chi khoản tiền khổng lồ cho World Cup, Qatar vẫn đang thu nhiều hơn chi. Sự giàu có của họ có thể còn tăng lên khi giới chức đang nỗ lực tăng xuất khẩu khí thiên nhiên cho đến năm 2025.
Theo các số liệu chính thức và báo cáo của Deloitte, Qatar đã chi khoảng 200 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và các dự án khác kể từ khi giành quyền đăng cai World Cup. Khoảng 6,5 tỷ USD đã được sử dụng để xây 8 sân vận động cho giải đấu, trong đó có sân Al Janoub thiết kế bởi cố kiến trúc sư nổi tiếng Zaha Hadid. Hàng tỷ USD khác được dùng để xây một tuyến tàu điện ngầm, sân bay mới, đường bộ và cơ sở hạ tầng trước các trận đấu.
Hãng nghiên cứu Capital Economics cho biết số vé bán ra cho thấy khoảng 1,5 triệu khách du lịch sẽ đến Qatar để xem World Cup. Nếu mỗi người ở lại 10 ngày và chi 500 USD mỗi ngày, số tiền họ thu được từ mỗi khách du lịch sẽ là 5.000 USD. Điều này đồng nghĩa Qatar có thể thu về 7,5 tỷ USD năm nay.
Qatar chi 200 tỷ USD cho World Cup 2022
Chủ nhà Qatar chi 200 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đăng cai World Cup 2022, gấp gần 20 lần số tiền Nga chi ở kỳ trước.
World Cup 2022 sẽ khởi tranh trong một tháng nữa, và chủ nhà Qatar đã hoàn tất việc xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ giải đấu. Theo báo Anh Sunsport, quốc gia Tây Á chi 200 tỷ USD để đăng cai World Cup 2022, gấp gần 20 lần so với 11,6 tỷ mà Nga bỏ ra để tổ chức giải đấu năm 2018.
Khoản chi tiêu cao nhất để đăng cai một kỳ World Cup trước đó thuộc về Brazil với 15 tỷ USD năm 2014, trong khi Nam Phi tốn 3,6 tỷ USD cho giải đấu năm 2010. World Cup 2006 tiêu tốn của Đức 4,3 tỷ USD, còn Hàn Quốc và Nhật Bản chi tổng cộng 7 tỷ USD để cùng đăng cai giải đấu năm 2002. Pháp bỏ ra 2,3 tỷ USD để đăng cai World Cup 1998, trong khi Mỹ mất 500 triệu USD cho giải đấu năm 1994.
Chi phí tổ chức World Cup 2022 cao hơn gấp bốn lần tổng chi phí tổ chức 7 kỳ gần nhất trước đó.
Như vậy, tổng số tiền các nước chủ nhà đầu tư để đăng cai bảy kỳ World Cup gần nhất là 44,3 tỷ USD, chưa bằng một phần tư so với số tiền mà Qatar chi ra cho giải đấu vào cuối năm nay.
Dù chi 200 tỷ USD, Qatar thừa nhận chỉ "có thể cung cấp tối đa 130.000 phòng khách sạn, trong đó 90.000 phòng dành cho các nền tảng đặt phòng trực tuyến". Trong khi đó, FIFA dự tính sẽ có từ một đến hai triệu người đến Qatar trong thời gian diễn ra World Cup 2022. Theo Sunsport, 80% số phòng khách sạn đã được FIFA đặt cho các đội tuyển dự giải, các quan chức và các đối tác tài trợ.
Người hâm mộ, vì thế, có thể không dành trọn một ngày ở Qatar khi tới xem World Cup 2022. Các nước láng giềng Saudi Arabia, UAE, Oman và Kuwait hy vọng sẽ đón nhiều khách du lịch với chỗ ở giá cả phải chăng hơn.
Trong tổng số 200 tỷ USD, Qatar chỉ chi 6,5 tỷ USD để xây mới 7 sân vận động, cải tạo sân Khalifa, và vào cơ sở vật chất phục vụ các đội tuyển và người hâm mộ. Giám đốc Điều hành Truyền thông của World Cup 2022, bà Fatma Al Nuaimi nhấn mạnh rằng World Cup 2022 chỉ là một phần của kế hoạch "Tầm nhìn Qatar 2030" - chiến lược của Chính phủ Qatar nhằm thúc đẩy sự phát triển chuyên sâu của đô thị, cơ sở vật chất và công nghiệp quốc gia, ngoài hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
"Con số 200 tỷ USD thường gắn liền với World Cup 2022, thực tế là một phần trong chiến lược đầy tham vọng đối với sự phát triển và hiện đại hóa quốc gia của Qatar", bà Al Nuaimi nói. "Hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn sẽ được các đội và người hâm mộ sử dụng tại World Cup 2022, như đường mới, tàu điện ngầm, sân bay, khách sạn và các cơ sở du lịch khác. Tất cả đều được lên kế hoạch từ trước khi chúng tôi giành quyền đăng cai World Cup".
Trong kế hoạch đến 2030, Qatar chi một khoản lớn để xây dựng Lusail thành một thành phố bao gồm 19 quận, nhưng vẫn trong quá trình hoàn thiện. Một phần lớn ngân sách khác được dành cho việc xây dựng các sân bay và một mạng lưới giao thông ngầm khổng lồ. Tàu điện ngầm Doha được khai trương vào tháng 5/2019 với chi phí khoảng 36 tỷ USD, còn sân bay quốc tế Hamad mở cửa hoạt động vào năm 2014 tốn khoảng 16 tỷ USD.
World Cup 2022 sẽ diễn ra tại Qatar từ 20/11 đến 18/12 - ngày quốc khánh của Qatar. Năm nay giải diễn ra trong 29 ngày thay vì 32 ngày như trước đây. Trận khai mạc giữa chủ nhà Qatar và Ecuador diễn ra lúc 19h ngày 20/11 (23h giờ Hà Nội), sau lễ khai mạc trên sân vận động Al Bayt có sức chứa 60.000 người.
(Theo VnExpress)