Hiện nay, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có sân chơi, bãi tập thể thao. Hàng năm, các địa phương đều tổ chức các giải thể thao truyền thống riêng hoặc kết hợp trong hoạt động lễ hội với các môn thể thao dân tộc phổ biến như: bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, đánh quay, tung còn... Các hoạt động thể thao dân tộc diễn ra sôi nổi, mọi người đều có thể tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi.
Toàn huyện Văn Yên hiện có trên 53.000 người luyện tập TDTT thường xuyên; 2.700 gia đình thể thao; 70 câu lạc bộ (CLB), đội thể thao ở cấp xã, thôn, tổ dân phố…
Hàng năm, các xã, cơ quan, đơn vị đã phối hợp tổ chức giải thể thao truyền thống lồng ghép trong các dịp lễ hội, sự kiện lớn của huyện. Điển hình như Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số năm 2023 được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9 thu hút trên 300 vận động viên (VĐV) tham gia tranh tài ở các môn thể thao truyền thống như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo, đua thuyền, đánh quay.
Vận động viên (VĐV) Hoàng Văn Nam thi đấu môn bắn nỏ của đội xã Yên Thái chia sẻ: "Để đạt thành tích cao bộ môn bắn nỏ, tôi thường xuyên luyện tập, tham gia các giải thể thao ở xã giúp tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng tay ngắm, tâm lý thi đấu vững vàng cùng sự tập trung cao”.
Hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải là địa bàn đặc biệt phát huy thế mạnh của các môn thể thao dân tộc như: bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, đánh quay, tung còn. Đến nay, những giải thi đấu, hoạt động TDTT lồng ghép trong dịp lễ hội đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào và trở thành sân chơi bổ ích, nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc. Các xã vùng cao dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng đã linh hoạt vận động nhân dân đóng góp xây dựng sân bãi phục vụ tập luyện, giao lưu thi đấu thường xuyên.
Ở cấp tỉnh, hàng năm, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức nhiều giải thi đấu các môn thể thao dân tộc như Giải Vô địch bắn nỏ - đẩy gậy tỉnh, đồng thời đưa các môn thể thao dân tộc vào thi đấu tại Đại hội TDTT tỉnh giúp phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng VĐV có năng khiếu, tố chất ở các bộ môn thể thao dân tộc cho đội tuyển của huyện, tỉnh. Các môn thể thao dân tộc truyền thống đã gắn bó với đời sống, lao động của đồng bào các dân tộc, là nét văn hóa luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong nhiều giai đoạn phát triển. Đây cũng là điểm tựa quan trọng để thúc đẩy phong trào thể dục thể thao của mỗi địa phương.
Nhiều VĐV tiêu biểu của tỉnh tham gia thi đấu đạt thứ hạng cao tại các giải khu vực: ở môn bắn nỏ có thể kể đến như VĐV Tăng Hữu Thủy, Mông Thị Thảo (Lục Yên), VĐV Giàng A Dia (Trạm Tấu); môn đẩy gậy có VĐV Trần Văn Tài (Văn Yên), Hà Đức Tuấn, Đào Nhật Tân (Văn Chấn)...
Dù đã phát triển song nghiêm túc nhìn nhận, việc tập luyện các môn thể thao dân tộc còn gặp khó khăn do phong trào TDTT quần chúng chưa đồng đều giữa các địa phương; hoạt động TDTT ở vùng nông thôn chưa được duy trì thường xuyên; dụng cụ TDTT ở xã vùng cao còn hạn chế; việc đào tạo, bồi dưỡng còn mang tính ngắn hạn.
Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Để "giữ lửa" và phát huy thế mạnh các môn thể thao dân tộc, trước mắt, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức lồng ghép giao lưu, thi đấu thể thao dân tộc, coi đó là sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng miền thu hút du khách. Đồng thời tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ nhằm phát hiện, tuyển chọn những tài năng triển vọng; duy trì, nhân rộng các câu lạc bộ thể thao dân tộc ở các địa phương, khuyến khích phong trào rèn luyện các môn thể thao dân tộc”.
Có thể thấy, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển các môn thể thao dân tộc đã và đang được tỉnh chú trọng quan tâm, đầu tư đúng hướng. Đây cũng là nền tảng vững chắc huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân tham gia luyện tập, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc góp phần xây dựng Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Bùi Minh