Nam Định có lẽ là cái tên gây ngỡ ngàng nhất ở V-League thời điểm hiện tại. Sau 4 vòng đấu, đội bóng của HLV Vũ Hồng Việt đang dẫn đầu bảng xếp hạng với thành tích bất bại cả 4 trận. Với 12 điểm, Nam Định hơn đội nhì bảng Thanh Hoá 4 điểm, hơn Thể Công Viettel 4 điểm (nhưng đá ít hơn 1 trận).
Đây là khởi đầu tốt nhất của Nam Định kể từ khi trở lại V-League sau nhiều năm chật vật dưới giải hạng Nhất. Trong quá khứ, Nam Định thường xuyên nằm trong nhóm "con nhà nghèo”, nhưng lúc này có thể nói vui là họ đang "trúng số”. Không quá ồn ào trên thị trường chuyển nhượng, thực tế Nam Định là đội mua sắm vào loại mạnh tay ở V-League.
Có thể điểm qua một số gương mặt đáng chú ý của Nam Định gần đây như Hồng Duy, Văn Kiên, Văn Toàn hay Rafaelson, Hendrio… Việc những "hàng tuyển” như Văn Toàn, Hồng Duy chấp nhận về khoác áo Nam Định cho thấy sức mạnh tài chính đáng nể của đội bóng này. Các bản hợp đồng trên đang phát huy hiệu quả rất tích cực ở mùa giải năm nay, đặc biệt hàng tấn công.
Theo thống kê chỉ sau 4 vòng đấu, Nam Định là đội có hàng công mạnh nhất với 11 bàn thắng, trong số này 2 ngoại binh Rafaelson và Hendrio đóng góp 8 bàn. Rafaelson đang dẫn đầu danh sách ghi bàn ở V-League với 5 pha lập công. Nhờ hàng tấn công mạnh, dù hàng thủ để thủng lưới tới 6 bàn nhưng Nam Định vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng, thắng cả 4 trận đầu tiên. Với phong độ hiện tại, Nam Định được nhận định có thể là ứng viên lớn trong cuộc đua vô địch mùa giải năm nay. Dĩ nhiên, "đường xa mới biết ngựa hay”, việc có duy trì được sự ổn định cả về lối chơi cũng như phong độ hay không sẽ phụ thuộc vào HLV Vũ Hồng Việt cũng như nội lực, sức bền của đội bóng thành Nam.
Bóng đá là cuộc chơi của kẻ giàu, thế giới đã vậy và V-League cũng không ngoại lệ. Trong cuộc đua sôi nổi các mùa giải qua, HAGL có lẽ là nét chấm phá buồn đối với những người yêu bóng đá. Đội bóng của bầu Đức hiện đang ở đáy bảng xếp hạng với vỏn vẹn 2 điểm sau 5 vòng đấu. Tài năng của HLV Kiatisuk Senamuang không đủ giúp HAGL bật lên, bởi thực lực của họ lúc này quá yếu, đặc biệt sau cuộc "chảy máu” lực lượng mùa giải trước.
Sự sa sút của HAGL gắn liền với quá trình đi xuống về kinh tế của tập đoàn mẹ. Sau 20 năm có tên trên bản đồ V-League, bầu Đức mới đây đã phải đổi tên đội bóng, qua đó kiếm nguồn tài trợ mới. Nhưng HAGL không phải ví dụ duy nhất bóng đá phụ thuộc vài túi tiền của ông chủ. Nhiều cái tên đình đám khác của bóng đá Việt Nam trước đây như Bình Dương, Long An… cũng rơi vào cảnh khó khăn, không còn duy trì được sức mạnh.
Nhìn vào nửa cuối bảng xếp hạng V-League năm nay, dễ thấy nhiều cái tên khác cũng đang có dấu hiệu sa sút. Ngoài Bình Dương, Bình Định một giai đoạn ồn ào hiện cũng bị đẩy xuống nhóm dưới hay thậm chí là SLNA và CLB Hà Nội. Ít ai nghĩ CLB Hà Nội có lúc lại khởi đầu tệ như vậy, nếu chứng kiến đội bóng của bầu Hiển thống trị V-League cả thập niên. Tuy nhiên cùng với sự nổi lên của CAHN mùa trước, Hà Nội dần suy giảm uy thế. Hai mùa gần đây, đội bóng của bầu Hiển mất khá nhiều trụ cột, gồm cả những ngôi sao bậc nhất như Quang Hải, Văn Hậu. Ngoài 2 cầu thủ trên, họ cũng vừa phải để trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh ra đi và hiện cả 3 cầu thủ này đều thuộc biên chế CAHN.
Cần chú ý, lần gần nhất Hà Nội chịu mất ngôi sao của mình vào tay đội bóng khác là Công Vinh năm 2011 (tới CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên). Nói như vậy để thấy CAHN, đội cũng đưa về một loạt ngôi sao từ các đội bóng khác một cách dễ dàng, có uy lực hấp dẫn đặc biệt. Đây cũng là một "tay chơi” mới ở V-League.
Người ta vẫn chờ đợi CLB Hà Nội sẽ trở lại dựa vào nền tảng nội lực vững vàng, hay Thể Công Viettel vốn không ngán ngại ai. Cuộc đua V-League như vậy sẽ sôi động và hấp dẫn hơn, thay vì chỉ có những tay chơi mới.
(Theo TP)