“Người đặc biệt” của điền kinh Việt Nam
- Cập nhật: Thứ ba, 4/3/2008 | 12:00:00 AM
Trong làng điền kinh Việt Nam, Lưu Văn Hùng xứng đáng được hưởng biệt danh ấy. Không như các VĐV khác chỉ “chuyên canh” một nội dung thi, từ việt dã, marathon, chạy 5.000m, 10.000m trong SVĐ và lĩnh vực nào, Lưu Văn Hùng cũng giành kết quả cao.
Nguyễn Văng Sỹ (Thanh Hóa) người đoạt giải nhất cự ly 7.000 m nam trẻ Việt dã Tiền phong 48 – 2007 là học trò của Lưu Văn Hùng
|
Tám năm không đối thủ
Vốn là một người lính của binh chủng thông tin hữu tuyến, Lưu Văn Hùng được rèn luyện đức tính kiên trì, độc lập chiến đấu qua những lần làm nhiệm vụ, đảm bảo thông tin trên những địa hình khác nhau. Ngoài ra, mỗi năm 1-2 lần tham gia hội thao cấp tiểu đoàn, trung đoàn là vốn liếng thể thao để anh bước vào đường chạy chuyên nghiệp.
Sau khi giải ngũ, năm 1989 Lưu Văn Hùng thi vào trường trung học TDTT Thanh Hoá. Ở Thanh Hoá, vào dịp đầu năm thường có giải việt dã phong trào chào mừng Việt dã toàn quốc giải báo Tiền phong. Trường trung học TDTT thành lập một đội tham gia và Lưu Văn Hùng đã về nhất cuộc thi đó.
Thành tích của anh quá tốt khiến các HLV của ngành TDTT tỉnh “chấm” anh cho việt dã toàn quốc giải báo Tiền phong năm sau nhưng anh cũng chỉ được tập luyện trước giải 3 tháng. Điều bất ngờ nhất là anh đã giành HCĐ ở ngay lần đầu tham dự (năm 1990).
Lưu Văn Hùng từng nói rằng tấm HCĐ ngày ấy đã giúp anh “phát hiện” ra những ưu điểm của mình và tin rằng mình sẽ còn “phát” hơn nữa nếu được chuẩn bị chu đáo hơn. Các HLV tỉnh Thanh biết mình đã phát hiện ra một tài năng bèn đề nghị với lãnh đạo ngành đầu tư mạnh. Giải năm sau anh vượt lên một bậc, giành HCB còn từ giải thứ ba anh luôn là chủ nhân của tấm HCV.
Tám năm liên tục (1993-2000) Lưu Văn Hùng không có đối thủ trên đường chạy việt dã toàn quốc giải báo Tiền phong. Trước Lưu Văn Hùng, “tiền bối” Bùi Lương cũng có số lần vô địch tương tự nhưng không “làm một lèo” như anh.
Dạo qua Marathon
Không chỉ “thâm canh” ở đường chạy việt dã, Lưu Văn Hùng đã “lấn sân” sang cả đường chạy marathon, đỉnh cao khắc nghiệt nhất của môn điền kinh với chiều dài đường chạy lên đến 42,195km. Trước khi lần đầu vô địch Việt dã toàn quốc giải báo Tiền phong năm 1993, năm 1992, Lưu Văn Hùng đã tham gia tranh tài tại giải Marathon quốc tế TPHCM mở rộng và về đích thứ nhì.
Sau cuộc thi, Lưu Văn Hùng tiết lộ việt dã đã khơi dậy trong anh những khả năng tiềm tàng mà anh chưa hề biết. “Tôi chạy Marathon mà như chạy… việt dã bởi vì mình đã thi môn này bao giờ đâu. Được HCB đúng là một kỳ tích”, anh bộc bạch.
Năm sau có kinh nghiệm hơn, khi tham gia giải Marathon quốc tế Hà Nội mở rộng, Lưu Văn Hùng “ẵm” luôn ngôi đầu. Năm 1994 anh lại về thứ ba ở giải Marathon quốc tế TPHCM mở rộng.
“Ngón tủ của tôi là chạy cự ly trung bình và dài”
Lưu Văn Hùng khẳng định như vậy khi có người hỏi đâu là sở trường của anh. Sức bền là thế mạnh của Lưu Văn Hùng nhưng anh còn hơn những VĐV khác ở sức bền tốc độ. Chạy việt dã là “nghiệp vụ” của anh nhưng chạy cự ly trung bình và dài cũng làm tên tuổi của anh nổi như cồn, ngang với chạy việt dã.
Năm 1994, nhờ hai thế mạnh này mà khi lần đầu tham gia giải vô địch điền kinh toàn quốc, Lưu Văn Hùng đã phá luôn kỷ lục cự ly 5.000m của “lão tướng” Bùi Lương, đã tồn tại suốt 26 năm. Một năm sau, tham gia thi đấu cự ly 10.000m ở cũng giải vô địch điền kinh toàn quốc, anh lại phá kỷ lục của Nguyễn Văn Thuyết. Năm 1997 anh lại phá tiếp kỷ lục của chính mình.
Mới đây, trong tập luyện ở nước ngoài, VĐV Nguyễn Chí Đông của Hà Nội đã có thành tích vượt kỷ lục 10.000m của Lưu Văn Hùng nhưng “thành tích trong tập luyện chỉ có tính chất tham khảo, thành tích trong một cuộc thi đấu cấp quốc gia hoặc quốc tế mới được công nhận kỷ lục, tôi vẫn là chủ nhân của KLQG cự ly 10.000m”, Lưu Văn Hùng tự hào nói vậy.
Từ năm 1994 đến năm 2000, đồng thời với đường chạy việt dã toàn quốc giải báo Tiền phong, trên đường chạy 5.000m và 10.000m anh cũng không có đối thủ.
(Theo TPO)
Các tin khác
Iran chính thức bổ nhiệm ngôi sao vừa giải nghệ Ali Daei làm HLV trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia - một quyết định gây khá nhiều bất ngờ cho giới chuyên môn.
Ngày 2/3, sau 3 trận toàn thắng tại giai đoạn 2, Giải Bóng bàn Vô địch Thế giới 2008, tổ chức tại Trung Quốc, đội nam Việt Nam đã kết thúc giải ở vị trí 37 chung cuộc.
Sau thời gian nghỉ thi đấu vì sinh con, cựu binh người Mỹ Lindsay Davenport đã có sự trở lại khá thành công, trong đó mới nhất là chức vô địch tại Memphis.
Bàn thắng của Bendtner đã giúp Arsenal giành lại được 1 điểm quý giá, trong lúc pha ghi bàn của Eto'o chỉ có thể giúp cho thất bại của Barcelona bớt nặng nề.